Từ tháng trước, tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới đã được cải thiện. Nhờ nhiều nước vượt qua được đợt bùng phát dịch đỉnh điểm trong mùa đông, các ca nhiễm mới trên toàn thế giới giảm mạnh.
Tuy nhiên, Wafaa El-Sadr, nhà dịch tễ học tại đại học Columbia, cho rằng tình hình lạc quan này “rất mong manh”.
Tình hình đại dịch COVID-19 trên thế giới được cải thiện nhờ nhiều nước vượt qua được đợt bùng phát dịch đỉnh điểm trong mùa đông. (Ảnh: WHO)
Không rõ vì sao tốt
Trong tháng qua, các ca mắc COVID-19 mới ở hầu hết các nước đều giảm. Đặc biệt, việc tình hình dịch bệnh được cải thiện ở 6 quốc gia đứng đầu về số ca nhiễm đã đẩy số ca COVID-19 trên toàn cầu giảm đáng kể.
Dịch bệnh bị đẩy lùi trên toàn thế giới nhờ nhiều yếu tố khác nhau. Các chuyên gia ở các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất cho rằng đây là kết quả của việc siết chặt các biện pháp giãn cách xã hội, ý thức của người dân, khả năng miễn dịch tự nhiên trong cộng đồng tăng, và tính thời vụ của chính virus SARS-CoV-2.
Nếu tách riêng từng yếu tố, có lẽ hiệu quả chống dịch sẽ không mạnh.
Dù Mỹ không áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc nhưng ý thức phòng dịch của người dân đang được cải thiện, kết hợp với khả năng miễn dịch tăng ở những đối tượng bị ảnh hưởng nặng, đã giúp ngăn chặn thảm họa về số ca nhiễm sau kỳ nghỉ lễ.
"Vào mùa đông, khi tình hình trở nên thực sự xấu, tôi nghĩ mọi người đã chứng kiến những điều tồi tệ trong cộng đồng và đưa ra những lựa chọn khác nhau. Họ hủy bỏ các cuộc tụ họp, họ ở nhà nhiều hơn, họ sử dụng khẩu trang...”, Caitlin Rivers, nhà dịch tễ học tại đại học Johns Hopkins, cho biết.
Ở Nam Phi, tình hình đại dịch được cải thiện nhờ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do khả năng lây lan của virus SARS-CoV-2 giảm. Theo ông Marc Mendelson, giáo sư hàng đầu tại đại học Cape Town, dịch COVID-19 sẽ chạm đến rào cản khi không còn nhiều người để virus lây nhiễm và SARS-CoV-2 không thể tiếp tục tăng khả năng lây truyền.
Các chuyên gia ở Anh cho rằng các ca bệnh giảm không phải kết quả của việc tiêm chủng mà là nhờ phong tỏa toàn quốc ngay sau kỳ nghỉ lễ. Dù 1/4 dân số nước này đã được tiêm vaccine, nhưng chỉ những người tiêm chủng sớm nhất mới được bảo vệ khỏi COVID-19 vào ngày 10/1, khi các ca nhiễm ở Anh bắt đầu giảm. Phần lớn đối tượng được tiêm chủng sớm là nhân viên y tế và người cao tuổi.
Trong tháng qua, các ca mắc COVID-19 mới ở hầu hết các nước đều giảm. (Ảnh: Reutes)
Không tiêm chủng sớm sẽ gặp nhiều thách thức
Việc tiêm chủng COVID-19 không được triển khai đồng đều ở các nước. Theo tổ chức Y tế Thế giới, hơn ¾ số vaccine trên thế giới được sử dụng ở chỉ 10 quốc gia. Các nước giàu có đang tích trữ vaccine và đặt hàng số thuốc đủ để tiêm chủng cho người dân nhiều lần, trong khi nhiều nước nghèo hơn vẫn chưa nhận được bất kỳ liều vaccine nào.
Gần đây, Nam Phi công bố nghiên cứu cho thấy vaccine AstraZeneca không có nhiều hiệu quả với biến chủng COVID-19 có khả năng lây lan mạnh hơn trong cộng đồng. Thông báo này làm giảm hy vọng của những quốc gia dự định sử dụng loại vaccine giá thành rẻ và dễ bảo quản này.
"Chúng tôi chỉ mới bắt đầu chiến dịch tiêm chủng ở Nam Phi và việc này sẽ rất chậm...”, giáo sư Mendelson cho biết.
Việc tiêm chủng COVID-19 không được triển khai đồng đều ở các nước. (Ảnh: Reuters)
Các chuyên gia tin rằng vaccine COVID-19 có vai trò quan trọng trong việc giảm tỷ lệ lây nhiễm, hạn chế số người chết và nhập viện. Việc tiêm chủng thậm chí có thể làm giảm nguy cơ virus SARS-CoV-2 đột biến nếu các quốc gia có thể phổ biến vaccine đến người dân. Tuy nhiên, giai đoạn chống dịch tiếp theo cũng rất quan trọng trong việc tránh một làn sóng dịch bệnh mới.
"Để tận dụng việc các ca nhiễm mới đang giảm, chúng tôi cần tiếp tục thực hiện các biện pháp y tế công cộng và tiến hành tiêm chủng cho càng nhiều người càng tốt”, ông Bruno Ciancio, người đứng đầu lĩnh vực giám sát dịch bệnh tại trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh châu Âu, nói.
TRẦN TRANG (Theo: NYTIMES)
Nguồn: vtc.vn