Sau làn sóng COVID-19 thứ nhất vào tháng 3, Ma Suu (36 tuổi) đã phải đóng cửa quầy bán salad, đồng thời cầm cố đồ trang sức để có tiền mua thức ăn.
Tới làn sóng virus thứ hai, khi chính phủ ban hành lệnh buộc ở trong nhà vào tháng 9, Ma Suu đóng cửa hàng một lần nữa, đồng thời bán quần áo, đĩa và nồi ở trong nhà.
Khi không còn gì để bán, chồng Ma Suu khi đó là công nhân xây dựng mất việc, đã phải tìm kiếm thức ăn bên các cống rãnh tại khu ổ chuột ở ngoại ô thành phố lớn nhất Myanmar.
"Mọi người đang ăn thịt chuột và rắn", Ma Suu nói trong nước mắt. "Không có thu nhập đành phải ăn như vậy để nuôi con".
Người đàn ông làm bẫy chuột để bắt làm thực phẩm tại khu ổ chuột ở thành phố Yangon, Myanmar, ngày 21-10 - Ảnh: REUTERS
Gia đình Ma Suu sống ở Hlaing Thar Yar, một trong những khu nghèo nhất của thành phố Yangon.
Với hơn 40.000 ca bệnh và 1.000 ca tử vong, Myanmar đang là một trong những nước Đông Nam Á ảnh hưởng nhiều nhất bởi COVID-19. Việc thành phố Yangon phong tỏa cũng khiến hàng trăm ngàn người như Ma Suu mất việc làm.
Theo hãng tin Reuters, có khoảng 40% hộ gia đình ở Hlaing Thar Yar nhận được viện trợ nhưng nhiều nơi làm việc đã đóng cửa và mọi người đang tuyệt vọng.
Ngay cả trước khi đại dịch ập tới, một phần ba trong số 53 triệu người của Myanmar được coi là "rất dễ rơi vào cảnh đói nghèo", bất chấp những thành tựu về kinh tế trong thời gian gần đây.
Ngân hàng Thế giới hồi tháng 9 cho biết tình trạng nghèo đói ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương sẽ tăng lần đầu tiên sau 20 năm do COVID-19, với khoảng 38 triệu người dự kiến sẽ tiếp tục sống trong tình trạng nghèo đói hoặc bị đẩy trở lại cảnh nghèo đói.
Chính phủ Myanmar đã cấp lương thực cho hộ nghèo và ba khoản trợ cấp tiền mặt trị giá 15 USD mỗi khoản, nhưng các gia đình nói số tiền này còn thiếu nhiều.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online