Khi biến chủng SARS-CoV-2 mới từ Nam Phi được phát hiện, hàng loạt chuyên gia lo lắng bởi nó chứa đột biến có thể kháng vaccine - E484K.
Bác sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Quốc gia Mỹ về Dị ứng và Các bệnh Truyền nhiễm, từng cảnh báo: "Dữ liệu cho thấy mức độ miễn dịch mà bệnh nhân mắc Covid-19 theo cách lây nhiễm thông thường có được là không đủ để bảo vệ họ trước biến chủng virus này".
Ngày càng nhiều ca tái mắc Covid-19
Bộ Y tế Israel vừa báo cáo thêm 2 trường hợp nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi, sau khi khỏi Covid-19. Như vậy, quốc gia này đã ghi nhận tổng cộng 3 người tái mắc Covid-19, lần nhiễm thứ 2 là biến chủng mới. Số ca tái mắc Covid-19 tăng lên khiến giới chuyên gia lo ngại nó sẽ trở thành làn sóng nguy hiểm.
Theo Washington Post, Israel đã có 14 trường hợp mới nhiễm biến chủng virus từ Nam Phi, nâng tổng số lên 44 người. Cơ quan y tế xác định 124 trường hợp tiếp xúc gần và 36 địa điểm liên quan ca tái mắc trên.
Trước đó, ca tái mắc Covid-19 đầu tiên của Israel là ông Ziv Yaffe, 57 tuổi, bị nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi sau khi trở về từ Thổ Nhĩ Kỳ. Lần đầu tiên mắc Covid-19 của người này vào tháng 8/2020.
Khi tái mắc Covid-19, người này không có bất kỳ triệu chứng nào. Các F1 của bệnh nhân cũng không bị nhiễm biến chủng virus mới dù họ tiếp xúc gần mà không có trang phục bảo hộ hay khẩu trang. Chuyên gia giải thích có thể những kháng thể từ lần khỏi Covid-19 trước đó đã bảo vệ người đàn ông này.
Bộ Y tế Israel cho biết họ đang "nỗ lực để đánh giá mức độ bùng phát" của các ca tái mắc Covid-19, nhất là tại khu vực tam giác phía bắc nước này. Israel đã tiêm vaccine cho hơn 3,9 triệu người, chiếm khoảng 40% dân số. Khoảng 2,5 triệu người đã tiêm liều vaccine thứ hai.
Cách đây ít ngày, một bệnh nhân ở Pháp tái mắc Covid-19 đã trở nặng vì biến chủng virus mới từ Nam Phi. Người đàn ông 58 tuổi được phát hiện tái mắc Covid-19 sau một tháng khỏi bệnh. Trường hợp này được công bố trên tạp chí Clinical Infection.
Triệu chứng ban đầu của người đàn ông này là khó thở và sốt. Khoảng một tuần sau khi nhập viện, sức khỏe của bệnh nhân ngày càng diễn biến xấu. Ông bị suy hô hấp cấp tính và phải thở máy. Trong lần mắc Covid-19 đầu tiên, ông chỉ có triệu chứng nhẹ.
Biến chủng từ Nam Phi lây lan nhanh
Biến chủng virus mới từ Nam Phi đã lan ra ít nhất 32 quốc gia, vùng lãnh thổ, làm dấy lên lo ngại khi các nước này phải vật lộn để đẩy nhanh quá trình tiêm vaccine.
Tuy nhiên, các thử nghiệm vaccine từng cho thấy biến chủng từ Nam Phi tựa như "con ngựa bất kham". Trong cuộc thử nghiệm vaccine Novavax ở Nam Phi, bệnh nhân Covid-19 vẫn có khả năng nhiễm biến chủng như những người chưa từng mắc bệnh.
Nhân viên nhà tang lễ ở Pretoria, Nam Phi, bọc thi thể của bệnh nhân tử vong vì Covid-19. Ảnh: AFP/Getty Images.
Khoảng 30% người tham gia thử nghiệm này có kháng thể SARS-CoV-2 trong máu, chứng tỏ họ đã hồi phục sau lần mắc bệnh đầu tiên. Tuy nhiên, tỷ lệ người tái nhiễm là 4%, gần tương đương tỷ lệ người mắc bệnh lần đầu. Điều này có nghĩa hệ miễn dịch không thể bảo vệ họ hoàn toàn trước biến thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Nam Phi.
Ngày 7/2, giới chức y tế Nam Phi thông báo nước này tạm hoãn tiêm phòng đại trà vaccine Covid-19 của AstraZeneca, sau nghiên cứu cho thấy sản phẩm thiếu hiệu quả với biến chủng virus mới.
Chúng chỉ tạo ra "bảo vệ tối thiểu" trước biến chủng mới, được phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Người được tiêm ngừa vẫn có khả năng xuất hiện triệu chứng nhẹ và vừa. Nghiên cứu do Đại học Witwatersrand, Oxford và một số cơ sở khác phối hợp thực hiện, với khoảng 2.000 tình nguyện viên, có độ tuổi trung bình là 31.
Tháng 1, Pfizer/BioNTech công bố kết quả thử nghiệm cho thấy vaccine của họ có hiệu quả chống lại đột biến N501Y trong biến chủng virus mới từ Anh và Nam Phi. Tuy nhiên, kết quả này chưa được phê duyệt hay phản biện.
Với vaccine của Moderna, công ty này cho hay hiệu quả chống biến chủng virus mới từ Nam Phi giảm chỉ còn 1/6. Dù vậy, đại diện Moderna khẳng định những kháng thể này vẫn ở mức bảo vệ được người tiêm vaccine.
Trước tình hình này, bà Sharon Alroy-Preis, đại diện Bộ Y tế Israel, cho biết chúng ta vẫn còn nhiều điều chưa rõ về khả năng miễn dịch vaccine và các biến chủng virus mới. Vị chuyên gia cũng lưu ý chủng Nam Phi được cho là có khả năng lây truyền cao và đáng lo ngại hơn. Do đó, các quốc gia cần thận trọng với nó.
“Chúng tôi chưa có bằng chứng cho thấy bất kỳ biến chủng nào kháng lại hoàn toàn vaccine. Tuy nhiên, một số dữ liệu đã nói rằng hiệu quả của vaccine có thể kém hơn so với biến chủng từ Nam Phi", bà Sharon nói thêm.
Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 719 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.
Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội) đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.
Ngày 12/2, các chuyên gia đã giải mã gene của ca bệnh nhân viên bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất và phát hiện họ nhiễm biến chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi. Đây là lần đầu tiên Đông Nam Á ghi nhận ca nhiễm biến chủng này.
Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán.
Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới" sẽ cung cấp nghiên cứu mới của các nhà khoa học trên thế giới và thông tin từ chuyên gia, bác sĩ trong nước để giúp người dân có biện pháp phòng bệnh an toàn.
Theo Zing