Cuộc sống tiếp diễn giữa hai thế giới, một đau đớn vì bệnh tật bên ngoài và một bình yên sau các bức tường.

Từ khi Pháp phong toả, người Pháp hẹn nhau tối đến sẽ ra ban công, cửa sổ, vỗ tay và cảm ơn các bác sỹ, các nhân viên y tế.

Một số nơi làm lúc 19h, nhưng thường là 20h. Những lời cảm ơn như thế được gửi đi từ khắp châu Âu, nhất là tại những nơi mà sự chịu đựng của những người áo trắng sắp vỡ vụn.

Ở nơi đâu trên quả đất này, mỗi khi có dịch bệnh, các y bác sỹ cũng là những người đáng trân trọng và cần được bảo vệ nhất. Và cũng cần được lắng nghe nhất.

Ngày hôm qua, 3 bác sỹ Pháp nộp đơn kiện Thủ tướng Pháp Édouard Philippe và cựu Bộ trưởng Y tế Agnès Buzyn.

Lý do họ đưa ra là những quan chức này đã phớt lờ sự nguy hiểm của dịch bệnh từ khi nó bùng phát tại Trung Quốc, không chuẩn bị gì cả để rồi giờ đây nước Pháp rơi vào tình cảnh hiểm nghèo.

42 1 Dai Dich Covid 19 O Chau Au Mot Trai Nghiem Duong Nhu Khong Co Thuc

​Người Pháp hẹn nhau tối đến ra ban công, cửa sổ, vỗ tay và cảm ơn các bác sỹ, các nhân viên y tế (Ảnh: AFP/Getty)

Thực ra một trong số 2 người bị kiện đó, Agnes Buzyn, lại cần được ghi nhận.

Hôm 17/3, bộc bạch trên Le Monde, Agnes Buzyn nói rằng tất cả những gì đến với nước Pháp hiện nay là hậu quả của một sự dối trá che đậy, rằng từ tháng 1 đội ngũ chuyên gia Bộ Y tế đã báo cáo lên Édouard Philippe là loại virus này rất nguy hiểm, tuyệt đối không thể xem thường.

Sự cảnh báo đó bị phớt lờ. Agnes Buzyn giữa tháng 02 miễn cường rời ghế Bộ trưởng Y tế để thay thế cho cánh tay phải của E.Macron là Benjamin Griveaux trong cuộc đua ghế Thị trưởng Paris.

Chính quyền Pháp sau đó bị cuốn vào các tính toán chính trị, đặc biệt là cải cách luật hưu trí, và bỏ qua cơ hội tốt nhất ngăn dịch.

Đến khi Italy bùng nổ, trận chiến đầu tiên coi như đã thua. Nói những việc này, thực ra, giờ không cần thiết nữa. Chỉ để thêm ví dụ cho những ai cần sự minh bạch. Cuộc sống phong toả sẽ còn tiếp diễn, không phải vài ngày mà vài tuần. Thậm chí vài tháng nữa.

Những người có ý thức trước sau cũng ở trong nhà, và "cuộc chiến" trong nhà giữa vợ-chồng-con cái có lẽ không đơn giản chút nào. Không phải ai cũng có không gian sống đủ rộng để không bức bối. Không phải nhà nào cũng có những đứa trẻ đủ ngoan để không phải bực mình.

Cảnh sát Italy cho biết cả tuần qua phải chặn gần 1,2 triệu người cố tình ra đường và phạt 60 ngàn người.

Thống đốc vùng Veneto kêu gọi phải đóng cửa tiếp các siêu thị vào cuối tuần. Tất cả là vì dân Italy chán quá, tìm mọi cách ra đường và chui vào chỗ này tụ tập.

Tại Pháp, sau 2 ngày đầu phong toả, cũng đã có hơn 4 ngàn người bị phạt. Đi dạo bãi biển giờ cũng bị cấm, chạy bộ cũng không được quá 2km xa nhà.

Nỗi sợ lớn nhất bây giờ có lẽ là đứt…mạng. Không chỉ người dân, mà cả nhà cung cấp. Netflix phải tuyên bố giảm 25% traffic tại châu Âu vì sợ các nhà mạng sập. 

Vào Carrefour.fr mua đồ thì đợi 2 ngày không xác nhận nổi giỏ hàng. Nhưng rồi cũng sẽ những người bỗng dưng khám phá ra rằng mình có căn làm thơ, viết truyện.

Ai không chịu được sự tịch mịch thì tìm đến các bữa tiệc ảo, tụ tập bạn bè để làm một vài ly. Uống say rồi ngủ.

Cuộc sống cứ thế tiếp diễn giữa hai thế giới, một đau đớn vì bệnh tật bên ngoài và một bình yên sau các bức tường.

Một trải nghiệm như không có thực./.

Nguồn: Quang Dũng/VOV-Paris




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC