Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Châu Âu: Trung Quốc nổi lên trong "thế giới không người lãnh đạo"
Vai trò hàng đầu của Hoa Kỳ trên thế giới đang suy yếu, thế kỷ của Châu Á đang đến, Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ và khiến các quốc gia khác phải quyết đoán hơn, sự trỗi dậy của Trung Quốc rất ấn tượng và buộc các nước khác phải nể trọng.
Đây là tuyên bố từ Đại diện cao cấp của EU về chính sách đối ngoại và an ninh, Josep Borrell Fontelles trong bài phát biểu tại hội nghị thường niên của các đại sứ Đức tại Berlin vào ngày 25 tháng 5. Bài phát biểu được phát sóng từ trụ sở Ủy ban Châu Âu tại Brussels.
Việc Đức chọn chính nơi này để thể hiện phản ứng của Châu Âu trước những thay đổi toàn cầu là rõ ràng. Vào tháng 6, Đức sẽ trở thành chủ tịch thay thế của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, tháng 7 Đức sẽ đứng đầu Hội đồng EU.
Trong tương quan này, Josep Borrell lưu ý rằng nhiệm kỳ chủ tịch của Đức trước đây tại EU năm 2007 đã giúp châu Âu tìm được sự thỏa hiệp chính trị về cải cách EU. Đó là Hiệp ước Lisbon, tài liệu này đã thay thế Hiến pháp EU chưa kịp có hiệu lực.
Josep Borrell cho biết, Brussels hy vọng Đức sẽ dẫn dắt châu Âu vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại và đảm bảo sau khi thoát ra khỏi khủng hoảng, châu Âu sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Cụ thể, ông gắn kỳ vọng lớn với hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc được lên kế hoạch cho mùa thu này tại Leipzig. Trung Quốc và Đức là đối tác thương mại lớn nhất của nhau ở EU và châu Á. EU tin tưởng vào sự độc đáo của quan hệ Trung-Đức để xây dựng mối quan hệ EU trong tương lai với Trung Quốc.
Theo ông, mối quan hệ song phương của các nước EU với Trung Quốc cần dựa trên sự tin tưởng, minh bạch và đôi bên cùng có lợi. Ngày nay điều này không phải lúc nào cũng đúng trên thực tế, nhưng cơ hội vẫn tồn tại. Đồng thời, châu Âu cần kỷ luật tập thể khi giao dịch với Trung Quốc, vị chính trị gia châu Âu lưu ý.
Trong bài phát biểu của mình, người đứng đầu ngành ngoại giao EU đã đặt ra một véc tơ quan hệ với Trung Quốc.
Ông Borrel thừa nhận rằng "chúng ta sống trong một thế giới không có người lãnh đạo". Đại dịch hiện nay là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đầu tiên trong nhiều thập kỷ, khi Hoa Kỳ không nhận về mình vai trò lãnh đạo; đồng thời, Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn, sự trỗi dậy của đất nước này rất ấn tượng và khiến các nước khác phải nể trọng.
Châu Âu giằng xé trong ý định nhích về phía Trung Quốc
Bình luận về những tuyên bố này của châu Âu, ông Yuri Rubinsky, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Pháp tại Viện châu Âu, Viện hàn lâm khoa học Nga, phát biểu rằng, không thể không nhận ra vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc trong các vấn đề thế giới, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu đã nêu ra một thực tế được công nhận trên toàn cầu.
Ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên thế giới củng cố dự báo của các nhà phân tích rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á, thay thế thế kỷ 20, là thế kỷ của Hoa Kỳ.
Joseph Borrell gọi đại dịch là một bước ngoặt trong quá trình chuyển đổi này. Tuy nhiên, ông thừa nhận rằng "ở mọi nơi chúng ta đều thấy sự cạnh tranh gia tăng, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc".
Người đứng đầu cơ quan ngoại giao của châu Âu lưu ý rằng, trong bối cảnh này, EU đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng khi phải chọn một trong hai bên; hơn nữa, EU phải tuân theo lợi ích và giá trị của chính mình, tránh trở thành công cụ của bất kỳ bên nào.
Nhà khoa học chính trị, chuyên gia tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, Zhou Rong, cũng đã thu hút sự chú ý về cách Josep Borrell đặt ra các ưu tiên mà EU có thể sẽ lấy làm cơ sở khi đưa ra chọn lựa cho mình.
Theo ông này, Borrell không ủng hộ Hoa Kỳ và không đứng về phía nào trong bối cảnh chiến tranh thương mại hay sự đối kháng chính trị giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Lập trường của châu Âu phản ánh tâm trạng chung của các nước châu Âu. Họ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ trở nên minh bạch hơn và bản thân các nước châu Âu sẽ được hưởng lợi nhiều hơn từ sáng kiến Vành đai và Con đường, dịch vụ vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt dọc theo tuyến đường Trung Quốc-châu Âu.
Borrell tin rằng châu Á nói chung vượt trội so với Hoa Kỳ và đang trở thành một trung tâm thu hút toàn cầu.
Các nước châu Âu dựa trên thực tế là tổng GDP cộng lại của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc vượt quá đáng kể GDP của Mỹ. Châu Âu chú ý đến sự tăng trưởng của châu Á, nhưng cũng có những lo ngại nhất định về việc trong nhóm - Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Hàn Quốc, GDP của Trung Quốc vượt quá tổng GDP của ba quốc gia còn lại, do đó châu Âu cũng phần nào e dè bởi sự gia tăng mạnh như vậy của Trung Quốc.
Người châu Âu hoàn toàn không sợ sự trỗi dậy của châu Á, có điều trước kia họ muốn trước hết thấy sự trỗi dậy của những nước châu Á có hệ thống các giá trị tương tự như các nước châu Âu. Nhưng giờ đây thậm chí trong tâm lý của các nước châu Âu cũng đang diễn ra những thay đổi, mặc dù ở mức độ tinh tế.
Xét cho cùng, các nước châu Âu là những người được hưởng lợi từ sáng kiến Vành đai và Con đường, đặc biệt là giao thông vận tải hàng hóa Trung Quốc-châu Âu. Do đó, họ tin rằng nếu gây quá nhiều áp lực đối với Trung Quốc thì bản thân lợi ích của châu Âu cũng sẽ bị tổn hại.
Theo ông Borrell, EU cần một chiến lược đáng tin cậy hơn trong quan hệ với Trung Quốc, điều này cũng sẽ đòi hỏi phải cải thiện quan hệ giữa châu Âu và phần khu vực "dân chủ" còn lại của châu Á. Do đó, cần nỗ lực nhiều hơn để đầu tư làm việc với Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Nhích về Trung Quốc – sự lựa chọn không dễ dàng
Còn chuyên gia Yuri Rubinsky dự đoán rằng, sự lựa chọn của người châu Âu giữa châu Á và Hoa Kỳ, chủ yếu là giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, sẽ không thể nhanh chóng và dễ dàng.
Mặc dù bày tỏ sự nể trọng đối với sự trỗi dậy của Trung Quốc, người đứng đầu ngành ngoại giao châu Âu lưu ý rằng, chính sách của Trung Quốc khiến người châu Âu phải đặt ra nhiều câu hỏi và quan ngại.
Ông nhắc nhớ rằng, hiện giờ đang có mốt nói về chuyện tiến dần tới "bẫy Thucydides" (nôm na là "bẫy chiến tranh"), tuy nhiên sự thật không phải như vậy.
Hoa Kỳ đòi hỏi châu Âu phải quan hệ với Trung Quốc giống như Mỹ hành xử, nhưng liệu EU có đã sẵn sàng hoàn toàn sát cánh với Hoa Kỳ trong cuộc đối đầu này trong bối cảnh Anh rút khỏi EU hay không? Đây là một câu hỏi khó chưa có câu trả lời.
Brussels với các cường quốc hàng đầu của Liên minh châu Âu như Pháp và Đức dường như đang tìm kiếm một ngôn ngữ chung với người Mỹ về Trung Quốc, nhưng không đến mức tự động hy sinh tất cả các lợi ích của mình trong việc phát triển quan hệ với Trung Quốc.
Vị chuyên gia Nga cho rằng, những tuyên bố của ông Borrel dường như là một dấu hiệu chắc chắn cho thấy Liên minh châu Âu đang có thái độ xây dựng trong việc thiết lập mối quan hệ bình đẳng và công bằng với Trung Quốc.
Sự quan tâm này là rất lớn khi xét tới cả sự hiện diện của Trung Quốc ở châu Âu cũng như sự tăng trưởng của phân khúc châu Âu tại thị trường Trung Quốc. Tuy nhiên, ông Yuri Rubinsky cho rằng, đối với EU, sự lựa chọn này sẽ khá khó khăn và khổ sở.
Ông không thấy sự lựa chọn rõ ràng về phía Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, vì trong trường hợp này, người châu Âu sẽ không thể thoát thân phận "là vệ tinh của Hoa Kỳ", mà tùy chọn này lại không tương ứng với phân bổ lực lượng trên trường quốc tế nói chung, do vai trò ngày càng tăng của Trung Quốc ở châu Âu và trên thế giới – điều mà EU không thể không công nhận.
Nguồn: Huy Bình/ Baodatviet.vn