Tàu hải quân Indonesia tới căn cứ hải quân ở Banyuwangi, Indonesia hôm 22-4 để tham gia tìm kiếm tàu ngầm mất tích - Ảnh: AFP
Hôm nay 24-4 là ngày thứ tư chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia bị mất tích. Cũng đã qua hạn chót 3h sáng 24-4, thời điểm mà nguồn cung cấp oxy cho các thủy thủ trong tàu được đánh giá sẽ hết. Hãng tin AFP bình luận một "cuộc tìm kiếm điên cuồng" đang diễn ra.
Hi vọng chưa tắt
Tổng thống Joko Widodo của Indonesia đã ra lệnh cho quân đội và các cơ quan tìm kiếm cứu nạn của nước này dốc toàn lực tìm ra chiếc tàu ngầm KRI Nanggala 402 mất tích từ hôm 21-4.
Tham mưu trưởng Hải quân Indonesia, ông Yudo Margono, phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bali: "Hi vọng trước lúc tìm thấy được họ, oxy vẫn còn đủ".
Trả lời câu hỏi về tình trạng của tàu ngầm KRI Nanggala 402 trước khi tham gia diễn tập, ông Yudo Margono cho biết tàu ngầm này và toàn bộ thủy thủ đoàn đều đã chuẩn bị kỹ lưỡng. Lần gần nhất con tàu cập cảng bảo trì là năm 2020 tại thành phố cảng Surabaya trên đảo Java.
Indonesia mất liên lạc với tàu KRI Nanggala 402 khoảng 4h30 sáng 21-4, sau khi tàu này xin phép lặn để diễn tập phóng ngư lôi khoảng 3h sáng cùng ngày. Hải quân Indonesia nghi ngờ vết dầu loang phát hiện tại khu vực KRI Nanggala 402 lặn là từ con tàu này mà ra.
Theo hãng tin AFP, cuộc tìm kiếm tàu ngầm trong tuyệt vọng của Indonesia đã tập trung vào tín hiệu từ một vật thể không xác định phát hiện hôm 22-4. Vật thể này có “từ tính cao”, nằm ở độ sâu từ 50 - 100m.
Một số tàu có các thiết bị chuyên dò tìm đã được triển khai, với hi vọng vật thể trên có thể là tàu ngầm KRI Nanggala 402.
Nhiều nước trong và ngoài khu vực đã hỗ trợ hoặc đề nghị hỗ trợ Indonesia tìm tàu ngầm. Tàu cứu hộ của Malaysia và Singapore dự kiến tới được khu vực tìm kiếm sớm nhất là ngày 24-4. Ấn Độ cho biết đã cử tàu lặn cứu hộ nước sâu tới hỗ trợ. Mỹ, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc cũng đề nghị giúp Indonesia.
Ưu tiên chính là sự an toàn của 53 thành viên bên trong.
Tổng thống Indonesia JOKO WiDODO nhấn mạnh
CO2, điện và cảm biến
Trao đổi với Đài Channel News Asia, chuyên gia hải quân Bryan Clark tại Viện Hudson (Mỹ) đánh giá thời gian là yếu tố quan trọng trong các hoạt động giải cứu. Ông nói rằng “vấn đề đáng chú ý nhất” là mức CO2 tăng lên trong tàu ở khoảng thời gian đó. Channel News Asia bình luận CO2 có thể là “kẻ thù”.
“Trên tàu sẽ có vật liệu hút để hút CO2 ra khỏi không khí trong cabin, nhưng cuối cùng vẫn hết hiệu quả. Oxy có thể được tạo ra bằng cách đốt nến hóa học. Tuy nhiên, trước khi hết oxy, lượng CO2 (tăng lên) vẫn sẽ khiến các thủy thủ nghẹt thở” - ông giải thích.
Chuyên gia hải quân này nói rằng tình trạng mất điện sẽ ảnh hưởng tới khoảng thời gian để các thủy thủ sống sót vì cần có điện để quạt chạy, giúp thổi không khí qua vật liệu hút CO2 và nến tạo oxy.
Vậy nguyên nhân nào dẫn tới sự cố mất điện? Ông Clark chỉ ra tàu ngầm bị mất điện có thể do các vấn đề xảy ra đối với pin trong tàu ngầm, chẳng hạn cháy hoặc ngăn đặt pin bị ngập nước.
Nhà phân tích hải quân Ben Ho tại trường nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) chỉ ra một vụ nổ ngư lôi cũng có thể gây mất điện. “Căn cứ vào thông tin tàu ngầm Indonesia lúc đó tiến hành diễn tập phóng ngư lôi, có khả năng một trong các vũ khí này đã nổ” - ông Ben Ho phỏng đoán.
Ông Clark cho rằng nếu tàu ngầm vẫn còn nguyên vẹn, kích thước đủ lớn sẽ giúp xác định được vị trí của tàu ngầm “khá dễ dàng” bằng cách dùng các thiết bị cảm biến từ tính và âm thanh. Cảm biến từ tính tương tự hệ thống dò mìn, có thể tìm kiếm vỏ thép của tàu ngầm. Các cảm biến âm, gồm sonar chủ động, phát hiện âm thanh dội lại từ tàu ngầm.
“Tuy nhiên, khu vực mà lực lượng cứu hộ cần tìm kiếm là khá lớn và các cảm biến chỉ có thể hoạt động ở một khu vực nhỏ. Do đó, công tác tìm kiếm có thể tốn thời gian dài” - ông Clark chỉ ra. Còn nhà phân tích hải quân Ben ho nói thêm các sonar chủ động cũng sẽ khó tìm ra tàu ngầm nếu đáy biển ồn ào, lộn xộn.
Các lực lượng cứu hộ đang tìm kiếm tại vùng biển cách phía bắc đảo Bali khoảng 95km, gần vị trí phát hiện vết dầu loang. Hôm 21-4, Hải quân Indonesia phỏng đoán tàu ngầm có thể đã chìm xuống độ sâu từ 600 - 700m.
Tàu ngầm này có thiết kế chịu được áp suất khi ở độ sâu tối đa khoảng 250m, do đó ông Ben ho nói rằng cơ hội các thủy thủ sống sót sẽ “gần như bằng không” nếu con tàu chìm xuống độ sâu 600 - 700m và bị vỡ.
Người phát ngôn quân đội Indonesia, thiếu tướng Achmad Riad, cho biết Indonesia “hoan nghênh tất cả sự giúp đỡ mà chúng tôi có thể nhận” từ các nước khác nhưng ưu tiên những tàu hỗ trợ có năng lực sonar (kỹ thuật sử dụng sự lan truyền âm thanh, thường để tìm mục tiêu dưới nước).
Những lần tàu ngầm mất tích
Một người phát ngôn hải quân Indonesia nói với Đài BBC rằng đây là lần đầu tiên một trong các tàu ngầm của Indonesia bị mất tích. Những vụ mất tích tàu ngầm từng xảy ra ở các nước khác.
Đáng chú ý, năm 2000 tàu ngầm Kursk của Hải quân Nga chở theo 118 thủy thủ đã chìm ở biển Barents.
Năm 2003, có 70 người, gồm sĩ quan hải quân và các thành viên khác, đã tử nạn sau khi tàu ngầm lớp Ming của Trung Quốc gặp nạn trong lúc diễn tập. Năm 2007, tàu ngầm quân sự ARA San Juan chở theo 44 người của Argentina mất tích ở nam Đại Tây Dương.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online