Bộ trưởng Công nghiệp, Thương mại và Du lịch Tây Ban Nha Reyes Maroto ngày 9/3 cho biết nước này có thể mở cửa trở lại cho du lịch quốc tế vào mùa Xuân, nếu 30-40% dân số đã được tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19.
Trả lời phỏng vấn trên Đài phát thanh Canal Sur, Bộ trưởng Maroto cho biết sau khi hoàn tất mục tiêu tiêm chủng trên, Tây Ban Nha "sẽ tiến hành mở lại các điểm du lịch, phù hợp với những diễn biến tại Liên minh châu Âu (EU)."
Bà nêu rõ Tây Ban Nha đang hợp tác cùng Ủy ban châu Âu để phát triển "các công cụ đảm bảo khả năng di chuyển an toàn," trong đó bao gồm cả hộ chiếu vaccine, cũng như lên kế hoạch áp dụng thí điểm đối với những công cụ này.
Theo bà Maroto, mặc dù khởi đầu chậm chạp do nguồn cung vaccine thiết hụt, nhưng chiến dịch chủng ngừa COVID-19 tại Tây Ban Nha vẫn đang đi đúng tiến độ nhằm tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối mùa Hè.
Bộ trưởng Maroto cho biết chiến dịch tiêm phòng sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong tuần này, trong bối cảnh Cơ quan Dược phẩm châu Âu dự kiến phê duyệt vaccine của hãng Johnson&Johnson - loại vaccine chỉ cần tiêm một liều duy nhất, trong khi các vaccine khác như của các hãng Pfizer hayAstraZeneca đều cần 2 mũi.
Tuy bày tỏ sự lạc quan về việc khách du lịch có thể đến Tây Ban Nha vào mùa Xuân, nhưng Bộ trưởng Maroto cũng nêu rõ Tây Ban Nha sẽ không tiếp nhận các du khách đến từ Anh, Brazil hoặc Nam Phi cho đến ít nhất là cuối tháng này.
Trong cuộc họp báo ngày 9/3, người phát ngôn của Chính phủ Tây Ban Nha cũng xác nhận rằng Nội các đã quyết định gia hạn lệnh hạn chế đối với các chuyến bay đến từ các quốc gia trên cho tới ngày 30/3 nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Bộ Y tế Tây Ban Nha ngày 8/3 cho biết đã có 4.712.191 người ở nước này được tiêm vaccine ngừa COVID-19, trong đó 1.383.488 người được tiêm 2 liều. Như vậy, số người đã được tiêm ít nhất một liều vaccine hiện đã cao hơn so với số người mắc bệnh COVID-19 tại quốc gia châu Âu này.
Liên quan vấn đề phân phối vaccine, Chính phủ Anh ngày 9/3 đã triệu phái đoàn EU, đồng thời gửi thư cho Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel để phản đối tuyên bố của ông khi cho rằng Anh đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu vaccine.
Căng thẳng mới nhất giữa Anh và EU đã nổ ra sau khi ông Michel tuyên bố: "Vương quốc Anh và Mỹ đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn các hoạt động xuất khẩu vaccine hoặc các thành phần bào chế vaccine được sản xuất trên lãnh thổ của họ."
Theo Ngoại trưởng Anh Dominic Raab, nhận định của ông Michel là "hoàn toàn sai sự thật." Ngoại trưởng Raab nêu rõ: “Chính phủ Anh không ngăn chặn hoạt động xuất khẩu bất cứ loại vaccine hay thành phần bào chế vaccine ngừa COVID-19 nào. Bất kỳ thông tin nào ám chỉ đến lệnh cấm xuất khẩu hoặc các quy định hạn chế xuất khẩu đối với vaccine của Vương quốc Anh đều hoàn toàn sai lệch. Đại dịch này là thách thức toàn cầu và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển vaccine tiếp tục là một phần không thể thiếu trong công tác ứng phó của chúng tôi.”
Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel được đưa ra trong bối cảnh EU đang chịu áp lực về việc chiến dịch tiêm chủng COVID-19, trong khi Anh được ca ngợi về tiến độ triển khai và đang hướng tới việc nới lỏng hoàn toàn các hạn chế xã hội vào tháng 6 tới.
Theo EU, một phần nguyên nhân dẫn đến những trục trặc trong chiến dịch tiêm phòng tại liên minh này là do công ty liên doanh Anh-Thụy Điển AstraZeneca đã không chuyển giao kịp thời các đơn đặt hàng.
Thanh Phương
Nguồn: TTXVN/Vietnam+