Lực lượng cảnh sát Ecuador cố gắng đột nhập vào Đại sứ quán Mexico ở Quito để bắt cựu phó tổng thống Ecuador vào tối 5-4 - Ảnh: AFP
Mexico và Ecuador đang vướng vào xung đột ngoại giao, sau khi cảnh sát Ecuador đột kích vào Đại sứ quán Mexico ở Quito ngày 5-4 để bắt cựu phó tổng thống Ecuador Jorge Glas, bị kết án vì tội tham nhũng, đang trốn ở trong đấy kể từ tháng 12-2023.
Tuy nhiên đây không phải là vụ tấn công duy nhất vào cơ quan đại diện ngoại giao trong những ngày gần đây.
Vào ngày 1-4, Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus của Syria đã bị phá hủy trong một cuộc tấn công được cho là bằng tên lửa của Israel.
Theo tuyên bố từ Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), một số cố vấn quân sự của IRGC có mặt tại Đại sứ quán khi vụ tấn công xảy ra và 7 người đã thiệt mạng.
Phản ứng của Mexico và Iran
Sau vụ tấn công vào Đại sứ quán ở Quito ngày 5-4, Mexico nhanh chóng cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Đồng thời, các nhân viên ngoại giao và gia đình của họ rời Ecuador trên một chuyến bay thương mại trong ngày 7-4.
"Đây là sự vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế và chủ quyền của Mexico", Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador viết trên mạng xã hội X.
"Chúng tôi sẽ kiện lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), tất cả các cơ quan khu vực và quốc tế có liên quan sau hành vi vi phạm luật pháp quốc tế rõ ràng và trắng trợn này", Ngoại trưởng Mexico Alicia Barcena cho biết trong một tuyên bố.
Trong khi đó, Iran tuyên bố sẽ đáp trả vụ tấn công vào tòa Đại sứ quán của nước này ở Damascus và đang cân nhắc các lựa chọn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani cho biết Iran “có quyền thực hiện trả đũa và sẽ quyết định hình thức đáp trả, cũng như hình phạt đối với kẻ xâm lược”.
Đại sứ Iran Hossein Akbari tại Syria cho biết phản ứng của Tehran sẽ mang tính quyết định.
Các lựa chọn mà Iran đưa ra bao gồm từ hành động công khai chống lại Israel như các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đến những cuộc tấn công vào các cơ quan đại diện ngoại giao của Israel.
Ecuador và Israel vi phạm nghiêm trọng điều ước quốc tế
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel khiến tòa nhà Đại sứ quán Iran ở thủ đô Damascus, Syria bị hư hại hôm 1-4 - Ảnh: REUTERS
Điều 22 của Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao năm 1961 quy định trụ sở của cơ quan đại diện là nơi bất khả xâm phạm. Chính quyền nước tiếp nhận không được xâm phạm nếu không có sự đồng ý của người đứng đầu cơ quan đại diện.
Theo quy định của luật pháp quốc tế, trụ sở cơ quan đại diện ngoại giao là lãnh thổ có chủ quyền của một nước đặt tại nước ngoài, không thuộc lãnh thổ của nước tiếp nhận.
Quy định trên cho thấy vụ đánh bom của Israel vào Đại sứ quán Iran ở Damascus đồng nghĩa với một cuộc tấn công vào lãnh thổ Iran.
Đồng thời, hành động xâm phạm bất hợp pháp của cảnh sát Ecuador vào Đại sứ quán Mexico cũng tương đương với việc các sĩ quan của nước này tiến vào lãnh thổ Mexico để bắt người mà không có sự chấp thuận của Chính phủ Mexico.
Các vụ tấn công cơ quan đại diện ngoại giao trong lịch sử
Bất chấp sự bảo vệ của luật pháp quốc tế, các cơ quan ngoại giao thường xuyên bị tấn công, mặc dù thường không phải từ chính phủ sở tại trực tiếp.
Tháng 9-2023, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez Parrilla thông báo trên mạng xã hội về vụ một kẻ lạ mặt đã tấn công Đại sứ quán Cuba ở thủ đô Washington của Mỹ bằng bom xăng tự chế.
Tháng 6-2023, hàng trăm người biểu tình đã xông vào Đại sứ quán Thụy Điển ở trung tâm thủ đô Baghdad của Iraq để phản đối vụ đốt kinh Koran ở Thụy Điển. Ngay sau đó, Iraq đã trục xuất đại sứ Thụy Điển về nước.
Vào tháng 9-2022, một kẻ đánh bom liều chết đã bị bắn chết gần lối vào Đại sứ quán Nga ở thủ đô Kabul, Afghanistan. Vụ đánh bom khiến ít nhất 2 nhân viên của Đại sứ quán Nga thiệt mạng và 11 người bị thương.
Tháng 7-2021, Đại sứ quán Cuba ở quận 15 của Paris, Pháp bị tấn công bằng bom xăng, gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng không có thương vong về người.
Năm 2012, một nhóm phiến quân đã tấn công tòa Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi, phía Bắc Libya, giết chết 14 người, bao gồm 4 người Mỹ (trong đó có Đại sứ Christopher Stevens) và 10 nhân viên an ninh người địa phương.
Tháng 7-2008, một kẻ đánh bom liều chết đã lao chiếc xe chở đầy bom vào cổng Đại sứ quán Ấn Độ ở thủ đô Kabul của Afghanistan làm hơn 40 người thiệt mạng, trong đó có 4 người Ấn Độ, và hơn 140 người bị thương.
Tháng 8-1998, Đại sứ quán Mỹ ở Nairobi và Dar-es-Salaam bị tấn công trong vụ đánh bom xe tải. Vụ khủng bố kép khiến hơn 220 người thiệt mạng, trong đó có 12 người Mỹ, và ghi nhận ít nhất 4.500 người bị thương.
KHÁNH QUỲNH
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online