Vỡ đập thủy điện kinh hoàng ở Lào
Vào khoảng 20h ngày 23/7, đập phụ "Saddle dam D" của dự án thủy điện Xe-Pian Xe-Namnoy bị vỡ khiến 7 làng cùng 1.300 hộ với hơn 6.000 người ở huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, đông nam Lào, hoàn toàn ngập trong nước lũ.
Người dân đứng trên mái của ngôi nhà ngập gần hết chờ được giải cứu hôm 24/7.
Ông Bounhom Phommasane, huyện trưởng Sanamxay, tỉnh Attapeu cho biết đến trưa nay, lực lượng cứu hộ đã giải cứu 2.851 nạn nhân và hơn 3.000 người khác đang cầu cứu từ những mái nhà, ngọn cây trong vùng ngập lũ.
Lực lượng cứu hộ Lào đã sử dụng trực thăng và thuyền để sơ tán những người dân còn bị mắc kẹt, kêu gọi các cơ quan chính quyền và cộng đồng viện trợ khẩn cấp quần áo, lương thực, nước uống và thuốc men cho người dân vùng bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo chưa chính thức từ văn phòng chính quyền tỉnh Attapeu sáng nay, 19 thi thể đã được tìm thấy và đều là công dân Lào. Một quan chức thuộc chính quyền tỉnh cho biết chỉ có thể xác nhận chính xác số nạn nhân t.ử vong khi việc giải cứu những người sống sót được hoàn tất.
Người dân phải mang theo đồ đạc sơ tán bằng thuyền khỏi vùng ngập lũ hôm 24/7.
Nắng nóng bất thường ở Nhật Bản
Cũng trong ngày 23/7, nhiệt độ tại Nhật Bản, quốc gia đang phải đối mặt với nắng nóng gay gắt, đã đạt mức kỷ lục. Các cơ quan chức năng Nhật Bản cho biết nhiệt độ tại thành phố Kumagaya, tỉnh Saitama đã lên tới 41,1 độ C, mức cao nhất từng được ghi nhận ở nước này và cao hơn gần 12 độ so với thời điểm này trong năm.
Các bé trai chơi đùa dưới đài phun nước ở thủ đô Tokyo hôm 23/7.
Tại Tokyo, nhiệt độ tăng lên 40,8 độ C và là lần đầu tiên nhiệt độ tại thủ đô Nhật Bản vượt mức 40 độ C.
Nắng nóng kéo dài từ ngày 9/7 đến nay đã khiến ít nhất 77 người t.hiệt m.ạng, trong đó chỉ riêng ngày 21/7 đã có tới 11 người c.hết. Hàng chục nghìn người phải nhập viện vì các vấn đề sức khỏe do nắng nóng.
Người dân Nhật Bản mệt mỏi di chuyển trên đường dưới cái nóng gay gắt hôm 23/7.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cảnh báo người dân về nguy cơ bị sốc nhiệt, khuyến cáo mọi người nên có biện pháp thích hợp như uống nhiều nước, tránh xa ánh nắng trực tiếp và sử dụng điều hòa. Bộ Giáo dục Nhật Bản cũng yêu cầu các trường học hoãn hoạt động ngoài trời vào những ngày nóng.
Thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ tại Hy Lạp
Đặc biệt, ở Hy Lạp, thảm họa cháy rừng tồi tệ nhất hơn một thập kỷ qua đã xảy ra tại thị trấn Kineta, Rafinan và ngôi làng ven biển Mati, cách thủ đô Athens khoảng 40 km về phía đông bắc vào tối 23/7.
Giới chức Hy Lạp cho rằng ngọn lửa có thể đã bắt nguồn từ những kẻ thích gây hỏa hoạn ở những ngôi nhà bỏ hoang và đang tiến hành điều tra. "Có 15 đám cháy đồng thời xảy ra ở ba khu vực khác nhau tại thủ đô Athens", phát ngôn viên chính phủ Dimitris Tzanakopoulos cho biết.Trong ảnh, ngọn lửa lớn bao trùm và thiêu trụi nhà cửa cùng cây cối ở gần thủ đô Athens.
Hai nhân viên cứu hỏa đang chiến đấu với đám cháy mà theo họ mô tả là "cực kỳ khó khăn".
Hàng trăm lính cứu hỏa phải vật lộn để kiểm soát ngọn lửa trong khi nhân viên cứu hộ sử dụng thuyền và trực thăng để sơ tán người dân khỏi bờ biển. Những đoạn video được đăng trên mạng xã hội cho thấy nhà cửa bị phá hủy, khói màu cam phủ kín bầu trời và người dân dáo dác tìm cách thoát bằng xe hơi.
Nhân viên cứu hộ an ủi một phụ nữ hôm 24/7, bên cạnh là những chiếc xe bị phá hủy sau đám cháy.
Hầu hết các nạn nhân đều t.hiệt m.ạng khi họ mắc kẹt trong nhà hoặc ôtô. Giới chức Hy Lạp hôm nay xác nhận 77 người đã c.hết trong khi lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm người mất tích. Đáng chú ý, lực lượng cứu hộ phát hiện 26 thi thể gồm người lớn và trẻ em ôm nhau trên một vách đá.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras tuyên bố quốc tang ba ngày để tưởng nhớ những nạn nhân thiệt mạng.
Nguồn: Tri thức trẻ