Các bệnh viện ngày càng từ chối nhiều bệnh nhân, trong khi Nhật Bản chứng kiến con số lây nhiễm Covid-19 tăng lên rất nhanh và hầu hết khoa cấp cứu đều đã quá tải.

Theo AP, gần đây một xe cấp cứu chở người đàn ông với triệu chứng sốt và khó thở đã bị 80 bệnh viện tại thủ đô Tokyo từ chối. Một lần khác, nhân viên cấp cứu cũng liên lạc đến hơn 40 bệnh viện mới có chỗ cho bệnh nhân bị sốt.

Theo thống kê của Sở cứu hỏa Tokyo, trong tháng 3/2020, có 931 trường hợp cấp cứu ở thủ đô bị hơn 5 bệnh viện từ chối, hoặc phải tìm kiếm hơn 20 phút để có một giường trống. Con số này đã tăng cao so với mức 700 ca cùng kỳ năm ngoái. Trong 11 ngày đầu tiên của tháng 4, tình hình lại căng thẳng hơn khi đã ghi nhận 830 ca bị từ chối. Viên chức Hiroshi Tanoue từ sở cứu hỏa cho biết, sở dĩ thiếu giường bệnh là do dịch Covid-19 đang bùng lên mạnh mẽ, bệnh viện còn phải cách ly mọi trường hợp nghi ngờ lây nhiễm trong lúc chờ kết quả xét nghiệm.

42 1 Benh Nhan Kho Tho Bi Hon 80 Noi Tu Choi Nhap Vien He Lo Nguy Co Vo Tran Cua Nhat Ban Truoc Lan Song Lay Nhiem Thu Hai Trong Dich Covid 19

Nhật Bản chậm cách ly xã hội và lại đang thiếu thốn mọi mặt khi đối diện làn sóng lây nhiễm thứ hai (Ảnh: Bloomberg)

Ban đầu, Nhật Bản có vẻ kiểm soát được tình hình bằng cách dập tắt những chỗ có thể biến thành ổ dịch; chẳng hạn như đóng cửa quán bar, phòng gym và các hội trường đông người. Thế nhưng virus corona vẫn dễ dàng thoát khỏi vòng kiềm tỏa nửa vời này, nó lây lan một cách âm thầm và nhanh chóng. Điều đáng sợ nhất là rất khó truy tìm nguồn gốc lây nhiễm khi dịch đã chạm đến nhiều ngóc ngách trong cộng đồng.

Tokyo bước vào giai đoạn khủng hoảng dịch Covid-19 từ cuối tháng 3, sau khi sự kiện Thế vận hội chính thức bị hoãn. Số ca nhiễm đã tăng lên chóng mặt và hiện đạt tới 2.595 trường hợp. Hầu hết bệnh nhân nhiễm virus vẫn đang nằm viện điều trị, khiến các cơ sở y tế đều hoạt động hết công suất.

Trên toàn Nhật Bản, giới chức đã ghi nhận khoảng 10.000 ca nhiễm và 170 ca tử vong - tình hình chưa đến mức bi kịch như thành phố New York hay các điểm nóng của Italy. Tuy nhiên dịch Covid-19 ở Nhật đang ngày một trầm trọng hơn. 

Dịch bệnh đã làm lộ rõ những khuyết điểm tồn đọng trong hệ thống y tế Nhật Bản - vốn luôn được đánh giá cao về chất lượng và chi phí hợp lí. Nước này thiếu giường bệnh, thiếu trang thiết bị và cả nhân viên y tế. Việc quy định tất cả người nhiễm virus đều phải nhập viện, ngay cả có triệu chứng nhẹ, đã khiến các bệnh viện trở nên đông đúc và kiệt quệ.

42 2 Benh Nhan Kho Tho Bi Hon 80 Noi Tu Choi Nhap Vien He Lo Nguy Co Vo Tran Cua Nhat Ban Truoc Lan Song Lay Nhiem Thu Hai Trong Dich Covid 19

Nhiều bệnh viện Nhật Bản đã từ chối tiếp nhận thêm người bệnh, do y bác sĩ cũng bị lây nhiễm và các giường điều trị đều kín chỗ (Ảnh: AP)

Nhiều bác sĩ nói rằng họ chịu áp lực đến cực điểm. Do quá trình chẩn đoán người nhiễm Covid-19 tốn kém thời gian, bất kỳ ai nhập viện đều gây nên bầu không khí căng thẳng và mối đe dọa cho những người xung quanh. Vào ngày 16/4 vừa qua, các nhân viên y tế đã kiến nghị chính phủ trợ cấp lương khi họ phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, ngoài ra yêu cầu bổ sung các trang thiết bị bảo hộ.

Hiện giờ, nhân viên y tế vẫn phải tái sử dụng khẩu trang N95 và các loại khẩu trang tự chế. Thị trưởng Osaka còn cho tìm kiếm áo mưa nhựa để thay thế cho đồ bảo hộ. Trong khi đó, Thủ tướng Abe đã kêu gọi các xí nghiệp chuyển sang sản xuất khẩu trang, máy thở và nhiều vật dụng y tế khác.

Ban phòng chống dịch bệnh của chính phủ đã cảnh báo, trong kịch bản xấu nhất, hơn 400.000 bệnh nhân có thể sẽ mất mạng vì thiếu máy thở và phòng ICU. Tỷ lệ phòng ICU của Nhật ở mức thấp, khoảng 5 phòng trên 100.000 dân, so với mức 30 phòng của Đức, 35 ở Mỹ và 12 ở Italy.

Osamu Nishia - người đứng đầu Hiệp hội Y học Chăm sóc tích cực - nhận định rằng tỷ lệ tử vong của Italy gấp 10 lần Đức (10% so với 1%) một phần là do thiếu phòng ICU. "Trong khi đó số lượng phòng ICU ở Nhật còn chưa bằng phân nửa của Italy, tình hình có thể sẽ xấu đi rất nhanh" - Nishia cho biết.

Việc kêu gọi cách ly xã hội vẫn chưa thật sự có hiệu quả ở những thành phố đông đúc như Tokyo, khi mọi người vẫn ngày ngày bắt tàu điện đi làm bất chấp Thủ tướng Abe đã ban bố tình trạng khẩn cấp.

Nhà chức trách lo ngại người dân sẽ còn ồ ạt di chuyển trong kỳ nghỉ "tuần lễ vàng" vào đầu tháng 5 sắp tới. Thủ tướng Abe phát biểu ngày 16/4: "Từ các bệnh viện, chúng tôi đã nghe thấy những tiếng khóc tuyệt vọng khi không còn có thể cứu chữa bệnh nhân. Tôi khuyến nghị mọi người một lần nữa, xin hãy hạn chế ra khỏi nhà".

(Theo AP)

Theo Tổ quốc




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC