Thứ trưởng Bộ Y tế Ý Pierpaolo Sileri ngày 30-3 nhận định tốc độ lây lan của dịch COVID-19 tại nước này đang chậm lại và có thể đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới. Anh cũng ghi nhận tình hình tương tự.

42 1 Dich Covid 19 Sang 31 3 Y Anh Giam Ca Nhiem Thu Tuong Duc Am Tinh Lan 3

42 2 Dich Covid 19 Sang 31 3 Y Anh Giam Ca Nhiem Thu Tuong Duc Am Tinh Lan 3

Đồ họa: NGỌC THÀNH

* Bản tin cập nhật lúc 9h40 ngày 31-3

Nhật Bản: Thủ tướng, Phó thủ tướng sẽ không dự họp chung

Phó Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Akihiro Nishimura, ngày 31-3 thông báo Thủ tướng và Phó Thủ tướng nước này sẽ tránh tham dự chung một cuộc họp nhằm hạn chế nguy cơ cùng lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

"Thủ tướng (Shinzo) Abe đã thông báo với các thành viên nội các sáng nay rằng Phó Thủ tướng Taro Aso sẽ không tham gia cuộc họp mà Thủ tướng tham gia", ông Nishimura cho biết. 

Trong trường hợp ông Abe không thể điều hành chính phủ, ông Aso sẽ là người chịu trách nhiệm thay thế. 

Nhật Bản hiện có 1.866 ca nhiễm và 54 trường hợp tử vong. Nước này đã yêu cầu người dân không đến 73 quốc gia và cùng lãnh thổ, tức 1/3 số quốc gia trên thế giới

42 3 Dich Covid 19 Sang 31 3 Y Anh Giam Ca Nhiem Thu Tuong Duc Am Tinh Lan 3

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và châu Á giảm tốc vì COVID-19

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 31-3 công bố đại dịch COVID-19 sẽ khiến tăng trưởng của các nền kinh tế Đông Á, Thái Bình Dương và Trung Quốc giảm tốc mạnh.

WB cho biết việc dự đoán chính xác tăng trưởng rất khó khăn vì bối cảnh biến động hiện nay. Tuy nhiên, ở mức cơ sở, tăng trưởng tại các quốc gia đang phát triển trong khu vực sẽ chỉ còn 2,1% trong năm 2020, và trong tình huống xấu nhất là 0,5%.

Tại Trung Quốc, tăng trưởng được dự đoán sẽ chỉ ở mức 2,3% về căn bản và 0,1% ở viễn cảnh tồi tệ nhất.

Cùng ngày, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số thu mua (PMI), không bao gồm hoạt động sản xuất) cảu Trung Quốc đạt 52,3 điểm sau khi giảm còn 29,6 điểm trong tháng 2. Điều này cho thấy hoạt động trong ngành dịch vụ tại đây đang hồi phục trong tháng 3, sau khi sụt giảm mạnh vào tháng trước đó.

Dù vậy, giới quan sát cho rằng doanh nghiệp vẫn cần thêm thời gian để phục hồi sau cú sốc từ đại dịch.

Mexico vượt 1.000 ca nhiễm

Bộ Y tế Mexico ngày 30-3 ghi nhận số ca nhiễm tăng từ 993 lên 1.094, trong khi số trường hợp tử vong tăng từ 20 lên 28 người.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) ghi nhận thêm 125 ca nhiễm mới trong ngày 31-3, nâng tổng số ca COVID-19 tại đây lên 9.786.

Mỹ: số ca nhiễm trong quân đội tăng đột biến

Lầu Năm Góc thông báo đã có 1.087 trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là quân nhân, nhân viên dân sự, người phụ thuộc và các nhà thầu trong lực lượng quân đội, theo Thông tấn xã Việt Nam.

Theo thông báo, số ca nhiễm virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trong lực lượng quân đội Mỹ đã tăng đột biến vào những ngày cuối tuần, từ mức 652 người nhiễm vào hôm 27-3. Trong tổng số ca nhiễm bệnh, có 569 ca là quân nhân tại ngũ, 220 ca là nhân viên dân sự, 190 ca là người phụ thuộc và 64 là lao động hợp đồng. 

Hiện đã có 1 người phụ thuộc và 1 lao động hợp đồng tử vong vì COVID-19.

42 4 Dich Covid 19 Sang 31 3 Y Anh Giam Ca Nhiem Thu Tuong Duc Am Tinh Lan 3

Nhân viên y tế đưa thi thể một bệnh nhân COVID-19 ra khỏi bệnh viện Brooklyn, New York, Mỹ hôm 30-3 - Ảnh: REUTERS

Ý tiếp tục phong tỏa toàn quốc tới Lễ Phục sinh

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngày 30-3, Bộ trưởng Y tế Ý Roberto Speranza thông báo chính phủ sẽ sớm gia hạn lệnh phong tỏa toàn quốc "đến hết Lễ Phục sinh năm nay". Ông Speranza không nêu thời gian cụ thể nhưng Lễ Phục sinh rơi vào ngày 12-4 tới.

Số ca nhiễm mới tại Ý tiếp tục giảm trong ngày 30-3, đánh dấu ngày sụt giảm thứ 5 liên tiếp. Tổng số ca nhiễm tại Ý đã vượt mốc 100.000 người sau khi có thêm 4.050 ca nhiễm mới trong ngày 30-3. Số ca tử vong mới là 812 người, nâng tổng số người chết lên 11.591.

Tổ chức Y tế Thế giới nhận định dịch bệnh đang dần đi vào ổn định ở Ý song cảnh báo 2 tuần tới sẽ là thời gian quyết định thành bại của các biện pháp chống dịch cứng rắn ở nước này. Một số chính trị gia ở Ý thậm chí còn cho rằng chính phủ nên duy trì lệnh phong tỏa hết tháng 4.

Mỹ đưa nhân viên nhà xác quân đội tới New York

Thiếu tướng Jeff Taliaferro thuộc Bộ tham mưu liên quân Mỹ ngày 30-3 xác nhận đã nhận được yêu cầu triển khai nhân viên nhà xác quân đội tới New York từ Cơ quan quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang.

Hiện quân đội Mỹ đang huy động nhân sự. Truyền thông Mỹ trước đó mô tả nhiều người dân ở New York đã bị sốc khi biết tin các nhà xác tại thành phố New York không còn chỗ trống. Chính quyền buộc phải lập các nhà xác dã chiến là những container đông lạnh ngay trên đường phố để chứa xác bệnh nhân COVID-19.

Lần cuối cùng New York lập nhà xác dã chiến kiểu này là trong vụ khủng bố 11-9 khiến hàng ngàn người thiệt mạng năm 2001.

Dịch chậm lại ở Anh

Patrick Vallance, một cố vấn khoa học của chính phủ Anh, ngày 30-3 nhận định lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố hồi tuần trước đã kiềm chặt tốc độ lây lan của virus corona tại nước này.

Số bệnh nhân nhập viện đã ổn định vào mức khoảng 1.000 ca mỗi ngày, ông Vallance cho biết thêm. Tuy nhiên, cần khoảng 2-3 tuần nữa mới có thể xác định được chính xác mức độ lây lan của dịch bệnh.

Vị cố vấn của chính phủ Anh cho biết có khả năng khoảng 3% đã bị nhiễm bệnh nhưng nhiều người không có biểu hiện triệu chứng nào. Số liệu chính thức được công bố ngày 30-3 cho thấy tổng cộng có 22.141 ca nhiễm ở Anh, trong đó 1.408 người đã chết và chỉ mới có hơn 160 người được cho xuất viện.

Thủ tướng Đức âm tính lần 3

Một người phát ngôn của chính phủ Đức ngày 30-3 cho biết Thủ tướng Angela Merkel sẽ tiếp tục làm việc tại nhà bất chấp đã thử nghiệm âm tính ba lần. Bà Merkel tự cách ly và làm việc từ xa vào ngày 20-3 sau khi gặp một bác sĩ nhiễm bệnh COVID-19.

Thủ tướng Anh Boris Johnson hồi tuần rồi xác nhận đã bị nhiễm virus corona mới nhưng cho biết sẽ tiếp tục làm việc tại nhà và sức khỏe hoàn toàn không có vấn đề gì.

Pháp: hơn 3.000 ca tử vong

Tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Pháp đã tăng lên 3.024 người vào ngày 30-3 sau khi có thêm 418 người chết. 

Theo Hãng thông tấn AFP, Pháp đã trở thành quốc gia thứ tư có số người chết vì COVID-19 vượt mốc 3.000 người, sau Trung Quốc, Tây Ban Nha và Ý. 

Nhà chức trách Pháp thừa nhận chỉ tính số người chết trong bệnh viện nên cảnh báo số liệu tử vong có thể sẽ cao hơn trong thời gian tới khi bắt đầu kiểm đếm các ca tử vong trong nhà dưỡng lão. Hiện có 5.107 bệnh nhân trong tình trạng nặng cần hỗ trợ duy trì sự sống ở Pháp.

Tây Ban Nha cấm làm đám ma quá 3 người 

Chính phủ Tây Ban Nha ngày 30-3 đã cấm tổ chức tang lễ rình rang trong mùa dịch corona, kể cả các buổi đọc kinh cầu nguyện tại nhà và tối đa chỉ có 3 người được phép tham gia lễ hạ huyệt hoặc hỏa táng. 

Theo Hãng tin Reuters, hiện Tây Ban Nha là quốc gia áp dụng các biện pháp chống dịch cực đoan nhất châu Âu. Chính quyền Madrid ngày 30-3 cũng noi gương Ý khi ra lệnh ngừng các hoạt động kinh tế không cần thiết trong 2 tuần tới. 

7.340 người đã chết vì COVID-19 ở Tây Ban Nha, biến nước này trở thành quốc gia có số người chết nhiều thứ hai thế giới, sau Ý.

42 5 Dich Covid 19 Sang 31 3 Y Anh Giam Ca Nhiem Thu Tuong Duc Am Tinh Lan 3

Đồ họa: NGỌC THÀNH

42 6 Dich Covid 19 Sang 31 3 Y Anh Giam Ca Nhiem Thu Tuong Duc Am Tinh Lan 3

Đồ họa: NGỌC THÀNH

DUY LINH - NGUYÊN HẠNH

Nguồn: Báo Tuổi trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC