Devita Ariyanti đã bán khăn trùm đầu được 4 năm tại một cửa hàng nhỏ ở thành phố Yogyakarta của Indonesia. Hiện tại, cô phải đối mặt với mối đe dọa lớn khi khăn trùm đầu nhập khẩu giá rẻ tràn lan trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop.
Devita lấy nguồn hàng từ các chợ bán ở thành phố, dao động 150.000-400.000 rupiah (9-25 USD), cao hơn nhiều so với hàng rẻ nhất được bán trên các trang thương mại điện tử. "May mắn là tôi có những khách hàng quen. Nhưng phải thừa nhận rằng rất khó để cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ được bán trực tuyến", thương nhân 43 tuổi chia sẻ với Rest of World.
Trước bối cảnh đó, các quốc gia Đông Nam Á đang thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để ứng phó với hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc, đặc biệt là những mặt hàng được kinh doanh thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Lo "ngập" trong hàng giá rẻ Trung Quốc, các nước đưa ra động thái về thuế
Malaysia đã áp dụng thuế bán hàng 10% đối với hàng hóa nhập khẩu được mua trực tuyến với giá dưới 500 ringgit (116 USD) vào tháng 1 năm nay. Những mặt hàng như vậy trước đây được miễn thuế bán hàng, thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo nhà chức trách, sắc thuế này nhằm tạo sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp địa phương phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ. Các sản phẩm được sản xuất trong nước hiện phải chịu 6% thuế bán hàng và dịch vụ.
Tương tự, Thái Lan từ đầu năm đến nay cũng có nhiều động thái nhằm ứng phó với hàng giá rẻ nước ngoài, đặc biệt việc hàng hóa Trung Quốc giá rẻ tràn ngập thị trường đã tạo ra lợi thế không công bằng khi các nhà sản xuất trong nước vẫn phải chịu thuế.
Sự xuất hiện của trang thương mại điện tử giá rẻ Temu khiến nhiều quốc gia lo lắng (Ảnh: Bangkok Post).
Từ tháng 5, Thái Lan áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (44,76 USD). Đầu tháng 8, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã chỉ đạo Bộ Thương mại đẩy nhanh các biện pháp giải quyết tình trạng hàng giá rẻ nước ngoài tràn vào nước này, nhất là trên thương mại điện tử.
Đáng chú ý, sự xuất hiện của Temu - nền tảng thương mại điện tử giá rẻ đến từ Trung Quốc - vào cuối tháng 7 cũng đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Thái Lan do lo ngại về cạnh tranh không lành mạnh, gián đoạn chuỗi cung ứng và mất việc làm.
Chính phủ Thái Lan đang theo dõi chặt chẽ hoạt động của Temu và tìm hiểu các chiến lược để giải quyết tác động của nền tảng này đối với nền kinh tế địa phương. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) đã kêu gọi chính phủ áp dụng thêm thuế đối với một số sản phẩm nhập khẩu.
Hay Indonesia - thị trường thương mại điện tử lớn nhất ASEAN, đóng góp 46,9% vào GMV (tổng giá trị hàng hóa) của khu vực cũng đã đưa ra các biện pháp nhằm hạn chế hàng nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc trên các nền tảng thương mại điện tử như Shopee, Lazada và TikTok Shop, theo Rest of World.
Theo đó, Chính phủ nước này đã lên kế hoạch áp thuế nhập khẩu lên tới 200% đối với nhiều loại hàng hóa bao gồm hàng dệt may, quần áo, giày dép, mỹ phẩm và đồ điện tử...
"Nếu Indonesia tràn ngập hàng nhập khẩu, các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa có thể sẽ phá sản", Zulkifli Hasan, Bộ trưởng Thương mại Indonesia, cho biết trong một cuộc họp báo vào tháng 7.
Dựng hàng rào bảo vệ sản xuất nội địa
Thảo luận về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi mới đây, nhiều đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ nghiên cứu thu thuế đối với hàng hóa được luân chuyển qua các sàn thương mại điện tử có giá trị nhỏ dưới 1 triệu đồng.
Cụ thể, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết hiện nay ở một số cửa khẩu, hàng ngày có 4-5 triệu đơn hàng qua biên giới nước ta được miễn thuế do giá trị mỗi loại hàng hóa có giá trị nhỏ.
"Nếu tính thuế thì mỗi gói hàng không đáng bao nhiêu tiền mà lại phải tốn nhân sự quản lý thu, chậm trễ thời gian. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh khác, nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ để tạo bình đẳng cho hàng sản xuất trong nước", ông nói và đề nghị cần có cân nhắc về vấn đề này phù hợp với thực tế.
Trước đó, thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội Lê Quang Mạnh cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc bỏ quy định miễn thuế VAT với hàng hóa giá trị nhỏ theo Quyết định 78/2010 của Chính phủ.
Mỗi ngày có trung bình 4-5 triệu đơn hàng giá trị nhỏ được vận chuyển từ Trung Quốc về Việt Nam qua các sàn thương mại điện tử (Ảnh: Shopee).
"Trước đây, số lượng hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu không quá nhiều nên tác động tổng thể tới số thu là không đáng kể. Hiện nay, với sự bùng nổ của thương mại điện tử xuyên biên giới, lượng giao dịch hàng hóa có giá trị nhỏ xuyên biên giới đã tăng gấp nhiều lần", ông Mạnh nêu thực tế.
Vì thế, vị này đề nghị Chính phủ có chính sách phù hợp để mở rộng và bao quát các nguồn thu trong bối cảnh hạn chế về ngân sách hiện nay, giải trình cơ sở pháp lý của Quyết định 78/2010 đối với nội dung nêu trên.
Chiều 8/10, Tổng cục Hải quan cho biết đang xây dựng dự thảo Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, để Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành. Mục tiêu chính của dự thảo là tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam.
Dự thảo nghị định mới tập trung vào việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên quan, áp dụng cơ chế một cửa quốc gia và ASEAN để kiểm soát giao dịch thương mại điện tử và áp dụng quản lý rủi ro dựa trên công nghệ thông tin. Tổng cục Hải quan cũng đã đưa ra các biện pháp kiểm soát chặt chẽ nhằm ngăn chặn tình trạng buôn lậu và gian lận thương mại qua các kênh thương mại điện tử.
TheoStraits Times, Thailand Business News, Rest of World, Bangkok Post