Phần lớn viện trợ của Bắc Kinh tập trung vào các dự án mang tính thương mại và cung cấp các khoản vay theo giá thị trường

 

Báo cáo mới nhất được tổ chức AidData (Mỹ) công bố hôm 11-10 cho thấy Trung Quốc đang trên đà soán ngôi Mỹ, trở thành quốc gia viện trợ nước ngoài lớn nhất thế giới.

Viện trợ hay kiếm tiền?

Nếu nhìn vào những con số viện trợ của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trong khoảng thời gian khảo sát từ năm 2000-2014 thì tương lai đó có vẻ không còn xa. Trung Quốc chi gần 354,4 tỉ USD cho viện trợ và các hình thức hỗ trợ tài chính khác cho 140 nước trong khi Mỹ chi 394,6 tỉ USD. 

Theo ông Brad Parks, Giám đốc điều hành AidData, chính phủ Trung Quốc coi chi tiết các chương trình phát triển nước ngoài là bí mật quốc gia. Dù vậy, khảo sát của AidData ghi nhận tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh trong lĩnh vực viện trợ nước ngoài.

Đằng sau viện trợ của Trung Quốc - 0

Venezuela đang nợ Trung Quốc 60 tỉ USD, trong đó có khoản vay 4,02 tỉ USD của Tập đoàn dầu khí nhà nước Petróleos de Venezuela (PDVSA) Ảnh: Reuters

Có điều, khi đi sâu vào những dự án được Bắc Kinh đổ tiền ở nước ngoài, các nhà nghiên cứu không khỏi đặt dấu chấm hỏi vào sự hào phóng của nền kinh tế số 2 thế giới. 

Ông Parks nhấn mạnh có điểm khác biệt lớn trong kết cấu viện trợ của Mỹ và Trung Quốc. Mỹ dành 93% tổng tiền viện trợ của mình cho hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) - cho vay không lãi suất hoặc lãi suất thấp - nhằm vào các quốc gia đang phát triển và có ít nhất 25% là phần viện trợ không hoàn lại. AidData khẳng định hình thức này thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tốt hơn và nâng cao phúc lợi ở các nước vay. 

Với Trung Quốc, tỉ lệ ODA chỉ chiếm 23% số tiền 354,4 tỉ USD nói trên, phần còn lại được Trung Quốc cung cấp với lãi suất thị trường hoặc sát với thị trường.

Theo ông Parks, những dữ liệu thu thập được phản ánh phần lớn viện trợ của Trung Quốc tập trung vào các dự án mang tính thương mại và cung cấp các khoản vay theo giá thị trường với mục đích cuối cùng là kiếm tiền. Điều đó khiến nước này trở thành chủ nợ lớn nhất thế giới. 

"Các khoản vay có xu hướng đi vào các đối tác thương mại của Trung Quốc, những quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên, những nơi đáng đầu tư và có thể trả nợ" - ông Parks chỉ rõ, đồng thời liệt kê một số điểm đến đáng chú ý của tiền viện trợ Trung Quốc như Iran, Pakistan, Nga và Venezuela. 

"Đó là kiếm tiền và mở rộng sự hiện diện tới nhiều thị trường nước ngoài, nhằm giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc tiếp cận những thị trường đó cũng như bảo đảm họ có thể nhập khẩu các tài nguyên thiên nhiên trong nước không có. Vậy nên, đó rõ ràng chỉ là tư lợi của Trung Quốc" - ông Parks nhấn mạnh.

Những "con nợ" khó đòi

Tuy nhiên, không phải tính toán nào của Bắc Kinh cũng suôn sẻ. Tờ South China Morning Post (Hồng Kông) hôm 12-10 "điểm mặt" một số con nợ hàng đầu Trung Quốc đang phải vật lộn với câu chuyện trả nợ, như Nga, Mali, Pakistan, Venezuela, Ukraine…

Theo AidData, Công ty Dầu khí Rosenft của Nga là "con nợ" lớn nhất của Trung Quốc khi nhận 2 khoản vay tổng cộng 34 tỉ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) năm 2009. Mục tiêu của khoản vay là cải thiện hoạt động của Rosenft, trong đó có việc cung cấp 15 triệu tấn dầu hằng năm cho Trung Quốc trong vòng 20 năm (bắt đầu từ 2011). Công ty dầu khí của Nga dự kiến trả lãi suất trung bình 5,69%/năm cho 15 tỉ USD của khoản nợ trong 20 năm.

Hồi tháng trước, tại Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS tại TP Hạ Môn - Trung Quốc, Công ty Năng lượng Trung Quốc CEFC đã ký một hợp đồng nhận 14% cổ phần của Rosenft.

Giám đốc điều hành Rosenft Igor Sechin nói rằng thỏa thuận trị giá 9 tỉ USD này được tiến hành xuất phát từ nguyện vọng của các nhà đầu tư tư nhân của Rosenft muốn giảm gánh nặng nợ nần. Những năm gần đây, công ty này đang phải vật lộn do sự sụt giảm của giá dầu thế giới và lệnh trừng phạt từ Mỹ.

CDB cũng cung cấp khoản vay 4,02 tỉ USD cho Tập đoàn Dầu khí Nhà nước Petróleos de Venezuela (PDVSA) năm 2013. Đây chỉ là một phần trong số 60 tỉ USD mà Venezuela nợ Trung Quốc. Song, viễn cảnh trả nợ của quốc gia Nam Mỹ thực sự quá xa xôi, không chỉ vì khủng hoảng giá dầu mà còn vì bất ổn chính trị và kinh tế lao dốc chưa có hồi kết.

Ở Mali, Trung Quốc cho vay 8 tỉ USD năm 2014 để xây dựng đường sắt xuyên quốc gia. Đổi lại, Công ty Công trình Đường sắt của Trung Quốc được nhận thầu xây dựng tuyến đường 900 km này. Tuy nhiên, tới năm 2016, núi nợ của Mali đã vượt quá 22,6% GDP, làm dấy lên nghi ngờ về khả năng trả nợ của quốc gia Tây Phi này.

Mỹ nhường quyền lực mềm?

Ông Scott Morris, một cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, hôm 12-10 nhìn nhận quan điểm "nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Donald Trump đang khiến Washington bị cô lập hơn trên trường quốc tế và mất dần quyền lực mềm vào tay Trung Quốc.

Ông Morris là người từng giám sát chính sách phát triển toàn cầu Mỹ và làm việc với Ngân hàng Thế giới (WB) dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Theo chuyên gia này, sự thay đổi nói trên được nhìn thấy rõ tại các cuộc họp thường niên của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Washington trong tuần này. 

"Chúng ta có thể thấy Trung Quốc đang tìm cách phô trương sáng kiến "Vành đai và Con đường" trị giá hàng ngàn tỉ USD bằng các sự kiện cấp cao và rồi chúng ta thấy các quan chức Mỹ muốn nói không với mọi thứ, từ tham vọng tại WB cho đến các thỏa thuận thương mại. Đây là một thông điệp khó thuyết phục được cộng đồng quốc tế" - ông Morris nhận định với đài CNBC.

Hiện là cố vấn cấp cao tại Trung tâm Phát triển toàn cầu (CGD) ở Mỹ, ông Morris cho rằng ngoài việc Mỹ ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế, chủ nghĩa bảo hộ của Tổng thống Donald Trump còn có thể gây tổn hại cho các tổ chức đa phương như WB và IMF. Thiệt hại ở đây là Trung Quốc dẫn đầu một nhóm các quốc gia thành viên khác tham gia các tổ chức mới, như Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB). Ngân hàng này - bắt đầu đi vào hoạt động năm ngoái và hy vọng có 85 thành viên vào cuối năm nay - có thể vừa bổ sung vừa cạnh tranh với WB.

 

Nguồn: THU HẰNG

Báo Người Lao Động




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC