Hành khách ở sân bay quốc tế Arturo Merino Benitez, Santiago, Chile - Ảnh: AFP
Theo dữ liệu của chuyên trang khoa học Our World in Data, gần 40% dân số Chile đã được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19, tỉ lệ thuộc hàng cao nhất thế giới chỉ sau Israel và Anh.
Tuy nhiên, vài tuần gần đây, quốc gia Mỹ Latin vẫn chứng kiến số ca nhiễm tăng vọt không kiểm soát nổi. Đỉnh điểm là ngày 9-4 với 9.000 ca mới trong 24 giờ, vượt qua kỷ lục 7.000 ca của mùa hè năm ngoái.
Bộ trưởng Y tế Chile Enrique Paris dự báo hồi tuần trước: "Khi ca nhiễm đạt đỉnh, chúng tôi không trông chờ nó sẽ giảm, mà sẽ giữ như vậy trong một thời gian trước khi giảm dần".
Các chuyên gia đưa ra vài lý do giải thích cho thất bại của Chile: biến thể virus nguy hiểm từ Brazil lây mạnh; số lượng người tự do đi lại ở Chile tăng cao; nới lỏng các biện pháp an toàn quá sớm; người dân thờ ơ vì ỷ lại vào vắc xin...
Chương trình tiêm chủng của Chile sử dụng phần lớn vắc xin hiệu CoronaVac do Trung Quốc sản xuất (chiếm đến 93%). Đại học Chile hồi đầu tháng công bố nghiên cứu cho thấy nó chỉ có hiệu quả 56,5% sau hai tuần kể từ liều thứ 2 - thấp hơn so với vắc xin Pfizer, Moderna hoặc AstraZeneca.
Đáng chú ý, nếu chỉ mới tiêm một liều CoronaVac thì hiệu quả bảo vệ chỉ có 3% - tức gần như vô dụng.
"Điều đó giải thích tại sao Chile chứng kiến ca nhiễm mới tăng vọt, còn số người nhập viện và tử vong giảm chậm hơn nhiều so với Israel, Anh hoặc Mỹ. Chile và UAE đang cân nhắc tiêm bổ sung liều thứ 3 vắc xin Trung Quốc, nhưng nó sẽ khiến tâm lý ngại vắc xin tăng cao hơn" - ông Ian Bremmer, chủ tịch Hãng tư vấn rủi ro Eurasia Group, phân tích.
Hôm 11-4, tổng giám đốc CDC Trung Quốc, ông George Gao, gây chấn động với phát ngôn rằng Trung Quốc có thể cần phải thay vắc xin hoặc cách thức tiêm để tăng hiệu quả. Ông này sau đó đính chính là truyền thông đã "hiểu lầm".
Dù sao đi nữa, các chuyên gia vẫn xem Chile là bài học thận trọng, như nhận định sau của giáo sư Lawrence Young từ Trường Y Warwick (Anh): "Vắc xin thì tuyệt vời rồi, nhưng bản thân nó không phải là giải pháp toàn diện. Những gì xảy ra ở Chile là cảnh báo rất rõ ràng".
"Tôi muốn nhấn mạnh nhiều lần: Với hầu hết quốc gia, vắc xin không đủ để ngăn đợt bùng dịch này. Không có đủ vắc xin để bảo vệ tất cả mọi người ở các quốc gia có nguy cơ lớn" - bà Carissa Etienne, giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO), chia sẻ quan điểm.
Theo bà Etienne, Mỹ Latin hiện đang là tâm dịch lớn, các quốc gia như Brazil, Colombia, Venezuela, Peru và vài khu vực ở Bolivia ghi nhận ca nhiễm tăng rất cao, cùng xu hướng tăng là Paraguay, Uruguay, Argentina và Chile.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online