Giới chức tỉnh Osaka – Nhật Bản cho biết một phụ nữ sống tại đây đã cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2, virus gây ra dịch Covid-19, sau khi được xuất viện 14 ngày

Bệnh nhân là một hướng dẫn viên du lịch trong độ tuổi 40. Bà bị chẩn đoán nhiễm virus lần 1 vào cuối tháng 1 và được xuất viện vào ngày 1-2, theo đài NHK. Kể từ đó, bệnh nhân tự cách ly tại nhà và không tiếp xúc gần với người khác.

Chưa khỏi hoàn toàn hoặc tái nhiễm

Đến ngày 19-2, bà bị đau họng và tức ngực và kết quả xét nghiệm ngày 26-2 cho thấy bà dương tính với SARS-CoV-2. Theo giới chức Osaka hôm 26-2, bệnh nhân có thể bị tái nhiễm hoặc virus còn tồn đọng trong người sinh sôi trở lại.

Nhiều trường hợp tương tự đã được báo cáo trước đó và đang có xu hướng gia tăng tại Trung Quốc, theo truyền thông địa phương. Tờ Nhân dân Nhật báo hồi tuần trước cho biết một bệnh nhân ở TP Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên cũng bị dương tính trong thời gian cách ly 14 ngày tại nhà sau khi đã xuất viện. Đặc biệt, giới chức y tế Quảng Đông, tỉnh đông dân nhất Trung Quốc, trong một báo cáo mới đây cho biết 14% bệnh nhân Covid-19 đã được chữa khỏi cho kết quả dương tính trong những lần xét nghiệm sau đó.

Theo một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường ĐH Osaka (Nhật Bản), thông thường, những người nhiễm bệnh phát triển kháng thể để tránh khả năng bị tái nhiễm. Tuy nhiên, nếu kháng thể không đủ, họ có thể dễ dàng bị tái nhiễm hoặc số virus không được phát hiện trong cơ thể sinh sôi trở lại. Trong khi đó, TS Leong Hoe Nam của Trung Mount Elizabeth Novena (Singapore) gợi mở giả thuyết: Các bệnh nhân tái nhiễm ở TP Vũ Hán – Trung Quốc có thể chỉ mới hồi phục triệu chứng chứ chưa được xét nghiệm ra kết quả âm tính trước khi xuất viện.

42 1 Covid 19 La Dich Benh Hai Giai Doan

Một chuyên gia khác tham gia lý giải xu hướng này là chuyên gia vi sinh và bệnh lý của Trường ĐH Y New York (Mỹ) Philip Tierno Jr. Theo ông Tierno, không loại trừ Covid-19 là một dịch bệnh “hai giai đoạn” tương tự bệnh than, nghĩa là bệnh có vẻ đã biến mất trước khi tái phát.

Trong khi đó, nhiều chuyên gia y tế khẳng định với chương trình truyền hình Today (Mỹ) rằng những trường hợp cho kết quả dương tính trở lại với Covid-19 còn có thể bao gồm lý do xét nghiệm sai hoặc bệnh nhân không được xét nghiệm để xác định đã “hết sạch” virus trước khi rời viện.

“Lỗ hổng” lây nhiễm

Tại buổi họp báo do Văn phòng Báo chí TP Quảng Châu tổ chức ngày 27-2, chuyên gia dịch tễ Chung Nam Sơn, tổ trưởng tổ chuyên gia cao cấp Ủy ban Y tế Trung Quốc, lo ngại nếu bệnh nhân còn dư lượng virus trong ruột hoặc chất thải thì liệu có lây nhiễm sang người khác hay không.

Việc virus tồn dư trong ruột là do ruột tương đối dài và chất bài tiết có thể không được thải ra hết. Dẫu vậy, nguy cơ lây nhiễm này cần được theo dõi thêm. Theo phác đồ chữa trị ở Trung Quốc, bệnh nhân được coi là hồi phục và cho xuất viện khi xét nghiệm chất dịch từ mũi và cổ họng cho kết quả âm tính 2 lần liên tiếp, chụp CT không còn thấy viêm phổi và không có triệu chứng như sốt, ho, hắt hơi. Hướng dẫn toàn quốc về tiêu chí chẩn đoán các ca nhiễm SARS-CoV-2 chỉ yêu cầu xét nghiệm chất dịch từ cổ họng hoặc mũi vì virus được cho là lây lan thông qua các giọt dịch bắn ra khi người bệnh ho hay hắt hơi.

Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây của Trường ĐH Y Quảng Châu phát hiện virus trong các mẫu phân của bệnh nhân, dẫn đến giả thuyết mới về đường lây lan. Kể từ đó, một số bệnh viện ở Quảng Đông bắt đầu xét nghiệm chất dịch từ hậu môn. Các nhà nghiên cứu thuộc Trường ĐH Y Quảng Châu không biết rõ liệu virus phát hiện ở các bệnh nhân đã hồi phục có phải là virus “vẫn còn hoạt động” hay không.

Theo tạp chí Tuần hoàn Trung Quốc, các nhà khoa học Sở Chu Bằng, Thạch Chính Lệ thuộc Viện Virus học Vũ Hán nhận thấy trong giai đoạn đầu nhiễm dịch, mẫu xét nghiệm từ cổ họng có nhiều khả năng dương tính với axit nucleic, trong giai đoạn sau tỉ lệ dương tính của xét nghiệm chất dịch từ hậu môn cao hơn so với mẫu phết từ cổ họng. Điều đáng chú ý là các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một trường hợp: Mẫu xét nghiệm từ cổ họng bệnh nhân âm tính với axit nucleic nhưng xét nghiệm chất dịch từ hậu môn và xét nghiệm máu lại cho kết quả dương tính.

Trước đó, một số nhà nghiên cứu Trung Quốc không loại trừ khả năng virus cũng có thể lây truyền qua đường phân – miệng tiềm tàng. Điều này có nghĩa là các mẫu phân có thể làm nhiễm bẩn tay, thức ăn, nước và gây nhiễm trùng khi vi khuẩn xâm nhập vào miệng, mắt hoặc hít phải. Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc khuyến nghị tăng cường các biện pháp vệ sinh và khử trùng để ngăn ngừa lây truyền qua đường phân ở khu vực dịch bệnh.

Nguồn: nld.com.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC