Tôi thuê căn phòng giá 120 bảng/đêm ở Edinburgh (Scotland) trong hệ thống Travelodge, có cửa sổ hướng Tây, nóng như Hỏa diệm sơn.
Bao năm nay dân Scotland vẫn mặc áo khoác mỏng giữa mùa hè, làm gì có khái niệm máy lạnh. Nhưng cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua, người châu Âu đã biết thế nào là nóng.
Du khách ngồi thuyền chạy trên hồ Loch Ness, xem màn hình hiện độ sâu lòng hồ đã đạt trên 150m
Báo động nóng
Biến đổi khí hậu khiến người châu Âu bây giờ đối mặt thêm một kiểu báo động.
, tăng cường khẩu phần nước uống cho người già, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày. Trẻ em được trang bị loại nón có vành che gáy, mặc quần áo sáng màu (nên mặc áo trắng, không dùng quần áo màu đen) có tác dụng phản ngược ánh sáng mặt trời.
Tại Bỉ, nhiệt độ lên hơn 35oC vào đầu tháng 8 năm nay đã phá kỷ lục về nóng ghi nhận trong mùa hè các năm 1976 và 1947. Ở khu vực Bắc Âu, người Đan Mạch vốn thèm ánh sáng mặt trời, riêng hè này, các đợt nắng ứa tràn từ tháng 4 đến tháng 8. Nhiều bãi cỏ vốn xanh mướt nay phủ màu vàng nâu khô khát. Mùa hè ở xứ sở nàng tiên cá, nóng lắm cũng chỉ khoảng 26oC, vừa qua nhiệt độ lên 32oC, bản tin thời tiết có lúc còn dự báo 36oC.
Văn phòng du lịch, hướng dẫn viên, báo chí ở các nước Bắc Âu và Tây Âu liên tục đưa ra lời khuyên, khuyến cáo người dân có kế hoạch du lịch Nam Âu rằng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý... chưa chắc có máy điều hòa trong khách sạn.
Mà nếu phòng có máy điều hòa cũng chỉ nên đặt mức 25oC trở lên. Không nên hạ nhiệt độ quá thấp trong phòng, ra ngoài sẽ bị sốc nhiệt.
Các trung tâm thương mại, nhà hàng fast-food ở Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha trở thành nơi lý tưởng cho khách du lịch ghé vào xả nhiệt, điều hòa tổng ở đó phả ra không khí mát dịu, khác hẳn hơi nóng hừng hực bốc lên trên phố.
Tham quan bằng xe buýt trở nên đắt khách hơn hẳn trong mùa hè năm nay. Ngồi xe có máy lạnh vẫn dễ chịu hơn cuốc bộ dưới trời nắng nóng. Tôi chọn chuyến xe buýt đi tham quan vùng cao nguyên và hồ Loch Ness trong ngày. Phải trả 40,5 bảng/vé, nhưng rất tiện ích: điều hòa mát lạnh, có sẵn cả nhà vệ sinh trên xe, được dừng chân nhiều chặng tham quan, chụp ảnh, ăn uống và mua sắm suốt hành trình 14 giờ.
Ngồi thuyền chạy trên hồ Loch Ness, xem màn hình hiện độ sâu lòng hồ đã đạt trên 150m, càng hiểu vì sao người dân ở đây tự hào về Loch Ness: Không chỉ là hồ, đây còn là nhà.
Biển hồ mênh mông tạo nên một vùng xanh mát và là nơi dự trữ lượng nước quý giá cho cao nguyên Scotland. Buổi tối trở lại khách sạn, các nhân viên phục vụ phòng đã tìm ra cách chống nóng hiệu quả cho tôi: cửa sổ hướng Tây được mở hé, thêm chiếc quạt điện nhỏ trắng tinh chễm chệ trên ghế kê cạnh giường.
Thiên đường nước ở Barcelona
Barcelona nằm trong vùng báo động nóng với khách du lịch châu Âu. Nhưng cũng nên đến đây vào mùa hè để thấy tại sao thành phố này lại quanh năm suốt tháng hút khách, tại sao người dân nơi đây lại tôn thờ kiến trúc sư Antoni Gaudi đến thế. Biết bao công trình của Gaudi, hoàn thành hoặc còn dang dở, đều đang là di sản nuôi sống xứ Catalan. 7 tác phẩm kiến trúc của ông đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 1984 - 2005. Và theo con đường các di sản Gaudi để lại ở Barcelona, nơi nào tôi đến cũng thấy nền tảng kiến trúc hài hòa với đời sống dân sinh và vô cùng tiện lợi cho phát triển du lịch.
Đi bộ dưới cái nắng bịn rịn mồ hôi, mới thấy quý biết bao những phút được ngồi nghỉ dưới bóng mát hàng cây cổ thụ. Ngắm các gốc dừa, bụi chuối mọc lên trong thành phố, đôi lúc tôi ngỡ mình đang ở một nơi nào đó tại Đông Nam Á. Nhưng người Tây Ban Nha, đặc biệt là di sản kiến trúc của họ đã tạo ra khác biệt đáng kể ở chỗ: hệ thống thang cuốn, thang máy lên đồi, núi, vào bảo tàng và xuống ga tàu điện ngầm, các vòi nước công cộng giăng mắc khắp nơi.
Khách du lịch thường uống trực tiếp hoặc lấy nước vào chai tại các vòi nước công cộng
Cứ đi bộ nửa cây số lại thấy một vòi nước thiết kế đẹp mắt, một tác phẩm nghệ thuật hoàn chỉnh. Nguồn nước này có thể dùng để rửa mặt, thấm ướt khăn lau mồ hôi và ghé miệng uống trực tiếp. Khách du lịch thường dừng lại đây để đổ đầy chai nước đã cạn, tiếp tục chặng đường tham quan. Cũng nửa cây số lại xuất hiện một khu vườn nho nhỏ cho trẻ em chơi dưới bóng mát các hàng cây, với đầy đủ cầu bập bênh, ván trượt, xích đu... Cạnh các khu vườn này luôn có một vòi nước mát.
Từ các khu phố nhỏ đổ ra những đại lộ lớn La Rambla, Catalunya, rồi tiến sâu hơn vào quảng trường lớn, nhỏ..., đều nghe rào rào các đài phun nước đổ mưa bụi. Mỗi đài phun nước, bên cạnh giá trị nghệ thuật còn có tác dụng giảm nhiệt cho du khách.
Công viên Parc de Montjuic, 8 giờ tối, trời còn sáng trưng và nóng còn chảy thành dòng mồ hôi sau lưng áo, tôi đã thấy cả biển người ngồi trật tự trên các bậc thang hướng ra đài phun nước lớn. Đây chính là La Font Magica - Đài phun nước kỳ ảo. Vào các tháng mùa hè, chương trình nhạc nước bắt đầu từ 21 giờ 30 đến 22 giờ. Ánh sáng, âm nhạc kết hợp sắc màu kỳ ảo xanh, vàng, đỏ, nâu từ các cột nước múa lượn rồi đổ ngọn vào nhau, bay ra những làn hơi mát mỏng như mây khiến không khí dịu hẳn lại.
Và để khách du lịch không nhầm với nước từ các vòi công cộng, tại đài phun nước thường gắn biển "không bơi, không lội, không uống và không thả cá vào đây". Thành phố dùng các đài phun nước công cộng, còn siêu thị, nhà hàng thì bày các lớp đá bào trắng toát trên giá ướp trái cây trưng ra trên phố để khách du lịch được giải nhiệt cả bằng mắt. Thỉnh thoảng, vài người địa phương, lũ trẻ và nhóm khách du lịch mạnh bạo vơ lấy một nắm đá bào lén bỏ lưng áo, ném vào nhau, khúc khích. Như thể người ta đang chơi với tuyết giữa mùa hè Barcelona.
Tưới cây trên vịnh Stokes
Làng Alverstoke nằm sát vịnh Stokes, trông ra hướng Nam của Gosport, thuộc thành phố cảng Portsmouth, nước Anh. Đường biển rực màu sỏi vàng tự nhiên và rêu xanh mướt. Cũng ở làng Alverstoke, đến thăm một người bạn, tôi được thưởng thức món rau xanh trồng ngay trong vườn nhà. Những luống tía tô, ngải cứu, cải xanh, rau muống, những chậu ớt, bạc hà, dấp cá... tươi mướt giữa nắng hè gay gắt. Nước tưới cây không phải nối từ nguồn nước sạch sử dụng trong nhà. Cạnh bếp sẵn xô chậu nhỏ. Rau vừa hái xong đem vào rửa, nước rửa không đổ đi mà trút vào xô chậu mang ra vườn tưới lại cho cây. Ngày mưa, nước rửa rau quả hàng ngày vẫn tích lại trong các thùng nhựa lớn hoặc đổ vào bể nhỏ xây cạnh vườn, phòng khi khô hạn.
Những ngày hè ở Barcelona vừa qua, tôi chỉ băn khoăn một điều, đã sẵn vòi nước công cộng như vậy, sao vẫn có nhiều người da màu rao bán 1 EUR mỗi chai nước nhỏ. Hôm ấy, nghỉ chân mấy tiếng đồng hồ trên ngọn đồi cao giữa Công viên Parc Guell nhìn xuống toàn thành phố Barcelona, tôi thấy người bán nước rong đứng vật vờ cạnh đó chưa kiếm được đồng nào. Ừ, vòi nước công cộng cũng lắp sẵn trên đỉnh đồi rồi còn gì. Chai nước rỗng từ dưới chân đồi của tôi vừa được đổ đầy nguồn nước vòi này. Người ta chỉ còn chú tâm vào việc ngồi duỗi chân ngắm cảnh, lục túi tìm đồ ăn mua sẵn trong siêu thị, nhấp từng ngụm nước mát hứng từ vòi công cộng và thả hồn theo tiếng đàn ghi ta, tiếng ca của một nghệ sĩ hát rong trên đỉnh đồi. Sau mỗi bài hát là tiếng vỗ tay rào rào, tiếng đồng xu va vào nhau leng keng trong chiếc bao da đựng ghi ta. Nghỉ vài phút giữa các bài hát, người hát rong bỗng hắng giọng. Ông gọi người bán nước rong lại như vẫy chào chiến hữu, rót vào tay anh ta đồng 1 EUR và nhận lấy chai nước mát, uống cạn một hơi. |
Khu vườn ở vịnh Stokes này làm tôi nhớ vườn của một người bạn khác tại Berlin (Đức). Vườn chia hai nửa. Nửa vườn này gần bếp và gần mái hiên nên được tưới bằng nước rửa rau vo gạo, nước mưa hứng trong vò gốm lớn. Trông rau xanh tươi hơn hẳn bên kia vườn, những ngày nào nóng cao điểm mới dám nối dây tưới bằng nguồn nước trong nhà. Đợt nóng kỷ lục vừa qua, Bỉ - nước thường có nhiều ngày mưa vào mùa xuân hè - phải khuyến cáo người dân không sử dụng vòi nước tưới cỏ tự động trong vườn nhà, hạn chế thay nước các bể bơi, bể cá...
Người trồng vườn ở Đức, Bỉ, Hà Lan, Anh... gần đây bắt đầu ưa dùng các chậu sành sứ, xi măng xếp chéo lệch lên nhau, nước tưới chậu phía trên thấm cả xuống chậu phía dưới. Nghệ thuật trồng vườn như cách xếp thác ly sâm panh trong đám cưới hiện đại, như kiểu ruộng bậc thang ở Hà Giang, Sapa. Vừa đẹp mắt vừa tiết kiệm nước hiệu quả.
Đi qua những ngày nắng nóng kỷ lục ở Anh, Scotland, Đức, Tây Ban Nha, ra sân bay để trở về nhà, đập vào mắt tôi là những tấm biển quảng cáo vùng Marseille Provence có đến 300 ngày nắng mỗi năm, còn người Bỉ tự hào sô cô la của mình ngon vì không chạm vào nắng nóng. Con người luôn phải tự thích nghi với mọi hoàn cảnh.
Dù nắng hay mưa, dẫu nóng hay lạnh, bóng mát những hàng cây xanh cùng nguồn nước tích lũy sẵn có và tiện ích vẫn là thứ phố phường, làng xóm cũng như các công viên, khu vườn châu Âu trân trọng giữ gìn, tự thưởng cho mình và gọi mời khách đến.
Nguồn: LÂM VĂN/ sggp.org.vn