Dịch bệnh Ebola bùng phát tại miền Đông CHDC Congo tháng 08/2018 đã khiến 2.243 người chết, và tới nay nước này vẫn chưa thể công bố hết dịch, theo Sky News.
Mới đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết nhà chức trách đã phát hiện 9 trường hợp nhiễm Ebloa, trong đó có năm người đã tử vong tại miền Bắc CHDC Congo, gần thành phố Mbandaka.
UNICEF cho biết bốn người khác hiện đang được cách ly tại một bệnh viện ở Mbandaka.
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại CHDC Congo (Ảnh: AP)
"Đây là lời nhắc nhở rằng Covid-19 không phải là nguy cơ sức khỏe duy nhất mà con người đang phải đối mặt," Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong một thông báo hôm 01/06.
Các bệnh nhân đã tử vong hôm 18/05, tuy vậy kết quả xét nghiệm xác định họ nhiễm Ebola mới chỉ được công bố cuối tuần trước, theo Bộ trưởng Y tế CHDC Congo Eteni Longondo. WHO cho biết đã cử các chuyên gia tới nước này hỗ trợ công tác đối phó với dịch bệnh.
Đây là lần thứ 11 dịch bệnh Ebola bùng phát từ khu vực miền Bắc CHDC Congo, kể từ khi virus được phát hiện vào năm 1976.
Hai năm trước, một đợt bùng phát Ebola đã khiến 33 người thiệt mạng, nhưng sau đó được khống chế nhanh chóng. Tuy vậy với việc ghi nhận những bệnh nhân mới, CHDC Congo sẽ phải chờ thêm 42 ngày không có ca nhiễm mới thì mới có thể công bố hết dịch.
Dịch bệnh Ebola bùng phát trở lại gây lo ngại cho hệ thống y tế của CHDC Congo, khi nước này cũng đang phải đối phó với Covid-19 và sởi.
Cụ thể, CHDC Congo đã ghi nhận hơn 3.000 ca nhiễm Covid-19 ở bảy trên tổng số 25 tỉnh thành, trong đó có 72 trường hợp tử vong. Bên cạnh đó, nước này cũng đã ghi nhận hơn 369.500 ca nhiễm sởi, trong đó có 6.779 trường hợp tử vong kể từ năm 2019, theo WHO.
Bệnh Ebola là một bệnh sốt xuất huyết do virus ebola gây ra. Các triệu chứng bệnh thường xuất hiện sau khi nhiễm virus từ hai ngày đến ba tuần, bao gồm sốt, đau họng, đau cơ, tiêu chảy, suy giảm chức năng gan thận, chảy máu bên trong và bên ngoài. Khoảng gần một nửa số bệnh nhân nhiễm Ebola tử vong, theo WHO. Đợt bùng phát lớn nhất của bệnh Ebola xảy ra tại Tây Phi vào năm 2014 và kéo dài gần hai năm, khiến hơn 11.000 người tử vong.
Nguồn: Người đưa tin