Lãnh đạo các nước G7 và các khách mời tham dự cuộc họp thượng đỉnh tại Borgo Egnazia, miền nam Ý, ngày 14/06/2024. AP - Alex Brandon
Tuyên bố chung của nhóm G7 có đoạn:
‘‘ Hậu thuẫn không suy giảm của Trung Quốc cho nền công nghiệp quân sự Nga cho phép quốc gia này tiếp tục cuộc chiến tranh bất hợp pháp tại Ukraina… Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc ngừng chuyển giao các phương tiện lưỡng dụng (có thể được sử dụng cho mục tiêu quân sự và dân sự), và đặc biệt là các khí tài, thiết bị quân sự, và các vật tư cho lĩnh vực quốc phòng Nga’’.
Nhóm bảy cường quốc công nghiệp cũng khẳng định tất cả cá nhân và tổ chức nào, đặc biệt là các định chế tài chính, giúp Nga có được các sản phẩm hay phương tiện phục vụ cho ngành quân sự của nước này ‘‘đều bị coi là hậu thuẫn cho các hành động phá hoại toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền quốc gia và nền độc lập của Ukraina’’. G7 cảnh báo sẽ áp dụng các biện pháp ‘‘mà luật pháp cho phép’’, để trừng phạt các cá nhân, tổ chức, đặc biệt là ‘‘các thực thể Trung Quốc’’ tham gia vào các hoạt động nói trên.
Về hồ sơ Trung Quốc ‘‘trợ giá xuất khẩu’’ gây tình trạng ‘‘sản phẩm dư thừa’’, tuyên bố chung của G7 không trực tiếp nhắc đến tên Trung Quốc, nhưng khẳng định quyết tâm phối hợp hành động để khắp phục tình trạng ‘‘sản phẩm dư thừa trên quy mô toàn cầu trong các lĩnh vực trọng điểm’’, là một trong những nguyên nhân làm trầm trọng thêm ‘‘tình trạng lệ thuộc chiến lược’’ và ‘‘ngăn cản sự phát triển bền vững của các quốc gia đang trỗi dậy’’.
Biển Đông: G7 lên án Trung Quốc đe dọa tự do hàng hải
An ninh tại Biển Đông là một nội dung trong tuyên bố chung của G7. Tuyên bố chung của G7 lên án đích danh Trung Quốc để ‘‘hải cảnh và dân quân biển có các hoạt động nguy hiểm tại Biển Đông, và liên tục cản trở quyền tự do hàng hải tại vùng biển này’’. G7 ‘‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’’ trước các hành động bạo lực gia tăng của Trung Quốc nhắm vào tàu thuyền Philippines.
G7 tái khẳng định ‘‘các yêu sách bành trướng chủ quyền’’ của Bắc Kinh ở Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, và Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cùng phán quyết ngày 12/06/2016 của Tòa Trọng tài Thường trực, bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc, mang tính bắt buộc về pháp lý, cần được coi là cơ sở để ‘‘giải quyết hòa bình các tranh chấp’’.
Theo RFI