Hầu như toàn bộ các nước thành viên Liên minh châu Âu đã chính thức bước vào thời kỳ dỡ bỏ phong tỏa. Tuy nhiên, việc nới lỏng những hạn chế này lại diễn ra trong sự lo ngại bao trùm về nguy cơ một làn sóng lây nhiễm thứ 2 sau mùa hè.

Liên minh châu Âu (EU) cho rằng các nước chưa thể chủ quan trước Covid-19, cần sẵn sàng cho làn sóng lây nhiễm thứ 2.

Đường cong dịch bệnh giảm và nhiệt độ tăng cao dễ làm nảy sinh tâm lý chủ quan ở một số người, vốn có khuynh hướng không tôn trọng các quy tắc về vệ sinh và giãn cách xã hội.

Dù chỉ được phép khôi phục một phần hoạt động tự do đi lại, trong khi chính phủ tiếp tục khuyến cáo người dân nên làm việc tại nhà, đeo khẩu trang bắt buộc khi tham giao thông công cộng hay thực hiện giãn cách xã hội, song ga tàu điện ngầm Paris hôm 11/5 lại chứng kiến lượng người tham gia tăng cao đột biến, không khác gì so với thời điểm trước phong tỏa.

42 1 Eu Keu Goi Cac Nuoc San Sang Doi Pho Lan Song Lay Covid 19 Thu 2 Điều trị Covid-19 ở Italy. Ảnh: AFP.

Pháp là một trong những nước có số người tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, với hơn 26.600 người, Chính phủ nước này đã phải cảnh báo có thể khôi phục phong tỏa khẩn cấp bất cứ lúc nào.

Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Véran tuyên bố: “Nếu virus tiếp tục bùng phát mạnh mẽ, mà không có sự kiểm soát và gây nguy hiểm cho sức khỏe người dân Pháp, chúng tôi sẽ lại thực hiện các biện pháp phong tỏa như đã làm lúc đầu và đánh giá liệu người dân có bị nguy hiểm hay không?”

Tại Tây Ban Nha, nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, chỉ một phần đất nước được dỡ bỏ phong tỏa trong ngày hôm qua. Nhiều thành phố lớn như Madrid hay Barcelona vẫn phải thực hiện các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt. 

Trong khi đó tại Đức, quốc gia vẫn luôn được xem là một hình mẫu tại châu Âu về quản lý khủng hoảng, thì mốc 50 ca mắc mới trên 100.000 người dân đã bị phá vỡ tại 3 khu vực. Thủ tướng Đức Angela Merkel hôm qua kêu gọi trong giai đoạn dịch bệnh mới này, điều rất quan trọng là người dân phải tôn trọng các quy định: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới của đại dịch và điều quan trọng là phải đảm bảo rằng tất cả mọi người đều tuân thủ các quy tắc cơ bản, tức là giữ khoảng cách, đeo khẩu trang che miệng và mũi, cũng như cho thấy trách nhiệm của mình. Điều này là rất quan trọng.”

Ủy ban châu Âu cùng ngày kêu gọi các chính phủ  sẵn sàng cho nguy cơ một làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ 2. Theo Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Stefan de Keersmaecker, cần phải tận dụng mọi cơ hội để cải thiện các hệ thống giám sát và phải đảm bảo mọi người dân đều hiểu rằng, nguy cơ một làn sóng lây nhiễm có thể xảy ra.

Đối với châu Âu, Hàn Quốc có thể coi là bài học nhãn tiền khi đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 2 Covid-19. Nước này ngày hôm qua ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất trong một tháng qua, trong đó nhiều ca liên quan tới một người đàn ông 29 tuổi, người đã tới 5 hộp đêm ở khu Itaewon đông đúc của Seoul. Chính quyền thành phố Seoul đã buộc phải ban hành lệnh cấm hoạt động đối với tất cả các quán ba và câu lạc bộ đêm, đồng thời lùi ngày trở lại trường của học sinh.

Theo Tạp chí phố Wall, các ca nhiễm mới xuất hiện sau nhiều ngày không có ca lây nhiễm nào trong cộng đồng tại Hàn Quốc minh họa cho chặng đường khó khăn và đầy “cạm bẫy” mà các nước đang phải trải qua trong quá trình khôi phục đời sống bình thường.

Giáo sư Kaus Cichutek thuộc viện Paul-Ehrlich của Đức thì cho rằng, vấn đề không phải là liệu một làn sóng lây nhiễm thứ 2 có xảy ra hay không, mà là sẽ xảy ra khi nào. Theo ông, vaccine là câu trả lời duy nhất về dài hạn, song đây lại là vấn đề cần phải có thời gian. Còn trong lúc này, người dân cần luôn sẵn sàng tâm lý có thể một lần nữa phải sống dưới sự phong tỏa để có sự phòng ngừa tốt hơn./.

Theo Thu Hoài / vov.vn

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC