Ủy ban châu Âu (EC) cho rằng Trung Quốc "đang điều hành chiến dịch tin giả gây ảnh hưởng tại EU, khu vực lân cận và trên toàn cầu".
Đây là lần đầu tiên EU công khai "chỉ đích danh" Trung Quốc là nguồn gốc của các thông tin sai lệch.
Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Vĕra Jourová. Ảnh: Ủy ban châu Âu
"Tôi tin rằng nếu chúng ta có bằng chứng, chúng ta không nên né tránh việc chỉ mặt đặt tên", bà Vara Jourová, Phó Chủ tịch EC, nói với các phóng viên.
Cáo buộc trên đánh dấu một sự thay đổi trong cách tiếp cận của EU đối với dịch COVID-19.
Trong một bản báo cáo hồi tháng 3, EU đã nhắc đến Trung Quốc nhưng chỉ đơn thuần cho rằng các thông tin của nước này là chưa đúng sự thật.
Hiện các quốc gia thành viên EU đang vật lộn tìm cách đối phó với Trung Quốc trên nhiều phương diện từ chính sách đối ngoại, an ninh cho đến kinh tế.
EC xác định Trung Quốc là một "đối thủ chiến lược" trong một báo cáo năm 2019 và được nhiều quốc gia thành viên coi là một bước ngoặt trong cách khối này đối phó với một Bắc Kinh đang ngày càng mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, EC cũng ngầm chỉ trích Tổng thống Mỹ Donald Trump vì ý tưởng đưa chất sát khuẩn vào cơ thể để điều trị virus corona. Theo giới chức EC, điều này có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm. Cụ thể, Trung tâm kiểm soát chất độc Bỉ đã ghi nhận các sự cố liên quan đến thuốc chất sát khuẩn tăng 15% trong thời gian gần đây.
Jourová liên tục khen ngợi Twitter vì đã "gắn thẻ chứng thực" vào hai bài đăng trên Twitter gần đây của ông Trump, đồng thời nói rằng bà muốn thấy các công ty truyền thông xã hội khác làm điều tương tự khi xử lý tin giả.
Bà nói: "Hãy hành xử như một chủ tịch, như một nhà ngoại giao, hãy như tôi. Khi chúng tôi (các chính trị gia) nói điều gì đó, chúng tôi phải chịu trách nhiệm về điều đó và sẽ chấp nhận việc bị kiểm tra."
EC lâu nay vẫn luôn khuyến khích các công ty truyền thông xã hội thực hiện theo bộ quy tắc về xử lý tin giả, đồng thời đe dọa sẽ ra thêm quy định nếu họ không hành động.
Báo cáo mới nhất của EC nhấn mạnh yêu cầu các nền tảng phải minh bạch hơn trong việc chia sẻ dữ liệu với các nhà nghiên cứu và tăng cường các công cụ kiểm tra thực tế độc lập.
EC cho biết ứng dụng chia sẻ video Trung Quốc TikTok đã trở thành công ty mới nhất ký cam kết thực hiệt bộ quy tắc này, sau hàng loạt các ông lớn như Facebook, Google, Twitter và Mozilla.
TRẦN THÙY DƯƠNG Theo The Guardian
Nguồn: tienphong.vn