Liên Hiệp Quốc dự báo đến năm 2050, số người trong nhóm từ 60 tuổi trở lên tại châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng vọt lên 1,3 tỉ người, chiếm khoảng 1/4 dân số ở khu vực này.

1 Chau A Loay Hoay Khi Tuoi Gia Ap Toi

Không ít người chia sẻ mục tiêu của họ khi về già là theo đuổi hạnh phúc và có thêm bạn mới. Trong ảnh: những người cao tuổi chơi cờ tại khu phố người Hoa của Singapore - Ảnh: AFP

Số người trên 60 tuổi tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong vài thập niên tới. 

Sự già hóa dân số nhanh chóng tại các quốc gia/vùng lãnh thổ trên khắp khu vực này không chỉ đặt ra câu hỏi ai sẽ chi trả cho lương hưu cao hơn, mà còn đặt ra thách thức về cách thức đáp ứng các nhu cầu chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần ngày càng tăng.

"Quả bom hẹn giờ" nhân khẩu học

Nhiều câu chuyện từ Malaysia, Thái Lan, Singapore... cho thấy sự già hóa đang diễn ra nhanh chóng tại châu Á - Thái Bình Dương, gây căng thẳng cho xã hội hơn bao giờ hết. Điều đó cho thấy các khoản đầu tư từ sớm, gồm cả đầu tư vào chăm sóc sức khỏe, quan trọng ra sao.

Như trường hợp ông Santokh Singh - chuyên gia tư vấn 63 tuổi sống tại Kuala Lumpur (Malaysia), dù đã quá tuổi nghỉ hưu 3 năm, nhưng ông vẫn tiếp tục làm việc khi nhận thấy lương hưu và tiền tiết kiệm của mình sẽ khó có thể duy trì cuộc sống trong những năm tháng cuối đời.

"Nếu tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu, tôi sẽ tự tin để nghỉ ngơi vì được đảm bảo về mặt tài chính" - ông chia sẻ với báo South China Morning Post, đồng thời cho biết thêm mục tiêu chính của ông khi về già là theo đuổi hạnh phúc và tạo dựng thêm những mối quan hệ mới.

Hay như trường hợp bà Gaysorn Chobtham (76 tuổi) - sống một mình ở vùng nông thôn Thái Lan với mức thu nhập dưới 50 USD/tháng - và nhiều người châu Á lớn tuổi khác gặp bất lợi về tài chính và xã hội, thì họ chỉ có mong muốn duy nhất là không trở thành gánh nặng cho người khác trong những năm tháng cuối đời.

Châu Á - Thái Bình Dương đang "già đi", nhưng chính phủ và hầu hết người dân tại khu vực này đang phải vật lộn để theo kịp tốc độ. Chi phí chăm sóc sức khỏe và lương hưu đang tăng lên, ngay cả khi lực lượng lao động nộp thuế đang ít lại, tạo ra cái gọi là "quả bom hẹn giờ nhân khẩu học".

Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc, đến năm 2050, số người trong nhóm từ 60 tuổi trở lên sẽ tăng vọt lên 1,3 tỉ người, chiếm khoảng 1/4 dân số ở châu Á - Thái Bình Dương. Sự thay đổi nhân khẩu học này là chưa từng có về tốc độ, một phần do sự suy giảm mạnh mẽ về tỉ suất sinh.

Hiện nay trung bình 57% số người trong nhóm tuổi này mắc ít nhất một bệnh không lây nhiễm, phổ biến nhất là tăng huyết áp, tiểu đường và bệnh tim, nhưng chỉ có 4/10 người được kiểm tra sức khỏe định kỳ. Gần 1/3 có các triệu chứng trầm cảm gia tăng, trong đó nhiều người nói rằng họ cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn.

Đâu là giải pháp?

Theo chia sẻ của nhà kinh tế trưởng Albert Park của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trên báo Financial Times cuối tuần qua, việc đầu tư vào chăm sóc sức khỏe theo thời gian có thể đảm bảo một thế hệ người cao tuổi khỏe mạnh hơn, năng suất hơn và ít cần chăm sóc hơn.

Điều quan trọng nhất là làm thế nào đảm bảo phúc lợi cho số người cao tuổi đang tăng vọt. Sức khỏe là khía cạnh quan trọng nhất của phúc lợi, vì ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống. Nó cũng có tác động quan trọng đối với các khía cạnh khác, chẳng hạn như hiệu quả công việc, an ninh kinh tế, gia đình và đời sống xã hội.

Các nước sẽ cần phải mở rộng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe dài hạn, dù điều này có thể tốn kém. Qua thời gian, việc đầu tư nhiều hơn vào chăm sóc sức khỏe có thể đóng góp vào "lợi tức bạc" (silver dividend) vì nhóm người cao tuổi khỏe mạnh hơn sẽ có năng suất cao hơn và cần ít sự chăm sóc hơn. Trên thực tế, ADB ước tính năng lực làm việc chưa được khai thác của người cao tuổi có thể giúp tăng GDP tới 1,5% ở một số nền kinh tế châu Á.

Hơn nữa, lợi ích đáng kể về sức khỏe và kinh tế có thể tích lũy thông qua việc phòng ngừa bệnh tật. Các chương trình dựa vào cộng đồng đã đạt được kết quả đầy hứa hẹn trong việc giảm sử dụng thuốc lá, kiểm soát huyết áp, quản lý bệnh tiểu đường và khám sức khỏe. Thúc đẩy hoạt động thể chất và thực phẩm lành mạnh có thể giảm thiểu bệnh tật.

Ngoài chính sách chăm sóc sức khỏe, các nhà hoạch định chính sách ở các nước cũng phải giải quyết các thách thức liên quan như tình trạng việc làm phi chính thức tràn lan và bất bình đẳng giới nghiêm trọng. Người lao động phi chính thức được hưởng ít hoặc không được bảo vệ tại nơi làm việc; và nhiều người không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải tiếp tục làm việc cho đến khi sức khỏe không còn nữa.

Có thể đưa ra các chính sách giúp người cao tuổi dễ dàng làm việc hơn, ví dụ bằng cách cung cấp các ưu đãi cho người sử dụng lao động để thuê và giữ chân người lao động lớn tuổi, điều chỉnh mô hình làm việc. Độ tuổi nghỉ hưu có thể được tăng lên theo thời gian và linh hoạt hơn, chế độ trả lương dựa trên thâm niên có thể được cải cách…

Và quan trọng, chính phủ các nước có thể và phải nỗ lực hơn nữa để trao cho công dân "quyền lập kế hoạch và chuẩn bị cho tuổi già". Các chính sách nên tập trung vào việc chuẩn bị suốt đời, khuyến khích không chỉ lối sống lành mạnh mà còn việc học tập liên tục để cập nhật kỹ năng mới, cũng như lập kế hoạch tài chính dài hạn cho việc nghỉ hưu. Nói chung đầu tư sớm sẽ là chìa khóa thành công.

Phần thưởng và cái giá phải trả

Chuyên gia cho rằng cái giá phải trả cho việc không hành động trước xu hướng già hóa dân số ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ đắt đỏ, từ tình trạng khốn khó của những công dân cao tuổi cho đến sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng và thiếu gắn kết xã hội, cuối cùng là chi phí y tế và lương hưu tăng vọt.

Còn nếu kiên quyết hành động, phần thưởng chính là: các thế hệ người cao tuổi trong tương lai sẽ sống lâu hơn, khỏe mạnh hơn và có cuộc sống tốt hơn.

THANH BÌNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC