Trang Sky News của Anh đưa tin Tòa nhà Sở chỉ huy Tập đoàn quân số 6 quân đội Nga ở Belgorod Oblast bị máy bay không rõ loại oanh kích. Đây cũng là lần đầu tiên nội địa Nga bị máy bay chiến đấu Ukraine tấn công.
Máy bay MiG-29 của Ukraine phóng bom JDAM-ER (Ảnh: Sohu) |
Loại máy bay nào đã thực hiện vụ tập kích?
Theo các hãng truyền thông, nơi bị không kích là trụ sở của Tập đoàn quân số 6 của Nga, có mật danh là Đơn vị 31807, nằm trong Tòa nhà Trung tâm Neregor gần làng Shebekino ở Belgorod, Nga.
Tập đoàn quân số 6 là đơn vị trực tiếp chỉ huy các hoạt động tấn công của Nga theo hướng Kharkov-Volchansk đến Kupyansk. Hiện trường vụ nổ cho thấy tòa nhà 6 tầng này bị sụp đổ trên diện rộng. Có thể rất nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Hình ảnh tòa nhà được cho là Trụ sở Tập đoàn quân số 6 Nga ở Belgorod sau khi trúng bom (Ảnh: Sohu).
Các chuyên gia cho rằng, điều có thể gây ra mức độ thiệt hại như thế cho tòa nhà phải là một cú đánh trực tiếp của quả bom nặng ít nhất 500 kg. Rất có thể không chỉ một quả bom dẫn đường chính xác mà là nhiều quả đã đánh trúng và phát nổ, dẫn đến sự sụp đổ của tòa nhà.
Vậy loại máy bay nào đã thực hiện cuộc tập kích này? Máy bay ném bom Su-24 của Ukraine chủ yếu phóng tên lửa hành trình Storm Shadow. Su-24 không có khả năng lắp và phóng bom dẫn đường của phương Tây.
Máy bay chiến đấu MiG-29 có thể phóng bom dẫn đường JDAM-ER do Mỹ sản xuất và bom dẫn đường AASM của Pháp. Tuy nhiên, tiêm kích MiG-29 có tầm bay tương đối ngắn và khả năng lắp đặt vũ khí hạn chế. Để thực hiện nhiệm vụ như vậy, cần phải huy động cùng lúc nhiều chiếc MiG-29.
Hơn nữa, bản thân tiêm kích MiG-29 không thể dẫn đường cho bom dẫn đường chính xác JDAM do Mỹ sản xuất. Trước khi thực hiện mỗi vụ tấn công, các thông tin mục tiêu, khu vực phóng, điều kiện phóng và các dữ liệu khác phải được nhập trước vào máy tính điều khiển hỏa lực của MiG-29.
Máy bay Su-24 của Ukraine (trên) và Su-34 của Nga (Ảnh: Sohu).
Máy bay chiến đấu MiG-29 không có bus dữ liệu tương thích với NATO và không có khả năng dẫn đường vũ khí. Khi phóng tên lửa chống bức xạ Hamm, nó chỉ cần phóng tên lửa đi, mọi việc sau đó đều dựa vào đầu dẫn tự tìm kiếm mục tiêu và tấn công, không cần phải xem xét vấn đề truyền dữ liệu cho vũ khí.
Tiêm kích MiG-29 thiếu khả năng phóng tên lửa không đối không tầm trung, dù bom dẫn đường JDAM-ER được trang bị bộ điều khiển bay lượn có thể nâng tầm bắn lên hơn 70 km. Nhưng để tránh bị máy bay chiến đấu Nga đánh chặn, MiG-29 chỉ dám bay ở độ cao thấp và nếu thả bom JDAM ở độ cao thấp, tầm bắn cũng bị giảm đáng kể, xuống còn khoảng 20 km.
Một khả năng khác về cuộc tấn công bất ngờ này là máy bay chiến đấu F-16A đã bí mật tham chiến và thực hiện vụ tấn công nhằm vào mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Máy bay F-16 có đầy đủ các hệ thống hỗ trợ sử dụng bom dẫn đường chính xác như dòng bom dẫn đường bằng laser "Paveway", bom dẫn đường chính xác JDAM và bom dẫn đường đường kính nhỏ SDB.
Như vậy, có khả năng máy bay chiến đấu F-16A bay ở khu vực biên giới Ukraine, sẽ phóng từ độ cao lớn bom dẫn đường JDAM ở cự ly tối đa, tiến hành tấn công ngoài khu vực nhằm vào trung tâm chỉ huy của Nga. Máy bay chiến đấu Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công lén lút mà không cần bay vào không phận Nga.
Lửa chiến tranh liệu có lan rộng?
Hãng tin Nga Sputnik đưa tin, tướng Sergei Golubtsov, Tư lệnh Không quân Ukraine, cho biết để đề phòng các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga, Ukraine sẽ triển khai một số máy bay chiến đấu F-16 tại các sân bay nước ngoài.
Đáp lại, ông Andrei Kartapolov, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng Duma Quốc gia Nga, vừa tuyên bố rằng quốc gia nào ở châu Âu dám nhận cho phép máy bay chiến đấu F-16 của Ukraine cất, hạ cánh chiến đấu và hỗ trợ hậu cần, quân đội Nga sẽ tấn công hợp pháp các sân bay của nước đó.
Một giả thiết là máy bay F-16 đã thực hiện vụ tấn công từ bên kia biên giới Ukraine (Ảnh: Sohu).
Trên thực tế, cuộc chiến Nga-Ukraine đang diễn ra, đến nay mới tới lúc thử nghiệm thực sự hệ thống phòng không của Nga. Quân đội Ukraine có tên lửa hành trình Storm Shadow, tên lửa chiến thuật lục quân ATACMS, máy bay chiến đấu phóng bom dẫn đường chính xác và máy bay không người lái, đồng thời có thể tiến hành các cuộc tấn công tổng hợp vào các mục tiêu ở sâu trong lãnh thổ Nga.
Cốt lõi của học thuyết quân sự Nga là sử dụng sức mạnh quân sự để đảm bảo vị thế cường quốc thế giới của mình. Khái niệm ngăn chặn phi hạt nhân do Nga đưa ra là dựa vào vũ khí thông thường để tấn công và áp chế kẻ thù.
Vì vậy, hậu quả của cuộc chiến Nga-Ukraine là khôn lường và không ai có thể đảm bảo hay dự đoán được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Quân đội Nga có ném bom quy mô lớn vào Ukraine không? Chiến tranh Nga-Ukraine tiếp diễn sẽ có lợi hay hại với họ? Tất cả đều không thể xác định.
Vụ Ukraine oanh kích tòa nhà Tập đoàn quân số 6 của Nga bằng máy bay chiến đấu không rõ loại đã cho thấy tầm quan trọng của tình báo, chiến thuật và công nghệ trong chiến tranh hiện đại. Vụ việc không chỉ gây tổn thất nặng nề cho quân đội Nga mà còn bộc lộ những điểm yếu của hệ thống phòng không Nga.
Trong các cuộc chiến trong tương lai, cả hai bên sẽ cần liên tục đổi mới về chiến thuật và công nghệ để đối phó với môi trường chiến trường ngày càng phức tạp. Cuộc không kích này chỉ là một phần trong cuộc chiến Nga-Ukraine, nhưng tác động của nó sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hướng đi tương lai của cuộc chiến và các quyết định chiến lược của cả hai bên.
Theo Sohu, NetEasy