Sáng 1/7/2020, khi đang ngồi trong căn hộ ở ngoại ô Balmain, Sydney, tôi nhận được cuộc điện thoại mà bản thân rất sợ kể từ khi chuyển đến Úc.
Bố tôi đang hấp hối.
Chị gái tôi vừa đến thăm bố trong bệnh viện ở Địa hạt Jersey (Vương quốc Anh). Bác sĩ thông báo họ phát hiện bố tôi mắc chứng phình động mạch không thể điều trị. Ông ấy có thể sống thêm vài tháng hoặc ra đi chỉ trong vài ngày tới.
Bố tôi 82 tuổi, từng là công nhân bến tàu, trước giờ vẫn năng động và khá khỏe mạnh. Tôi bị sốc đến mức không thể tập trung vào việc đặt vé máy bay online.
Vì vậy, tôi đi thẳng đến đại lý vé máy bay ở địa phương và ngạc nhiên khi nơi này vẫn mở cửa. Các sếp cho tôi nghỉ phép. Với tư cách là công dân New Zealand, tôi không phải nộp đơn xin rời khỏi Úc, như công dân nước này phải làm kể từ tháng 3/2020.
Tối hôm đó, tôi mặc bộ đồ bảo hộ kín mít, ngồi trên chuyến bay vắng khách đến Doha (Qatar), sau đó là London (Anh). Vừa hạ cánh, tôi lo lắng mở điện thoại để cập nhật về tình trạng của bố.
Kể từ khi chuyển đến New Zealand, sau đó là Úc, tôi luôn lo sợ phải ngồi trên chuyến bay dài về nhà trong cảm giác đau buồn.
Tôi phải ngủ qua đêm tại nhà ga số 5 ở Heathrow. May mắn đã đến 1 ngày trước chuyến bay đầu tiên đến Jersey kể từ khi biên giới của hòn đảo mở cửa trở lại.
Một tuần sau khi bố nhập viện, chúng tôi xin bác sĩ để đưa ông ấy về nhà. Đó là mong mỏi cuối cùng của bố. Tôi và 3 chị em của mình thay nhau chăm sóc bố. Mẹ tôi, dù đã ly hôn với bố, cũng ở đó.
Tôi làm ca đêm, theo giờ Úc. Tôi thấy may mắn vì bố thường trò chuyện nhiều hơn vào tối muộn.
Một đêm đầu tháng 8/2020, khi đang đọc thơ cho bố nghe, tôi chứng kiến ông ấy trút hơi thở cuối cùng. Tôi đánh thức chị gái, một nữ hộ sinh, và phải chấp nhận rằng bố đã ra đi mãi mãi.
Kế hoạch Doha
Sau tang lễ của bố, tôi nhanh chóng lên kế hoạch trở lại Úc. Tôi nghĩ mình sẽ bay thẳng và bắt đầu tìm kiếm trên các trang web, ứng dụng vẫn dùng để đặt vé trước đại dịch Covid-19.
Thời điểm này, tôi nghe phong thanh về việc cắt giảm chuyến bay khi Úc hạn chế số lượng du khách quốc tế nhằm giảm bớt gánh nặng cho hệ thống kiểm dịch.
Tôi nghĩ mình khôn ngoan khi đặt chuyến bay đến Sydney từ Doha - nơi ít người có nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không hơn.
Tôi cho rằng mình có thể thực hiện chuyến du lịch xuyên châu Âu đến Doha trong vài tuần trong khi làm việc từ xa với đồng nghiệp ở Úc.
Hai tuần sau khi bố qua đời, tôi đi phà từ Jersey đến St Malo - cảng gần nhất của Pháp, sau đó đi tàu tới Paris - nơi tôi dành 1 tuần làm việc từ khách sạn.
Tiếp đó, tôi bắt chuyến tàu đến Berlin (Đức) - nơi tôi ở lại 1 tuần - trước khi bay đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Theo dự định, đó là tuần cuối cùng trước khi tôi bay đến Doha, sau đó hạ cánh ở Sydney.
Đây là lúc mà “kế hoạch Doha” của tôi dường như không còn khôn ngoan nữa. Chuyến bay đến Úc của tôi bị hủy - chỉ là khởi đầu cho ít nhất 5 chuyến bay mà tôi đặt trong vô vọng những tháng tới.
Tôi quyết định bay đến Athens - nơi tôi nghĩ mình có thể ở lại trong vài tuần. Tôi đọc được thông tin rằng Hy Lạp đang xử lý đại dịch khá tốt và mở cửa cho hoạt động du lịch.
Tuy nhiên, chuyến bay này cũng bị hủy. Biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp bị đóng cửa do đại dịch, đường bay duy nhất của tôi đến Hy Lạp là qua Bulgaria.
Tôi bắt xe buýt đến Edirne, nằm ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Bulgaria, sau đó bắt xe buýt tới Sofia - nơi tôi làm việc từ khách sạn trong khoảng 1 tuần, điều đã trở nên quá quen thuộc.
Tiếp đó, tôi bay đến Athens - kỳ lạ là gần như không có khách du lịch nào ở đây. Tại Parthenon và bảo tàng Acropolis, tôi có không gian cho riêng mình. Sau một ngày tham quan, tôi sẽ trở về khách sạn, đúng với giờ làm việc của các đồng nghiệp ở Úc.
Tôi coi hành trình 3 tuần từ Jersey đến Istanbul như kỳ nghỉ và làm việc từ xa. Tôi ở trong một số khách sạn khá đẹp và nghĩ rằng mình sẽ sớm được về nhà.
Tuy nhiên, rõ ràng là tôi không thể quay lại Úc trong nhiều tháng. Tôi bắt đầu đặt chỗ ở ngày càng rẻ hơn.
Không thể về nhà
Cuối tháng 10/2020, giá vé các chuyến bay 1 chiều đến Sydney là hơn 10.000 USD. Tôi đang xem xét các tuyến đường qua Kuala Lumpur (Malaysia), Doha (Qatar), San Francisco (Mỹ) hay bất cứ nơi nào nhưng không có chuyến bay.
Đó là lúc tôi nhận ra mình không cần ở lại Athens thêm nữa. Tôi quyết định tiếp tục di chuyển qua các quốc gia mà tôi có thể đến và làm việc ở một thành phố khác nhau mỗi tuần.
Tôi tới thành phố cảng Patras trong 2 tuần, sau đó đến đảo Corfu thêm 2 tuần nữa. Tôi nghĩ mình có thể bắt chuyến phà đến Italy và thử lên chuyến bay từ Rome. Tuy nhiên, các chuyến phà không hoạt động do đại dịch.
Khi giá vé máy bay đi Úc tăng cao, chi phí ăn ở tại các thành phố nhỏ hơn ở châu Âu giảm mạnh. Tôi lưu trú trong các khách sạn với giá khoảng 200 USD/tuần.
Một lần, khi ăn trưa ở Corfu, tôi nói với nhân viên phục vụ rằng mình sẽ trở lại ăn tối vào hôm sau. Anh ta khuyên tôi nên quay lại sớm hơn vì lệnh phong tỏa sẽ bắt đầu vào hôm sau.
Đây là lần đầu tiên tôi nghe về điều này vì tôi không biết nói tiếng Hy Lạp.
Corfu đối diện với Albania. Vì vậy, tôi nhanh chóng thu dọn đồ đạc, bắt chuyến phà vào đất liền Hy Lạp để kịp sang Albania trước khi lệnh phong tỏa bắt đầu.
Tôi đang cố len lỏi qua các chốt phong tỏa, lệnh đóng cửa biên giới và tuyệt vọng tìm kiếm chuyến bay về nhà.
Ngày 30/12/2020, tôi đáp chuyến bay từ Zagreb đến London với các điểm dừng ở Warsaw và Paris. Trục trặc xảy ra khi chính quyền Ba Lan không cho phép du khách lưu trú trong nước, buộc tôi phải đặt chuyến bay mới đến London.
Tôi hồi hộp chờ đợi giây phút chuyến bay từ London đến Sydney cất cánh. Trái với tưởng tượng của tôi, cabin gần như trống rỗng, nhưng tôi cảm thấy nhẹ nhõm.
Sau 2 tuần cách ly ở Sydney, tôi trở về căn hộ ở Balmain của mình vào một ngày nắng đẹp giữa tháng 1. Mọi thứ giống như chuyến du hành thời gian. Trên bàn làm việc của tôi, các ghi chú cho sự kiện cần tham gia vẫn nguyên vẹn và lịch dừng lại ở tháng 6/2020.
Nguồn: zingnews