Lời kêu gọi “chia sẻ các sản phẩm y tế” của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen mới đây đã phần nào cho thấy bức tranh toàn cảnh Liên minh châu Âu trong cuộc chiến chống Covid-19.
Châu Âu đối mặt với tình trạng khan hiếm thiết bị bảo hộ y tế. Ảnh: Reuters |
Kể từ khi dịch Covid-19 lây lan mạnh tại châu Âu, công việc của những nhân viên y tế như bác sĩ Sabrina Ali Benali cũng trở nên vất vả hơn gấp bội phần. Hiện làm việc tại khoa cấp cứu của một bệnh viên tại thủ đô Paris, Pháp, mỗi ngày phải tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân mắc Covid-19, song điều mà bác sĩ Benali lo ngại nhất lúc này là thiếu các trang thiết bị bảo hộ y tế thiết yếu để chiến đấu với dịch bệnh.
“Chúng tôi đã được cấp khẩu trang kháng khuẩn, song lại thiếu các thiết bị bảo hộ khác như áo bảo hộ, dung dịch sát khẩn, kính và cả giày bảo hộ nữa. Tôi đã nghe một số y tá than phiền rằng, họ chiến đấu mà không có vũ khí và họ luôn trong tình trạng lo lắng”, bác sĩ Benali chia sẻ.
Dù là những nước sản xuất chính các trang thiết bị bảo hộ y tế, trong đó có khẩu trang, song Pháp, Đức, Cộng hòa Séc hay Ba Lan cũng lại đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm những thiết bị này.
Có trụ sở tại thị trấn Roanne, cách thủ đô Paris khoảng 400 km về phía Nam, Vlmy SAS, một công ty chuyên về sản xuất thiết bị y tế tại Pháp từ nhiều ngày nay đã phải tăng cường dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng cao. Số nhân công tăng gấp 3 từ 17 lên 55, trong khi năng suất cũng tăng gấp từ 10 đến 11 lần so với giai đoạn bình thường. Nhà máy thậm chí còn phải huy động thêm cả những máy móc đã bị cất kho từ năm 2013.
Trường hợp của công ty Nanospace có trụ sở tại Pisek, cách thủ đô Praha khoảng 100 km về phía Nam lại khác. Nếu như cách đây chưa đầy 1 tuần, lĩnh vực hoạt động chính của công ty là sản xuất ga trải giường sợi nano, thì kể từ khi dịch Covid-19 lân lan rộng tại châu Âu, công ty này đã sản xuất 10.000 khẩn trang bằng sợi nano mỗi ngày cho 2 bệnh viện ở phía Nam của đất nước.
Nguyên nhân của sự khan hiếm hiện nay là do số người mua tích trữ quá lớn, thiếu hụt nguyên liệu (do phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Trung Quốc) hay sản xuất và cung cấp không kịp, do đầu cơ tăng giá trong mùa Covid-19.
Để tránh nguy cơ khan hiếm, Ủy ban châu Âu mới đây đã quyết định kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu khẩu trang sang các nước bên ngoài Liên minh châu Âu.
“Giữa các nước thành viên, cần phải có sự chia sẻ liên quan tới những thiết bị bảo hộ y tế. Một quốc gia cấm xuất khẩu thiết bị này sang các nước thành viên khác là một điều không hề tốt. Không một nước nào có thể tự đáp ứng được toàn bộ nhu cầu. Ngay lúc này đây, Italy đang cần khẩn cấp một khối lượng lớn các sản phẩm y tế, song vài tuần tới chắc chắn sẽ có thêm nhiều nước khác nữa cũng rất cần mặt hàng này”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen khẳng định
Theo quyết định mới nhất, từ nay, mọi hoạt động xuất khẩu trang thiết bị bảo hộ y tế cá nhân đều phải nhận được sự đồng ý của các quốc gia thành viên. Mục đích là nhằm đảm bảo nguồn cung trong khối.
Có thể nói cuộc khủng hoảng y tế hiện nay đang thử thách tình đoàn kết giữa các nước thành viên. Theo Bộ trưởng Y tế Bỉ Maggie De Block, châu Âu cần phải đoàn kết trong việc phân phối khẩu trang y tế. Phong tỏa xuất khẩu giữa các nước thành viên không phải là tinh thần của Liên minh châu Âu.
Tuy nhiên, làm thế nào để đảm bảo việc phân chia công bằng giữa tất cả các nước thành viên? Liên minh châu Âu đã thông báo thiết lập một kho dự trữ khẩn cấp các trang thiết bị y tế như khẩu trang hay máy trợ thở. Với ngân sách đầu tư ban đầu 50 triệu euro, kho dự trữ khẩn cấp này trước mắt sẽ giúp giải quyết nỗi lo khan hiếm trang thiết bị y tế thiết yếu cho các nước đang gặp khó trong cuộc chiến chống Covid-19./.
Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp
Nguồn: VOV.VN