Theo cập nhật của Đại học Johns Hopkins lúc 0h2' sáng 11/4, đã có 100.376 người được xác nhận qua đời do nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới. Đến hiện tại, 5 quốc gia có số ca tử vong cao nhất là Italy (18.849 người), Mỹ (17.925 người), Tây Ban Nha (15.970 người), Pháp (12.210 người) và Anh (8.958 người).
Ngoài ra, toàn cầu đã có 1.650.210 người nhiễm virus, bao gồm 368.669 người đã phục hồi và xuất viện.
Theo AP, cột mốc 100.000 người tử vong được ghi nhận trong lúc một số quốc gia châu Âu đã lên kế hoạch nới lỏng phong tỏa, nỗ lực cứu lấy nền kinh tế đang chịu thiệt hại nghiêm trọng. Mặt khác, giới chức y tế cảnh báo việc người dân chủ quan, vi phạm cách ly xã hội sẽ khiến dịch bùng phát mạnh mẽ hơn, nhất là trong Lễ Phục sinh (12/4) sắp diễn ra.
Ví dụ như ở Italy, chính quyền đã phải sử dụng trực thăng, drone và huy động cảnh sát để giữ người dân tiếp tục trú ẩn tại nhà. Cảnh sát cho biết chỉ trong ngày 9/4 đã phải rà soát đến 300.000 người đi lại trên cả nước.
Thi thể bệnh nhân Covid-19 được chuyển ra khỏi Bệnh viện Trung tâm Brooklyn, thành phố New York, ngày 9/4 (Ảnh: AP)
Ngoài ra, hãng tin AP chỉ ra rằng số người tử vong trên thực tế có thể cao hơn mức được ghi nhận, do nhiều nguyên nhân như thiếu khả năng xét nghiệm hay phương pháp thống kê khác biệt giữa các quốc gia. Ví dụ như ở New York (Mỹ), Italy, Tây Ban Nha, nhiều người đã qua đời tại nhà hay viện dưỡng lão do nghi ngờ nhiễm virus nhưng không được xét nghiệm và tính vào số nạn nhân chính thức.
Số ca tử vong ở Mỹ đã lên tới hơn 18.000 người, đang trên đà vượt qua Italy vì quốc gia Nam Âu được cho là đã chạm tới đỉnh dịch. Hiện tại, khoảng 500.000 người Mỹ đã được xét nghiệm dương tính với virus, cao nhất trên toàn thế giới.
New York được xem là "tâm dịch của tâm dịch", chiếm tới 40% tổng số ca tử vong ở Mỹ. Tổng số người nhiễm virus cũng lên tới gần 160.000, cao hơn cả Tây Ban Nha.
Dù vậy, số người tử vong trong ngày 9/4 là 777 trường hợp, thấp hơn so với 799 ca của ngày hôm trước. Tổng số nạn nhân tử vong hiện tại là trên 7.800 người. Nói về những con số tang thương này, thống đốc Andrew Cuomo bày tỏ: "Bằng lý trí, tôi có thể nhận thức tại sao điều này lại xảy ra, nhưng việc chấp nhận vẫn không dễ dàng chút nào".
Tuy nhiên, số người được điều trị trong phòng ICU ở New York đã lần đầu tiên giảm xuống kể từ giữa tháng 3.
Và số bệnh nhân phải nhập viện cũng giảm đáng kể, chỉ khoảng 290 bệnh nhân được tiếp nhận mới trong ngày 9/4 thay vì 1.000 ca mỗi ngày vào tuần trước. Thống đốc Cuomo nhận định nếu chiều hướng tích cực như vậy tiếp tục kéo dài, New York sẽ không cần phải thiết lập thêm bệnh viện dã chiến.
Bác sĩ Jolion McGreevy - trưởng khoa cấp cứu Bệnh viện Mount Sinai ở thành phố New York cũng bày tỏ: "Ánh sáng đã xuất hiện ở cuối đường hầm. Tình hình sẽ khá hơn, nhưng nó không diễn ra sau một đêm. Tôi đoán là dịch bệnh sẽ lui dần đi trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng tới".
Theo AP, Tổ quốc