Từ biến đổi khí hậu, cách ứng phó đại dịch Covid-19 tới các mối quan hệ Trung Đông, Tổng thống Mỹ Joe Biden về cơ bản có những ưu tiên chính sách khác người tiền nhiệm Donald Trump.
Nhưng có một điểm họ giống nhau: Trung Quốc là đối thủ địa chính trị thực sự duy nhất có thể đe dọa vị thế của Mỹ trên đỉnh cao trật tự toàn cầu, theo tác giả Ian Arthur Bremmer - Chủ tịch Nhóm Á Âu và Truyền thông Gzero - trong bài viết được hãng tin Business Day đăng tải ngày 8/3.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters
Ông Bremmer cho biết, đây là quan điểm được chia sẻ xuyên suốt tất cả các cấp của chính quyền Biden. Để đạt được mục tiêu đó, Nhà Trắng đã bắt đầu tiến hành một "đánh giá chiến lược" về quan hệ Mỹ-Trung, yêu cầu các quan chức chủ chốt xem xét các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc và đưa ra các đề xuất về hướng đi từ đây.
Vị chuyên gia chỉ ra ba cách tiếp cận khác nhau đang bắt đầu hình thành:
Thứ nhất là chính sách ngăn chặn, được nhiều nhân vật diều hâu trong Nhà Trắng ủng hộ. Nhóm này tin rằng một cuộc chiến tranh lạnh với Trung Quốc là không thể tránh khỏi, vì có rất nhiều vấn đề tổng bằng 0 giữa hai nước như Biển Đông, Hong Kong... và quan trọng nhất là công nghệ.
Trong tất cả những lĩnh vực này, sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung Quốc có nghĩa là ảnh hưởng của phương Tây suy giảm, đặc biệt là Mỹ. Mối quan tâm đặc biệt liên quan đến 5G và các chất bán dẫn, nền tảng của nền kinh tế toàn cầu tiếp theo. Theo quan điểm này, điều quan trọng là Mỹ phải đối đầu với Trung Quốc về mọi mặt trong cuộc cạnh tranh cường quốc.
Tuy cách tiếp cận của cựu Tổng thống Trump cũng có thể được mô tả là "diều hâu", nhưng vẫn có những điểm khác biệt chính giữa chính sách ngăn chặn của ông và của người kế nhiệm. Chính quyền Biden muốn giải quyết mối đe dọa từ Trung Quốc bằng sự phối hợp với các đồng minh, thay vì hành động đơn phương. Bên cạnh đó, ông Biden sẽ không chỉ tập trung dùng "gậy" nhắm vào Trung Quốc, mà còn mạnh tay hơn trong đầu tư vào sự đổi mới của Mỹ.
Nền tảng cho cách tiếp cận này là niềm tin rằng, không phải những hành động từ Mỹ hoặc các đồng minh khiến Bắc Kinh phải nhượng bộ, mà bởi chính các chính sách của Trung Quốc mà họ xem là không bền vững về lâu dài, bởi khối nợ khổng lồ của Trung Quốc cùng các khoản đầu tư đầy rủi ro vào các nước đang phát triển.
Thứ hai là chính sách phụ thuộc lẫn nhau, được các nhà hoạch định chính sách kinh tế trong chính quyền Biden ủng hộ. Đối với họ, không ai thực sự chiến thắng nếu cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc lên đến mức đe dọa cấu trúc kinh tế và tài chính toàn cầu.
Thay vì lao vào chiến tranh lạnh, họ muốn can dự một cách xây dựng với Trung Quốc bằng cách sử dụng cấu trúc đa phương hiện có, cải cách nó sao cho phù hợp với Trung Quốc nếu có thể, và tạo ra các thể chế mới khi cần thiết để khiến Trung Quốc hành động đa phương hơn.
Họ vẫn ổn khi để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở nước ngoài thông qua các chương trình đầu tư như Vành đai và Con đường. Tuy các tuyến đường cao tốc và các dự án cơ sở hạ tầng khác đang được xây dựng không đạt chất lượng cao như mong muốn, họ nhận ra rằng Trung Quốc đang giúp nâng cao mức sống của người dân trên toàn thế giới. Đây là một cái nhìn tổng thể tích cực hơn về thế giới - nơi mà mọi người đều đạt được lợi ích thông qua cạnh tranh.
Ảnh: Reuters
Tiếp đến là một lựa chọn được dẫn đầu bởi John Kerry, đặc phái viên khí hậu của Tổng thống Biden, cùng những người trong chính quyền coi biến đổi khí hậu là mối đe dọa lớn nhất đối với Mỹ. Thay vì theo đuổi chính sách hoặc kiềm chế hoặc phụ thuộc lẫn nhau, họ muốn quan hệ Mỹ - Trung phục vụ cho cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên toàn cầu, một cuộc chiến cần sự đóng góp của Trung Quốc, quốc gia phát thải lớn nhất thế giới.
Điều này giúp ông Kerry có mối quan hệ làm việc tốt với các quan chức Trung Quốc, nhưng trong tất cả những con đường khả thi, đây là con đường được hình thành ít đầy đủ nhất. Đối với những người ủng hộ cách tiếp cận này, mối quan hệ Mỹ - Trung sẽ tiến triển theo cách mà mối đe dọa biến đổi khí hậu tiến triển.
Tổng thống Biden sẽ chọn cách tiếp cận nào? Có thể sẽ là sự kết hợp của cả ba, khi ông đang cố gắng trao quyền cho các quan chức trong chính quyền và đạt tiến bộ về nhiều mục tiêu nhất có thể trong những năm tới.
Điều đó có ý nghĩa nhưng chỉ trong ngắn hạn; nếu không có một chiến lược toàn diện, Mỹ sẽ vẫn phải đứng trước một Trung Quốc với một bộ giá trị cũng như tiêu chuẩn khác về cơ bản, và với ngày càng nhiều phương tiện để xuất khẩu thế giới quan ra nước ngoài.
Tác giả Ian Arthur Bremmer kết luận, việc đánh giá chiến lược quan hệ Mỹ - Trung là bước đi hoàn toàn đúng đắn của các nhà hoạch định chính sách ở Washington. Nhưng, mối quan tâm thực sự là những gì Washington sẽ làm sau khi đánh giá đó hoàn thành.
Thanh Hảo
Nguồn: vietnamnet.vn