Ước tính trận động đất xảy ra đã khiến 5 người dân thiệt mạng, hơn 370 người bị thương, khoảng 170.000 hộ gia đình tại tỉnh Osaka và tỉnh Hyogo lân cận bị mất điện trong lúc dịch vụ đường sắt bị đình trệ. Đặc biệt, nhiều tuyến đường đã bị sụp đổ nghiêm trọng, dẫn tới việc đi lại trở nên nguy hiểm đối với người dân ở đây.
Ngay sau khi trận động đất xảy ra, chính quyền tỉnh Osaka đã nhanh chóng lên kế hoạch tính toán và khắc phục hậu quả. Phát ngôn của chính phủ Nhật Bản, Yoshihide Suga cho biết sẽ làm “mọi thứ chúng ta có thể” để nhanh chóng khôi phục lại đường xá và hệ thống khí đốt, nước chảy trong khu vực. Đáng kinh ngạc, chỉ 1 ngày sau đó, toàn bộ đoạn đường sụt lún trên đã được sửa chữa hoàn toàn và có thể đi vào hoạt động như bình thường.
Hình ảnh con đường ngày 18/6 và ngày 19/6 vừa qua
Thực ra, đây cũng không phải là lần đầu tiên Nhật Bản sửa đường thần tốc như vậy:
Ngày 8/11/2016, một hố tử thần khổng lồ đột ngột xuất hiện ngay giữa trung tâm thành phố Fukuoka, thuộc phía Tây Nam Nhật Bản. Ước tính hố tử thần này có diện tích lên tới 810m vuông, và sâu tận 15m. Và người Nhật chỉ mất 6 ngày để khắc phục sự cố (bao gồm cả thi công lẫn quá trình nghiệm thu kiểm tra độ an toàn của con đường).
Người Nhật chỉ mất 6 ngày để khắc phục sự cố hố tử thần khổng lồ đột ngột xuất hiện ngay giữa trung tâm thành phố Fukuoka ngày 8/11/2016
Năm 2011, sau khi bị bộ đôi động đất – sóng thần Tohoku phá huỷ đường cao tốc Kanto, người Nhật cũng chỉ mất đúng 6 ngày để biến con đường này trở lại hoạt động bình thường trước con mắt ngạc nhiên của bè bạn quốc tế.
Hình bên trái được chụp vào ngày 11/3/2011. Đến ngày 17, con đường đã được hoàn thiện.
Vì đâu Nhật Bản có thể làm nên điều kỳ diệu?
Trên thực tế, ngay cả ở những quốc gia khác phát triển bậc nhất thế giới, quá trình sửa chữa đường thực sự diễn ra rất chậm. Cũng với một lỗ hổng tương tự, tại thành phố Manchester (Anh), người dân phải đợi tới 10 tháng để con đường được hoàn thiện. Trong khi đó là một trong những con đường lưu thông chính trong thành phố, chứ không phải đường ở làng quê hẻo lánh.
Hay như tại Mỹ, muốn lợp lại bê tông cho 1 làn đường khoảng 150m, họ mất khoảng 3 – 5 tháng, cộng thêm 2 tuần kiểm tra để đưa đường lưu thông trở lại bình thường. Hoặc là tại Đức, khi xong bất kỳ một công đoạn nào, họ sẽ tốn ít nhất là 1 ngày để nghiệm thu công đoạn đó, dù là thủ tục giấy tờ hay đào ống nước. Thậm chí cả khi 1 công đoạn được hoàn thành sớm, các công đoạn tiếp theo cũng không thể bắt đầu trong cùng một ngày được. Nếu muốn đẩy nhanh quá trình, chủ đầu tư sẽ tăng thêm chi phí. Chính vì thế mà để xây một cái nhà vệ sinh tại Đức cũng tốn cả năm trời, và những công ty xây nhanh nhất sẽ có chi phí đắt nhất.
Hố tử thần mất 10 tháng để sửa tại Manchester (Anh)
Nghe có vẻ thật vô lý? Bê tông có thời gian khô như nhau, nhân lực ở Anh, Mỹ hay Đức đều có tay nghề rất cao, vậy tại sao người Nhật có thể làm nhanh trong khi các nước khác lại mất nhiều thời gian đến vậy?
Lý do đầu tiên đến từ quy trình làm việc.
Người Nhật rất chú trọng đến hiệu suất công việc. Họ luôn cắt giảm tối đa những quy trình rườm rà và quy định không cần thiết gây tốn thời gian, giúp quá trình sửa chữa nhanh hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là người Nhật làm ẩu, làm sản phẩm kém chất lượng. Hẳn ai cũng biết những sản phẩm được gắn mác “made in Japan” đều đi liền với niềm tin về chất lượng trên khắp thế giới.
Thứ hai, quá trình phối hợp làm việc của người Nhật quá tốt.
Không phải ngẫu nhiên mà nhân lực Nhật Bản được đánh giá rất cao trên thị trường quốc tế. Người Nhật rất tuân thủ kỷ luật, luôn hành động vì mục tiêu của tập thể thay vì mục tiêu cá nhân. Với một đội ngũ được đào tạo chuyên môn và hợp tác tốt như vậy, thời gian sẽ được rút ngắn đáng kể.
Lý do thứ 3, cũng là lý do quan trọng nhất, đó chính là thái độ làm việc của người Nhật.
Xét về mặt năng suất, người Nhật là một trong những quốc gia có nhân viên làm việc năng suất và chăm chỉ nhất. Các công nhân ở đây sẵn sàng làm việc cật lực cả ngày lẫn đêm để kịp tiến độ công trình. Điều này xuất phát từ quan niệm của người Nhật: không muốn gây ảnh hưởng đến người khác. Vậy nên, dù sửa chữa đường với tốc độ… ánh sáng nhưng Chính phủ và đơn vị thi công vẫn cúi đầu xin lỗi người dân vì đã gây ra sự bất tiện!
Có lẽ đây chính là lý do vì sao Nhật Bản luôn đứng vững trước mọi thảm họa, dù là tự nhiên hay do con người gây nên.
( Nguồn ảnh: Getty)
kenh14