Luật Hải cảnh vừa được Quốc hội Trung Quốc thông qua cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắn tàu nước khác trong vùng biển tranh chấp là một "lời tuyên chiến", chủ tịch hội ngư dân Philippines cho biết, trong khi các nhà phân tích an ninh cho rằng động thái này sẽ kích động tâm lý bài Trung của người Philippines.
Luật Hải cảnh mới của Trung Quốc "trái với nguyên tắc hàng hải tự do được luật pháp quốc tế công nhận", Fernando Hicap, Chủ tịch hội ngư dân Philippines nói. Trong một tuyên bố khác, ông cảnh báo rằng luật này như một lời tuyên chiến với các nước có yêu sách hợp pháp ở vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trái phép.
Trong tuyên bố của mình, ông Hicap cho rằng, điều này có nghĩa là hải cảnh Trung Quóc có thể bắn bất kỳ ai, có hay không có vũ khí trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền trái phép. "Đây là mối đe dọa nghiêm trọng cho ngư dân Philippines"
Theo đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng các biện pháp cần thiết để dừng hoặc ngăn chặn nguy cơ từ các tàu nước ngoài, và trong các trường hợp cụ thể, có thể sử dụng vũ khí.
Luật Hải cảnh của Trung Quốc cũng cho phép lực lượng tuần duyên lên và kiểm tra các tàu nước ngoài trong vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, và phá dỡ các công trình do các nước khác xây dựng trong vùng biển tranh chấp.
Nhà bình luận quốc phòng Chester Cabalza cho rằng luật này là một "yếu tố thay đổi cuộc chơi" vì đã biến một lực lượng hải cảnh vốn có nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn thành một cánh tay của quân đội.
Những con tàu màu trắng của lực lượng tuần duyên để bảo vệ dân thường và thương nhân trên biển, trong khi những con tàu màu xám của quân đội là biểu tượng của đối kháng và chiến tranh, ông Cabalza nói.
Cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Philippines Antonio Carpio cho rằng luật Hải cảnh mới của Trung Quốc vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc cấm sử dụng vũ lực trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ hoặc hàng hải.
Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng luật Hải cảnh mới của Trung Quốc có thể dẫn đến xung đột.
Một cuộc tấn công vũ trang vào Philippnes sẽ kích hoạt Hiệp ước phòng thủ chung Philippines-Mỹ, theo đó một trong hai quốc gia sẽ hỗ trợ quốc gia kia nếu họ bị tấn công bởi một nước khác, Ông Carpio nói.
Theo cựu Thẩm phán, luật này cũng có nghĩa là hải cảnh Trung Quốc có thể phá hủy các công trình của nước khác nằm trong "Đường chín đoạn" mà nước này ngang nhiên vẽ ra, bất chấp việc tuyên bố yêu sách này đã bị Tòa Trọng tài thường trực tại La Haye bác bỏ.
Nhà phân tích Cabalza cho rằng, luật Hải cảnh mới đặt ra các hành động đơn phương và cưỡng ép nhằm phá hoại chủ quyền của các quốc gia. "Ngầm ý rằng Trung Quốc là bá chủ duy nhất trong vùng biển tranh chấp [ở Biển Đông] và các quy tắc do nước này đặt ra phải được tuân thủ, nếu không các nước sẽ phải chịu hậu quả gây ra hậu quả", ông Cabalza nói thêm.
Ngày 27/1, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. cho biết sau khi xem xét, ông đã gửi phản đối tới Trung Quốc về việc ban hành Luật hải cảnh.
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. giải thích ban hành luật là "một đặc quyền chủ quyền". Tuy nhiên, căn cứ vào khu vực liên quan, hành động này của Trung Quốc là "mối đe dọa chiến tranh bằng lời" với các nước phản đối luật.
Cách đây 2 ngày, ông Teodoro Locsin Jr. từng đăng trên Twitter rằng: "Đây không phải là chuyện của chúng tôi. Thông qua luật gì là chuyện của Trung Quốc".
Trong những năm gần đây, chiến lược hàng hải của Bắc Kinh đã thúc đẩy vai trò của lực lượng hải cảnh. Năm 2016, Trung Quốc chế tạo tàu tuần duyên lớn nhất thế giới để tuần tra ở Biển Đông. Các nhà phân tích quốc phòng đặt biệt danh cho con tàu tuần duyên này là "quái vật" trong khi tạp chí The National Interest của Mỹ mô tả con tàu này là "tàu chiến thực sự" .
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị