Các chất độc khiến con người rơi vào trạng thái điên cuồng và có thể mất mạng chỉ trong vài phút đang được nhiều công ty Trung Quốc sản xuất công khai.
Khi hãng AP (Mỹ) khui ra vụ carfentanil, chất độc gấp 10.000 morphine, được bí mật tuồn từ Trung Quốc đi khắp thế giới với giá rẻ mạt, dư luận mới chú ý đến thực tế rằng không chỉ carfentanil, hàng loạt hóa chất cấm nguy hiểm khác cũng dễ dàng được mua số lượng lớn từ Trung Quốc như... mua rau.
Báo New York Times hồi tháng 6 đưa tin, hơn 150 công ty Trung Quốc đang bán alpha-PVP, hay được gọi là flakka, một chất kích thích tổng hợp có tác dụng khủng khiếp hơn cả ma túy đá, với khả năng biến con người thành những "cái xác biết đi".
Flakka là một trong những loại ma túy tổng hợp đáng sợ nhất ở Mỹ. Nó gây ảnh hưởng cực mạnh đến thần kinh. Chỉ cần 6 hạt của loại ma túy này (mỗi hạt kích thước cỡ bằng hạt muối tắm) cũng có thể gây ảo giác nguy hiểm cho người dùng, thậm chí khiến họ mất mạng sau 10 phút.
Một phụ nữ lên cơn vật vã sau khi dùng flakka.
Những người dùng loại chất này có thể lăn ra đất giãy giụa, cào cấu liên hồi; khỏa thân chạy khắp phố và gây ra những chuyện kinh dị nhất. Tháng 8 vừa qua, tại Florida (Mỹ), do "phê" flakka, một thanh niên đã đâm chết hai vợ chồng lớn tuổi và sau đó cắn xé điên cuồng khuôn mặt họ để... ăn.
Điều đáng sợ là loại chất này được nhiều công ty Trung Quốc bán ra với số lượng lớn, mà người sử dụng ở Úc và nhiều nước khác thậm chí có thể đặt mua online, và thuốc được chuyển đến cho họ qua đường bưu điện.
Tờ Miami Herald hôm 26/9 cho hay, tỉ lệ lớn chất cấm lưu hành "ngầm" ở Mỹ được tuồn vào nước này thông qua "Đường ống Trung Quốc". Các nhà thầu Trung Quốc bán tràn lan trên mạng Internet cho các đại lý ở Mỹ dưới dạng "hóa chất phục vụ nghiên cứu".
Và hậu quả nghiệt ngã mà người Mỹ đang nhìn thấy là sự gia tăng số người nghiện, các vụ cấp cứu và tử vong liên quan đến những loại ma túy tổng hợp mới như flakka hay loại chất ít được biết đến, nhưng khả năng làm chết người còn khủng khiếp hơn: fentanyl.
Website tiếng Anh của một công ty Trung Quốc tại Thượng Hải, giống như một trang "Amazon" chuyên bán các chất kích thích tổng hợp. (Ảnh: NYT)
Fentanyl, mạnh hơn heroin 50 lần, chính là một "người họ hàng" của carfentanil, thủ phạm từng khiến 120 người thiệt mạng trong vụ giải cứu con tin trong một nhà hát ở Nga hồi năm 2002.
Tại Broward, hạt lớn ở bang Flordia, bệnh viện chính của họ từng ghi nhận tới 20 ca cấp cứu trong một ngày liên quan đến flakka, trong khi 18% tỉ lệ tử vong ở đây được xác định là do flakka.
Còn fentanyl đã giết chết hoặc là nguyên nhân cái chết của ít nhất 53 người tại Miami-Dade và 30 trường hợp tại Broward trong vòng 1 năm, theo Miami Hearald.
"Đó là một loại vũ khí", Andrew Weber - cựu trợ lý Bộ trưởng quốc phòng Mỹ về chương trình quốc phòng hạt nhân, hóa học và sinh học từ 2009 đến 2014 - nói về fentanyl và carfentanil. "Các công ty không nên tùy tiện gửi chất này cho bất cứ ai".
Theo Cơ quan phòng chống ma túy Hoa Kỳ (DEA), đại bộ phận ma túy tổng hợp tiêu thụ ở Mỹ hiện nay đến từ Trung Quốc bất kể bằng con đường trực tiếp hay thông qua biên giới Mexico. DEA cho hay, 90% lượng ma túy đá bán ở Mỹ được sản xuất trong các "công xưởng" tại quốc gia châu Á này.
Jim Hall, một nhà dịch tễ học ở Đại học Nova Southeastern, Mỹ, từng trải qua thời gian nghiện ma túy, nói với tờ Washington Post: "Bạn sẽ thấy những trang web [Trung Quốc] thiết kế tinh xảo với hình ảnh mọi người mặc áo blouse trắng.
Họ nói rằng họ có sản phẩm tốt nhất trên thị trường. Thậm chí họ còn bán flakka xanh và đỏ để nhận diện thương hiệu riêng".
"Nếu hàng của bạn bị bắt, một số công ty [Trung Quốc] còn sẵn sàng 'bảo hành' cho bạn bằng một kiện hàng mới," Hall nói.
Trung Quốc cố tình không ra tay "hết sức"?
Flakka, loại ma túy tổng hợp nguy hiểm đang hoành hành trên Mỹ nhờ nguồn cung thoải mái từ thị trường Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)
Các chất kích thích bị Mỹ cấm sử dụng như alpha-PVP được bán trên mạng từ Trung Quốc với giá 1.500 USD và "đội giá" lên 50.000 USD khi bán trên các đường phố Mỹ.
Theo NYT, ở một quốc gia kiểm duyệt nội dung trên Internet gắt gao như Trung Quốc, việc các "chợ bán chất kích thích" hoạt động tràn lan là minh chứng cho cáo buộc của các tổ chức chấp pháp quốc tế rằng Bắc Kinh đang chần chừ trong nỗ lực ngăn chặn thực trạng nước này trở thành "tay chơi lớn nhất" trong chuỗi cung cứng ma túy tổng hợp của thế giới.
Trung Quốc đáp lại áp lực từ quốc tế bằng một vài vụ bắt bớ rầm rộ.
Tính đến tháng 4/2016, hơn 133.000 người cùng 43 tấn ma túy bất hợp pháp đã bị bắt trong chiến dịch thanh lọc kéo dài 5 tháng.
Nhưng các chuyên gia nói rằng hành động của chính phủ Trung Quốc không hề có hiệu quả ngăn chặn những kẻ "đầu sỏ" buôn bán chất cấm.
"Trung Quốc muốn mọi người tin rằng họ quản lý được mọi thứ," một quan chức Liên hợp quốc giấu tên nói với NYT. "Nhưng xét cho cùng thì họ có một ngành hóa chất khổng lồ và nhà nước không có khả năng giám sát hay kiểm soát nó."
Nguồn: Tri thức trẻ