Cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu, James Stavridis.
Đề xuất cấm công dân Nga vào Mỹ
Theo Sputnik ngày 5/5, cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu, James Stavridis chia sẻ trên tạp chí Time đã kêu gọi cần mạnh tay hơn đối với các biện pháp trừng phạt Nga, thậm chí cấm hoàn toàn công dân Nga nhập cảnh vào Mỹ.
Ông Stavridis tuyên bố rằng, cuộc điều tra của Công tố viên Robert Muller đã khẳng định sự thật về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử Mỹ.
Cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ coi đó là bằng chứng tất yếu cho "Sự can thiệp của Nga".
"Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đã nhận một cú đánh trực diện của người Nga thông qua việc nhúng tay vào trung tâm hệ thống chính trị của mình. Chúng tôi đã phản ứng rất yếu ớt trước thực tế này, ngoài vài động thái chỉ mang tính tượng trưng", ông Stavridis viết.
Ông Stavridis cho rằng, các biện pháp trừng phạt đã áp đặt là "quá yếu" và kêu gọi thực hiện nhiều biện pháp cứng rắn hơn nữa đối với Nga trước thềm cuộc bầu cử năm 2020.
Theo vị cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ, hạn chế của những lệnh trừng phạt trước đây là "chẳng thấm vào đâu để thu hút sự chú ý của Tổng thống Nga Vladimir Putin".
Cựu binh Mỹ kêu gọi không chỉ giới hạn các biện pháp trừng phạt đối với doanh nghiệp Nga, mà phải áp đặt thêm nhiều lệnh trừng phạt trên các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, tổ chức học thuật, phái đoàn ngoại giao và thậm chí cấm cả chính ông Putin.
Ông Stavridis cũng đề xuất công khai hỗ trợ người dân hoặc các nhóm hoạt động xã hội ở Nga đứng lên đấu tranh đòi dân chủ. Ngoài ra, ông cũng đề nghị xem xét phương án cấm hoàn toàn người Nga nhập cảnh vào Mỹ, bất kể mục đích của chuyến đi là gì.
Theo James Stavridis, Washington cũng có thể từ chối hợp tác với Nga trong các dự án quốc tế, từ việc tái thiết Syria đến điều tiết giá dầu...
Trịch thượng hay mù quáng?
Giới phân tích cho rằng, việc Mỹ trừng phạt một số cá nhân, tổ chức của Nga thì có thể hiểu, nhưng đề xuất cấm toàn bộ công dân Nga nhập cảnh vào Mỹ là coi thường luật pháp quốc tế.
Ngay cả thời kỳ căng thẳng nhất của chiến tranh lạnh, Mỹ cũng chưa từng đưa ra những lệnh trừng phạt "ngồi trên luật pháp" như những gì cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đề xuất.
Mặt khác, liệu rằng các biện pháp trừng mà cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ đề cập đến có khả thi không khi mà tầm ảnh hưởng của Nga trên thế giới đang ngày càng nâng cao?
Trừng phạt Nga sẽ đem lại lợi ích gì cho Mỹ hay chỉ khiến cho Washington đau đầu tìm lời giải cho nhiều vấn đề khi không có sự tham gia của Nga (đặc biệt là trong vấn đề Triều Tiên và Syria)?
Hồi đầu tháng 4, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Marco Rubio chính thức thừa nhận rằng, các nhà lập pháp Mỹ đã thực sự "mệt mỏi" với đống dự luật về các biện pháp trừng phạt Nga. Họ không tìm được sự đồng thuận về các biện pháp trừng phạt cụ thể tại Thượng viện.
Nhiều nhà lập pháp lo ngại, nước Mỹ có thể phải nhận đòn "gậy ông đập lưng ông", khi các biện pháp trừng phạt Nga ảnh hưởng đến nền kinh tế của nước này.
Bằng chứng là việc, Bộ Tài chính Mỹ đã phải gỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với công ty Rusal và công ty mẹ EN+ vào tháng 1/2019 sau nhiều tháng thương thảo với chủ tập đoàn là Oleg Deripaska và tham vấn Quốc hội.
Trên thực tế, những lệnh trừng phạt đối với công ty Rusal cũng ảnh hưởng đến chính châu Âu và Mỹ vì chúng khiến giá nhôm toàn cầu tăng vọt.
"Đòn trừng phạt là con dao hai lưỡi. Do đó, chúng ta cần lùi lại một bước để đánh giá lại xem chúng ta đang ở đâu và cần làm gì", Bloomberg dẫn lời Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ron Johnson, đến từ bang Wisconsin.
Thục Quyên
Nguồn: baodatviet.vn