Mạnh Hoành Vĩ phát biểu tại một sự kiện ở Singapore năm 2017. Ảnh: Reuters.
Tháng 11/2016, khi Mạnh Hoành Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên được bầu làm Chủ tịch Interpol, truyền thông nước này ca ngợi ông là minh chứng cho thấy cộng đồng quốc tế đã "công nhận đầy đủ" năng lực hành pháp của Trung Quốc và coi đây là một quốc gia thượng tôn pháp luật, theo SCMP.
Chưa đầy một năm sau, ông Mạnh chủ trì cuộc họp đại hội đồng Interpol ở Bắc Kinh, dịp thứ hai Trung Quốc được tổ chức sự kiện quan trọng này.
Trong lễ khai mạc hội nghị, ông Mạnh được ưu tiên ngồi cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình, người quyền lực nhất Trung Quốc. Ông Tập cũng có một bài phát biểu tại sự kiện, cam kết sẽ tăng cường sự ủng hộ của Trung Quốc đối với Interpol và góp phần thúc đẩy danh tiếng của tổ chức quốc tế này. Sự hiện diện và bài phát biểu của ông Tập tại hội nghị được cho là minh chứng cho sự hậu thuẫn rất lớn dành cho Mạnh Hoành Vĩ, người khiến Trung Quốc tự hào về địa vị ngày càng lớn của quốc gia trong các tổ chức quốc tế.
Một năm sau, ông Mạnh lại tiếp tục khiến Trung Quốc được cả thế giới chú ý, nhưng lần này là do sự biến mất đầy bất ngờ của mình. Chủ tịch Interpol kiêm Thứ trưởng Công an Trung Quốc này rời Pháp để về nước hôm 25/9, sau đó không trở lại trụ sở Interpol ở Lyon, cũng không liên lạc với gia đình. Chỉ khi vợ ông ra trình báo với cảnh sát Pháp và Interpol lên tiếng đòi giải thích, Trung Quốc mới xác nhận đang điều tra ông này với cáo buộc "nhận hối lộ và nhiều tội danh khác".
Thông báo này của Ủy ban Giám sát Quốc gia (NSC), cơ quan chống tham nhũng siêu quyền lực của Trung Quốc, được coi là dấu chấm hết cho sự nghiệp của Mạnh Hoành Vĩ, người đã dành phần lớn cuộc đời mình hoạt động trong lĩnh vực an ninh và đảm nhận nhiều lĩnh vực nhạy cảm, trong đó có chống khủng bố và phụ trách lực lượng hải cảnh.
Mạnh Hoành Vĩ sinh ra ở tỉnh Hắc Long Giang, khởi đầu sự nghiệp an ninh của mình khi tốt nghiệp ngành luật tại Đại học Peking danh giá vào năm 1972. Những thông tin về giai đoạn công tác đầu tiên của ông Mạnh trong ngành công an Trung Quốc rất ít và sơ sài, chỉ cho biết ông từng là trợ lý Bộ trưởng Công an và cục trưởng Cục Quản lý Giao thông của bộ này.
Đến tháng 4/2004, Mạnh Hoành Vĩ được bầu vào Đảng ủy Bộ Công an Trung Quốc và trở thành Thứ trưởng Công an trong "nhiều nhiệm kỳ liên tiếp". Đến tháng 8/2004, ông bắt đầu công tác ở Interpol khi được bổ nhiệm vị trí phụ trách các vấn đề Trung Quốc tại cơ quan này.
Đây là thời kỳ gần như toàn bộ lực lượng công an, an ninh, tình báo của Trung Quốc đều thuộc sự quản lý của ông trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, người đang phải thụ án chung thân vì tội danh nhận hối lộ và tiết lộ bí mật quốc gia. Ông Mạnh cũng được cho là có thời gian công tác rất gần gũi và gắn bó với Chu Vĩnh Khang.
Hồ sơ tại Interpol còn cho thấy Mạnh Hoành Vĩ có kinh nghiệm "gần 40 năm" trong lĩnh vực cảnh sát và chống tội phạm", phụ trách các vấn đề liên quan đến phòng chống ma túy, nhập cư và hợp tác quốc tế.
Mạnh Hoành Vĩ (thứ 6 từ trái sang, hàng đầu) đứng bên phải Chủ tịch Tập Cận Bình trong hội nghị Đai hội đồng Interpol ở Bắc Kinh năm 2017. Ảnh: NYTimes.
Truyền thông Trung Quốc cho biết Mạnh từng đảm nhiệm công tác chống khủng bố của lực lượng công an nước này trong khoảng 10 năm. Là chủ tịch Cấu trúc Chống khủng bố Khu vực thuộc Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, Mạnh giữ vai trò tổng chỉ huy hai cuộc diễn tập chống khủng bố của các nước thành viên diễn ra ở vùng Tân Cương vào năm 2006 và 2011.
Năm 2013, khi các cuộc đụng độ bạo lực nổ ra ở Bashu, Tân Cương khiến 21 người chết, trong đó có 15 cảnh sát và viên chức, Mạnh Hoành Vĩ với tư cách là Cục trưởng Cục Chống khủng bố Quốc gia tuyên bố trên truyền hình rằng nhà chức trách "sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để kiên quyết trấn áp tội phạm thực hiện hành động bạo lực, khủng bố và trừng phạt nghiêm khắc theo pháp luật".
Cũng trong năm đó, Trung Quốc hợp nhất 4 cơ quan chấp pháp trên biển từ các bộ, ngành khác nhau thành một đầu mối và Mạnh Hoành Vĩ được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Cảnh sát biển Trung Quốc (Hải cảnh). Trong thời kỳ này, Hải cảnh Trung Quốc được đầu tư nhiều tàu cỡ lớn, tăng cường hoạt động và hiện diện thường xuyên trên cả Biển Đông và biển Hoa Đông.
Trong giai đoạn 2013-2017, Mạnh Hoành Vĩ trở thành Cục trưởng Cục Gìn giữ Hòa bình thuộc Bộ Công an Trung Quốc và ông luôn yêu cầu các cảnh sát gìn giữ hòa bình ra nước ngoài làm việc phải "đặt yếu tố chính trị, tổ chức đảng và công tác tư tưởng lên hàng đầu".
Mỗi khi đón một đoàn cảnh sát hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Libya trở về, Mạnh Hoành Vĩ luôn ca ngợi họ vì các "hoạt động xây dựng đảng" ở nước ngoài và đã góp phần xây dựng "con đường gìn giữ hòa bình và xây dựng đảng mới cho lực lượng công an".
Mạnh Hoành Vĩ (thứ hai từ phải sang) bắt tay các cảnh sát chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ gìn giữ hòa bình ở Libya. Ảnh: China Pictorial.
Tuy nhiên, bản thân Mạnh Hoành Vĩ dường như đã không thực hiện đúng những gì mình thường nói với cấp dưới. Trong cuộc họp cấp cao của Bộ Công an Trung Quốc đêm 8/10, các lãnh đạo của bộ này chỉ trích Mạnh "một mình một ý khi làm việc" và ông này "không thể trách được ai ngoài tự trách mình khi bị điều tra".
Triệu Khắc Chí (Zhao Kezhi), bộ trưởng Công an Trung Quốc, nhận định tại cuộc họp rằng sai phạm của Mạnh Hoành Vĩ là "tàn dư độc hại" của Chu Vĩnh Khang, khẳng định cuộc điều tra là minh chứng cho thấy "không ai có thể được hưởng đặc quyền hoặc đứng trên pháp luật".
Zhu Lijia, học giả về quản lý hành chính công tại Trường Đảng Trung ương Trung Quốc, cho rằng thông báo này của Bộ Công an Trung Quốc cho thấy Mạnh Hoành Vĩ có thể đã không chấp hành nghiêm chỉnh các chỉ đạo của đảng trong công tác của mình.
Trong cuộc họp khẩn này, lãnh đạo Bộ Công an Trung Quốc ra tuyên bố tái khẳng định họ sẽ thực thi nghiêm chỉnh kỷ luật đảng và tuân thủ, chấp hành mọi quyết định, kế hoạch của đảng. "Không có chỗ cho bất cứ sự mặc cả hay đổi chác nào trong đảng", tuyên bố có đoạn.
Một số chuyên gia phân tích cho rằng Trung Quốc có thể đã đặt lợi ích của đảng và vấn đề nội bộ quốc gia lên trên hình ảnh quốc tế khi ra quyết định điều tra Mạnh Hoành Vĩ, người đang giữ trọng trách tại một tổ chức quốc tế từng được truyền thông nhà nước ca ngợi hết lời.
"Cú ngã ngựa đầy bất ngờ của Mạnh Hoành Vĩ là một bằng chứng cho thấy khi cần thiết, Trung Quốc sẵn sàng đặt vấn đề chính trị nội bộ và yêu cầu của đảng lên trên hết, ngay cả khi phải đánh đổi bằng vai trò lãnh đạo tại các tổ chức quốc tế mà họ đã dày công xây dựng", Steve Tsang, giám đốc Viện Trung Quốc SOAS ở London, nói.
Nguồn: Thành Nguyễn/ Vnexpress