Pháp và Đức đều có số ca nhiễm đã vượt 1.000 người, số ca tử vong tại Italy tăng cao kỷ lục, trong khi Mỹ có 512 ca nhiễm và 21 người tử vong.
Binh sĩ Hàn Quốc phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại một bệnh viện ở Seoul, ngày 4/3. Ảnh: THX/TTXVN
Trung Quốc
Tại Trung Quốc đại lục, nơi dịch bệnh khởi phát, số người mắc mới và tử vong đang tiếp tục đà giảm. Theo cập nhật mới nhất của trang web thống kê dữ liệu trực tiếp toàn cầu Worldometers, đã có 80.703 ca nhiễm COVID-19 và 3.098 trường hợp tử vong tại Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, 57.333 bệnh nhân đã hồi phục và trong số 20.272 trường hợp đang được điều trị có 5.264 bệnh nhân nặng.
Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) ghi nhận ca tử vong thứ ba do COVID-19 trong ngày 8/3 là một nữ bệnh nhân 76 tuổi, sinh sống tại vùng lãnh thổ này, nâng tổng số ca tử vong lên 3 người. Hong Kong cũng có thêm 7 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại đây lên 115 người (59 người đã hồi phục). .
Trong khi đó, tại Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 45 ca nhiễm bệnh, trong đó 7 người đã hồi phục và một trường hợp tử vong.
Nhân viên cứu hộ tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sập khách sạn cách ly người nhiễm COVID-19 ở Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc, ngày 8/3. Ảnh: THX/TTXVN
Các nước châu Á khác
Tại Hàn Quốc, tính trong cả ngày 8/3, nước này ghi nhận thêm 367 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 lên 7.313 trường hợp. Đây là mức tăng thấp nhất kể từ ngày 26/2 và cũng là lần đầu tiên trong 11 ngày qua, số ca nhiễm mới ở Hàn Quốc dưới mức 400 người. Số ca tử vong tại Hàn Quốc hiện là 50 người.
Tại Nhật Bản, tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã lên thành 1.198 ca, trong đó có 696 ca trên du thuyền Diamond Princess đang bị cách ly tại cảng Yokohama. 7 bệnh nhân trên du thuyền đã tử vong, trong khi tại Nhật Bản cũng đã ghi nhận 7 ca tử vong.
Phát khẩu trang miễn phí để phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 7/3. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Iran, Bộ Y tế thông báo nước này vừa ghi nhận thêm 49 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 194 người. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm COVID-19 tăng mạnh thêm 743 người, lên 6.566 người. Hãng thông tấn IRNA của Iran cùng ngày đưa tin hãng hàng không IranAir đã dừng mọi chuyến bay tới châu Âu. IRNA dẫn thông báo của Tổ chức Hàng không Dân dụng Iran nêu rõ: "Do châu Âu đã áp đặt các giới hạn đối với các chuyến bay (của IranAir) vì những lý do không rõ ràng, nên toàn bộ các chuyến bay tới các điểm đến ở châu Âu đã bị hoãn lại cho đến khi có thông báo tiếp theo".
Nhân viên y tế Iran chăm sóc bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại Tehran, ngày 1/3. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại Saudi Arabia, các trường học trên toàn quốc bắt đầu đóng cửa kể từ ngày hôm nay, 9/3 nhằm ngăn ngừa dịch lây lan.
Châu Âu
Tại Italy, số ca nhiễm bệnh trong 24 giờ qua tiếp tục tăng mạnh thêm 1.492 người, nâng tổng số ca lên 7.375 người. Như vậy Italy đã vượt qua Hàn Quốc (7313 ca) trở thành nước có ca nhiễm COVID-19 cao thứ hai trên thế giới, sau Trung Quốc đại lục. Nước này cũng ghi nhận số ca tử vong mới cao kỷ lục, 133 người, nâng tổng số bệnh nhân tử vong lên 366 người.
Hãng thông tấn Adnkronos của Italy dẫn nguồn từ thông báo của Bộ Tham mưu quân đội Italy, Tham mưu trưởng quân đội Italy, tướng Salvatore Farina, đã được xác định dương tính với chủng mới của virus corona (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Hiện ông Salvatore Farina có tình trạng sức khỏe ổn định và đang được cách ly.
Trước đó, ngày 8/3 Thủ tướng Italy Giuseppe Conte đã ký sắc lệnh hạn chế ra vào khu vực tâm dịch, gồm toàn bộ vùng Lombardia và 14 tỉnh. Trong thời gian này, cảnh sát có quyền ngăn chặn công dân ra vào khu vực tâm dịch, nơi các ca nhiễm COVID-19 vẫn đang tiếp tục gia tăng.
Khu vực cách ly điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện Agostino Gemelli, ở Rome, Italy, ngày 3/3. Ảnh: THX/TTXVN
Trong khi đó tại Đức, số trường hợp nhiễm chủng mới của virus Corona đã vượt qua ngưỡng 1.000 người, với cập nhật mới nhất là 1.040 ca, tăng 240 ca so với một ngày trước đó. Ngày 8/3, Bộ trưởng Y tế liên bang Đức Jens Spahn đã yêu cầu hủy tất cả các sự kiện có trên 1.000 người tham dự. Theo đó các hội nghị, hội thảo quy mô lớn; các hội chợ và cả các trận bóng trong khuôn khổ giải bóng đá Bundesliga cũng sẽ bị hủy. Ngoại trừ bang Sachsen-Anhalt, tất cả các bang ở Đức đã có trường hợp lây nhiễm, trong đó nặng nhất là bang Nordrhein-Westfalen có tới gần 500 trường hợp lây nhiễm. Tuy chưa có trường hợp công dân nào tại Đức tử vong, song một người Đức ở Ai Cập, 60 tuổi, đã tử vong vì virus chết người này.
Tại Pháp, giới chức y tế thông báo số ca nhiễm chủng mới của SARS-CoV-2 tại nước này là 1.126 người. Bên cạnh đó, Pháp cũng đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong mới nâng tổng số người tử vong do virus này lên 19 người.
Giới chức y tế Tây Ban Nha báo cáo con số người nhiễm SARS-CoV-2 tại nước này là 647 trường hợp.
Châu Mỹ
Tại Mỹ, 528 người đã được xác định nhiễm bệnh, trong đó có 46 ca trở về từ du thuyền Diamond Princess và 3 ca từ Vũ Hán. Trong ngày 8/3 nước này có thêm 93 ca nhiễm bệnh và con số tử vong đến hiện tại là 21, trong đó có 18 ca tại bang Washington, 2 tại Florida và 1 tại California. Trước tình hình dịch đang lan rộng, ít nhất 8 tiểu bang tại Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp.
Thống đốc bang California Gavin Newsom đã cho phép du thuyền Grand Princess cập cảng ở thành phố Oakland, sau nhiều ngày phải tạm neo ngoài biển. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 6/3 cho biết có 21 người trên tàu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Ảnh: TTXVN phát
Tại Argentina, Bộ Y tế xác nhận trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus SARS-CoV-2. Đây cũng là ca tử vong đầu tiên tại khu vực Mỹ Latinh liên quan tới căn bệnh này. Đến nay Argentina đã ghi nhận 8 trường hợp nhiễm COVID-19 sau khi phát hiện trường hợp đầu tiên ngày 4/3 vừa qua.
Trước những diễn biến dịch nguy hiểm trên phạm vi toàn cầu (với 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đã có ngườ nhiễm bệnh), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh việc áp đặt các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt có thể giúp giảm đáng kể tốc độ lây lan hoặc ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của COVID-19. Theo WHO, Trung Quốc và nhiều nước khác đang chứng minh cho cả thế giới về việc có thể hạn chế tốc độ lây lan và những ảnh hưởng của COVID-19 bằng việc thực hiện các biện pháp kiềm chế và kiểm soát nghiêm ngặt, như huy động toàn xã hội xác định những người nhiễm bệnh và đưa họ đi chữa trị; theo dõi quá trình tiếp xúc; chuẩn bị các bệnh viện và các phòng khám chữa bệnh; đào tạo đội ngũ y tế để ứng phó trong trường hợp số lượng bệnh nhân gia tăng. Việc kiềm chế và làm chậm tốc độ lây lan sẽ giúp các nước có nhiều thời gian hơn để chuẩn bị cho công tác ứng phó với dịch bệnh, hay tìm ra những phương pháp điều trị hiệu quả.
Nhân viên y tế chuẩn bị chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 khỏi Trung tâm điều dưỡng ở Kirkland, bang Washington, nơi được xác nhận có nhiều người nhiễm và tử vong vì virus SARS-CoV-2 ngày 5/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
WHO khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác với tất cả các nước, các đối tác và các chuyên gia y tế để phối hợp các hoạt động, đưa ra những khuyến nghị, phân phối các nguồn cung ứng, chia sẻ kinh nghiệm và thông tin cho công chúng để họ có thể tự bảo vệ mình, cũng như thực hiện các biện pháp khác để phòng chống dịch bệnh.
Thu Hằng/Báo Tin tức