Vào năm 2008, dư luận Trung Quốc đã rúng động trước tin nữ thần đồng 14 tuổi tự sát ngay tại trường học sau khi bị cô giáo phê bình. Lúc đó, nhiều người thắc mắc rằng việc học sinh bị giáo viên trách phạt là chuyện bình thường, tại sao một cô bé 14 tuổi lại vì thế mà lựa chọn tự sát? Ít ai biết rằng đằng sau đó còn ẩn chứa nguyên nhân sâu xa hơn.
Nữ thần đồng ấy là cô bé Đàm Dao, sinh ngày 28/8/1994 tại thị trấn Bách Lý Châu, thành phố Chi Giang. Vào tháng 9/2006, cô bé có thành tích đứng thứ 2 toàn trường và được tuyển thẳng vào trường trung học số 1 Chi Giang chuyên ban toán học.
Ngay từ nhỏ, Đàm Dao đã được coi là một thần đồng. Năm 2 tuổi cô bé đã đi học, 14 tuổi vào cấp 3 và có kỳ vọng sẽ thành sinh viên đại học năm 15 tuổi. Nói về Đàm Dao, mẹ cô, bà Tạ Phượng Nga từng tự hào nói rằng: "Từ nhỏ Đàm Dao đã vô cùng thông minh, gọi là thần đồng cũng không quá".
Sau khi Đàm Dao ra đời luôn ở cùng với mẹ, lúc đó là giáo viên tiểu học. Khi Đàm Dao 2 tuổi, bà Tạ Phượng Nga đưa con gái vào trường học của mình. Trong 2 năm học tiền ban, Đàm Dao biểu hiện thông tuệ thiên phú, các môn đánh vần, học chữ, ca hát, số học đều có hứng thú, đặc biệt là nhận biết các chữ mới chỉ cần nhìn qua là không quên. Đối với cộng trừ toán học trong 100 đều dễ dàng làm ra kết quả. Do đó cha Đàm Dao quyết định cho con gái đi học trước tuổi.
Do tuổi tác nhỏ, khi đó cô bé đi học không có học bạ, đến cấp 2 mới bổ sung học bạ. Khi Đàm Dao học lớp 1 tiểu học, em mới chỉ 4 tuổi. Từ lớp 1, Đàm Dao luôn giữ vị trí hàng đầu trong học tập, khi học lớp 3 đã chuẩn bị trước toàn bộ chương trình của lớp 4. Khi tham gia kỳ thi của lớp 4 cô bé đã giành vị trí thủ khoa, thuận lợi vào học luôn lớp 5. Trong học kỳ đầu năm lớp 5, đứa trẻ lại học trước hết luôn cả chương trình của lớp 5 nên đến học kỳ sau vào học luôn lớp 6. Trong 6 năm tiểu học, Đàm Dao chỉ học mất 4 năm.
Năm 2003, vì mẹ chuyển công tác, Đàm Dao vừa 9 tuổi đã đến học tại trung học Lưu Hạng ở Bách Lý Châu. Hiệu trưởng trường Lưu Hạng Ngô Minh Nguyên nhớ lại: "Đàm Dao là một cô bé đã coi trọng phát triển lại cực kỳ cá tính, ngoài thành tích học tập đặc biệt ra còn có thể ca múa và đánh đàn, thích thể dục và máy tính. Bởi thế, nhà trường bình xét tố chất tổng hợp của cô bé là hạng 5A, hoàn toàn phù hợp để vào trường cấp 3 trọng điểm".
Bà Tạ Phượng Nga nói: "Sở dĩ liên tục nhảy cấp là một mơ ước của Đàm Dao rằng năm 2008 cháu muốn làm một tình nguyện viên của Olympic Bắc Kinh".
Mơ ước lớn nhất của cô bé là thành một tình nguyện viên trong Olympic Bắc Kinh năm 2008 nhưng khi chỉ còn cách ngày khai mạc Olympic Bắc Kinh 5 tháng, mơ ước của em đã tan biến.
Để đạt được ước mơ, thần đồng Trung Quốc đã nỗ lực học tập rất nhiều. Ảnh minh họa.
Vào sáng ngày 6/3/2008, trong tiết học thứ 2, vào khoảng 9h30 phút, giáo viên chủ nhiệm lớp của Đàm Dao đến bên ngoài phòng học kiểm tra kỷ luật thì phát hiện cô bé đang đọc một cuốn tạp chí trong giờ học tiếng Anh. Đây là lần thứ 3, Đàm Dao bị giáo viên phát hiện đọc sách báo trong giờ học.
Giáo viên chủ nhiệm Lý Khai Tùng nhớ lại rằng sau khi giờ học tiếng Anh kết thúc, trong thời gian nghỉ giữa giờ đã gọi Đàm Dao lên bục giảng để cảnh cáo. Vị giáo viên này nói: "Tôi còn nhớ rất rõ, tôi chỉ nói với Đàm Dao 3 câu". Trong đó có câu "Đàm Dao tuần này em không đạt được thành tích" và phải "mời phụ huynh của em đến trường để trao đổi".
Cha của Đàm Dao là Đàm Thế Hùng, một giáo viên dạy toán ở trường trung học số 5 Chi Giang có quen biết với Lý Khai Tùng. Đàm Thế Hùng từng dặn đi dặn lại Lý Khai Tùng rằng: Đàm Dao còn nhỏ tuổi, ham chơi, "đối với nó cần quản lý nghiêm khắc một chút".
Sau giờ học tiếng Anh là giờ học thể dục, Đàm Dao được trông thấy chơi đùa với các bạn như bình thường. Điều duy nhất khác lạ là khi ăn cơm trưa, cô bé không lên nhà ăn của trường mà gọi một bạn nữ thân thiết mang cho một gói mỳ tôm. Khoảng tầm 5-6 giờ chiều, sau khi Lý Khai Tùng lên lớp thì phát hiện Đàm Dao không ở phòng học, từ chỗ ngồi của đứa trẻ thì phát hiện một lá thư tuyệt mệnh trên vở. Ông lập tức báo sự việc này cho nhà trường và thông báo tới phụ huynh.
.
Đàm Dao đã để lại lá thư tuyệt mệnh trong nỗi ân hận muộn màng của cha mẹ.
Do học sinh trường này muốn đi ra cổng cần phải có giấy phép của giáo viên chủ nhiệm cho nên bảo vệ khăng khăng nói rằng: "Tôi khẳng định em học sinh ấy không ra khỏi cổng trường". Nhận thấy có điều chẳng lành, các giáo viên và học sinh của trường đã phân nhau đi tìm tất cả các nơi nhưng đều không thấy bóng dáng của Đàm Dao.
Những nơi có thể tìm đều đã tìm nhưng duy chỉ có hai cái ao của trường là mọi người chưa tìm, không nghĩ tới. Vào ngày 7/3/2018, trường lắp đặt máy bơm ở cái ao nằm cạnh cổng trường để bơm nước, bơm đến khoảng 12 giờ đêm thì máy bơm không hút được nước nữa, mọi người quyết định hôm sau lại tiếp tục bơm. Lúc 10h30 ngày 8/3/2018, mọi người phát hiện thi thể Đàm Dao trong cái ao cạnh cổng trường.
Cái chết của cô bé đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và xót xa. Đàm Dao có một tương lai tươi đẹp ở phía trước với khả năng thiên phú mấy ai có được. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống nội tâm của cô bé, chắc hẳn nhiều người cũng có thể hiểu vì sao Đàm Dao lại tìm đến cái chết nhanh chóng như vậy.
Nhà nghiên cứu Tôn Vân Hiểu tại Trung tâm Nghiên cứu Thanh thiếu niên Trung Quốc nói: "Một lần phê bình thông thường mà đã khiến cô bé tự sát, điều này nói lên em mắc vấn đề tâm lý nguy hiểm". Bức thư tuyệt mệnh Đàm Dao để lại đã thuyết minh rõ ràng vấn đề này. Bởi vì cô bé một mặt nói đến "trong trường học luôn chịu áp lực cực lớn", lại nhắc tới "cảm giác rất mệt, rất mệt". Điều này nói lên hành động của em cũng không phải là kết quả ngẫu nhiên.
Tôn Vân Hiểu nói, từ quá trình trưởng thành của Đàm Dao, sở dĩ cô bé cảm thấy áp lực rất lớn là do sự sai biệt giữa tuổi tác, việc học và các kỳ vọng gây ra. Cô bé tuổi tác rất nhỏ nhưng lại đã học lớp tiểu học, từ đó được truyền thông chờ đợi để xây dựng thành một hình tượng thần đồng. Điều này vô tình khiến cô bé áp lực, mà 13-14 tuổi lại là thời kỳ ý thức cực kỳ nhạy cảm, lại thiếu rèn luyện qua thất bại cho nên áp lực này trở thành gánh nặng cô bé không thể chịu đựng.
Trong di thư có một câu: "Mọi người đối với tôi đều kỳ vọng rất cao, xin lỗi, để mọi người thất vọng rồi". Tôn Vân Hiểu cho rằng, Đàm Dao tuổi tác nhỏ đã được gia đình và người khác đặt quá nhiều kỳ vọng, những kỳ vọng này thực tế là chiếm đoạt đi những quyền lợi của một cô bé chưa thành niên như em.
"Tuy bên ngoài không làm tăng áp lực rõ ràng nhưng bản thân Đàm Dao ý thức được chỉ có thành công không được thất bại, chỉ có được biểu dương mới không bị phê bình, đây là điều tàn nhẫn, bỏi vì trẻ con cần phải trong sai lầm mới lớn lên, chúng chịu không được những kỳ vọng lớn như vậy", Tôn Vân Hiểu cho hay.
Chân dung nữ thần đồng Đàm Dao.
Đối với hiện tượng Đàm Dao, Tôn Vân Hiểu cho rằng cái gọi là "thần đồng" thực tế có hai tình huống. Một là thật sự có trí lực siêu vượt, IQ từ 130 trở lên. Những đứa trẻ như vậy có thể gọi là những đứa trẻ khác thường hoặc thiên tài nhi đồng nhưng một tình huống khác là những đứa trẻ có trí lực bình thường nhưng vì nỗ lực phi thường mà thu được thành tích, như vậy cũng được xem là "thần đồng". Những trường hợp này ở Trung Quốc rất nhiều.
Thần đồng kỳ thực là một nhóm có nguy cơ mắc vấn đề tâm lý rất cao, đặc biệt là những đứa trẻ thông qua nỗ lực phi thường mà được đội chiếc mũ "thần đồng" thì vấn đề tâm lý càng đáng coi trọng.
Bởi vì cùng với sự trưởng thành, trong các phương diện như học hành, chúng sẽ càng ngày càng thiếu năng lực ứng phó. Như vậy tất nhiên sẽ gây ra sự u uất trong tâm lý. Tôn Vân Hiểu nói rằng với những vấn đề tâm lý này cần rất chú ý. Bởi lẽ ở tuổi thanh xuân, những xung động tâm lý rất mạnh, không trải qua suy nghĩ chín chắn có thể làm ra những hành động cực kỳ bột phát.
Sau cái chết của Đàm Dao, bố mẹ cô bé mới ân hận muộn màng vì chỉ quan tâm đến kỷ luật thép và kết quả học tập của con. Câu chuyện của Đàm Dao tiếp tục là một minh chứng cho thấy việc trở thành một thần đồng luôn có những mặt trái đằng sau đó. Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ cần phải quan tâm và hiểu tâm sinh lý của con mình, thay vì lựa chọn phương pháp nhồi nhét, liên tục tạo ra áp lực, đặt hết kỳ vọng vào đứa trẻ.
Nguồn: Tri thức trẻ