Trong khi phương Tây tìm cách chặn Trung Quốc tiếp cận công nghệ, Bắc Kinh cũng chuẩn bị chính sách nhằm cắt giảm phụ thuộc công nghệ vào nước ngoài.

Giới quan sát đánh giá tham vọng thúc đẩy đổi mới công nghệ của Trung Quốc lớn chưa từng thấy nhằm đưa nước này vượt lên dẫn đầu.

Theo Hãng tin Bloomberg ngày 2-3, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc của Trung Quốc trong tuần này sẽ thông qua chính sách 5 năm nhằm giảm sự phụ thuộc vào phương Tây trong các ngành quan trọng như sản xuất chip và đầu tư vào các công nghệ mới nổi từ xe chạy hydrogen hay công nghệ sinh học.

Kế hoạch, cần huy động hàng nghìn tỉ USD, có thể đưa Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới ngay trong thập kỷ này, đồng thời hoàn thành mục tiêu trở thành siêu cường.

"Điều quan trọng nhất là mức tham vọng, lớn hơn nhiều so với Nhật Bản, Hàn Quốc hay Mỹ từng có. Tham vọng của Trung Quốc là thúc đẩy kinh tế theo hướng cách mạng công nghệ", giáo sư Barry Naguhton, Đại học California (Mỹ) và là một chuyên gia nghiên cứu hàng đầu về Trung Quốc, nhận định.

Đối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mục tiêu không chỉ là nâng cao đời sống của 1,4 tỉ dân Trung Quốc, mà còn chứng tỏ vai trò của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong điều hành kinh tế.

Cuộc đua công nghệ đang đẩy căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và hiện nay cả hai đều hướng đến mục tiêu tự chủ trong một số lĩnh vực chiến lược do lo sợ đối phương tìm cách thay đổi hệ thống chính trị của mình.

Chính quyền tổng thống Mỹ Donald Trump tìm cách hủy hoại tính chính danh của tổ chức này, hủy diệt các ông lớn công nghệ của Trung Quốc như Huawei hay tập đoàn sản xuất chip SMIC. Người kế nhiệm ông, Joe Biden, cũng thể hiện rõ lập trường ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ then chốt, đồng thời nâng cao khả năng tự cung đối với nhiều mặt hàng chiến lược.

42 1 Bi Phuong Tay Vay Ep Tu Be Trung Quoc Sap Cong Bo Ke Hoach Tu Chu Cong Nghe

Mục tiêu của Trung Quốc là thúc đẩy kinh tế theo hướng cách mạng công nghiệp - Ảnh: Bloomberg

Ông Biden tuần trước đã tuyên bố rà soát tổng thể chuỗi cung đối với sản phẩm bán dẫn, thiết bị y tế, đất hiếm, pin ôtô điện hiệu suất cao. Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể để đưa Mỹ vượt lên trước Trung Quốc, trong đó có gói chi tiêu 2.000 tỉ USD vào hạ tầng.

Giới đầu tư toàn cầu đang theo dõi chặt chẽ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc, dự kiến bắt đầu từ 5-3 và kéo dài trong 1 tuần. Dự kiến Thủ tướng Lý Khắc Cường sẽ vạch ra kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 12 tháng tới với các biện pháp như thúc đẩy tiêu dùng.

Quan trọng hơn, phiên họp cũng sẽ công bố chi tiết kế hoạch dài hạn nhằm phát triển 30 công nghệ mà Trung Quốc hiện chưa sản xuất được, từ thiết bị chế tạo chip cho tới hệ điều hành điện thoại thông minh, phần mềm thiết kế máy bay.

Chính quyền Trung Quốc dự kiến tiết lộ mục tiêu chi bằng hoặc vượt mức chi tiêu 3% GDP mà Mỹ đang dành cho nghiên cứu và phát triển. Nguồn tiền sẽ nhiều hơn dành cho các nghiên cứu nhà nước trong những lĩnh vực mà Bộ Khoa học và công nghệ Trung Quốc tuyên bố thuộc diện ưu tiên như năng lượng hydrogen, xe điện, siêu máy tính…

Ngành công nghệ chip của Trung Quốc hiện vẫn chật vật, với các công ty hàng đầu của nước này vẫn đi sau các đối thủ toàn cầu khoảng 5 năm. 

Kế hoạch 5 năm lần này của Bắc Kinh dự kiến đề ra các giải pháp tăng cường nguồn tài chính cho công nghệ bán dẫn, coi đây là ưu tiên đặc biệt như đã từng dồn nguồn lực cho phát triển năng lực nguyên tử trước đây.

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC