Phát biểu tại cuộc họp báo lúc 15h ngày 28-8, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe xác nhận sẽ từ chức vì cần tập trung điều trị bệnh viêm đại tràng mãn tính - cũng là nguyên nhân cho lần từ chức đầu tiên vào năm 2007, chỉ một năm sau khi ông Abe đắc cử.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bước đi sau cuộc họp báo xác nhận quyết định từ chức ngày 28-8 - Ảnh: Reuters
Vì một nước Nhật
Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, ông Abe có một giấc mơ riêng, vì một nước Nhật như ông hình dung. Giấc mơ về một nước Nhật như vậy, ít nhất về an ninh và chính trị, chịu ảnh hưởng lớn từ ông ngoại của ông - cố thủ tướng Nobusuke Kishi.
Ông Kishi là bộ trưởng nội các Nhật từng ngồi tù trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, giữ ghế thủ tướng từ năm 1957 tới 1960 trước khi từ chức vì dư luận phản đối việc tái đàm phán hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.
Hãng tin Reuters ngày 28-8 nhắc lại một chi tiết nổi tiếng rằng từ khi mới 5 tuổi, khi ngồi trên đùi ông ngoại, ông Abe đã lắng nghe những lời phản đối ấy bên ngoài quốc hội. Ông Kishi đã cố gắng sửa hiến pháp 1947 của Nhật do Mỹ soạn, với mong muốn đưa Nhật Bản lên thành một đối tác an ninh đồng đẳng với Mỹ, cũng như nắm quyền thể hiện một chính sách đối ngoại quyết đoán hơn.
Hai vấn đề này sau đó là trọng tâm trong chính sách của cháu ngoại ông, Thủ tướng Abe.
Tuy nhiên trong gần 8 năm qua, ông Abe dù đã nỗ lực rất nhiều vẫn chưa thể sửa đổi hiến pháp, chưa thể hoàn toàn tái định nghĩa vai trò của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (SDF). Ông cũng để lại câu chuyện dở dang về "Bộ tứ kim cương" (QUAD) ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Và Thế vận hội Tokyo 2020 đã bị hoãn vì COVID-19.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ từ các cơ quan truyền thống lớn ở Nhật Bản cho biết người kế nhiệm ông Abe sẽ phải quyết định liệu có hủy hẳn kỳ Olympic này hay không, và bản thân quyết định này đã là thứ mà ông Abe không đủ can đảm đưa ra.
Quan trọng hơn, Nhật Bản đang đối mặt với thời kỳ suy thoái sâu sắc nhất kể từ những năm 1950, và điều này càng khiến nhiều người nghi ngờ hơn về nền kinh tế Abe (Abenomics).
Đồ họa: T.ĐẠT
Di sản để lại
Tuy nhiên, nói như Bloomberg, sẽ thật sai lầm khi bỏ qua những thành công của Abenomics cũng như các di sản của Thủ tướng Abe nói chung. Cụ thể hơn, hãng tin Mỹ nhận xét rằng di sản của Abenomics sẽ tồn lại lâu hơn nhiệm kỳ của ông Abe, sẽ là bài học cho các nhà lãnh đạo tương lai của nước Nhật cũng như các nhà hoạch định chính sách toàn cầu.
Trong 8 năm qua, Abenomics có lúc đã rực rỡ, trải qua giai đoạn tăng trưởng dài nhất kể từ năm 1945. Các công ty đón nhận lợi nhuận cao kỷ lục, số lượng du khách quốc tế bùng nổ khi Tokyo đứng trước cơ hội tổ chức Olympic.
Cá nhân ông Abe cũng được khen ngợi với tài chèo chống khi đã xây dựng hình ảnh một lãnh đạo đẳng cấp, khi chiến thắng cuộc bầu cử trong bối cảnh toàn cầu chịu ảnh hưởng từ làn sóng chủ nghĩa dân túy.
Trong nhiệm kỳ của ông, dân số Nhật Bản già hóa nhưng đây lại là lúc Thủ tướng Abe biến nguy thành cơ, để lại di sản bằng việc nâng cao vai trò của phụ nữ trong công việc, xã hội. Một sáng kiến khác mang tên "Womenomics" được đưa ra để vừa giúp giải quyết thiếu hụt lao động, vừa góp phần xử lý vấn đề bất bình đẳng giới.
Câu chuyện về phụ nữ, cũng như những vấn đề khác, tiếc thay vẫn chỉ là giấc mơ còn dở dang của ông Abe.
2.799
Hôm 24-8, ông Abe (65 tuổi) đã đánh dấu ngày thứ 2.799 làm việc ở tư cách thủ tướng Nhật Bản, qua đó trở thành vị thủ tướng có thời gian phục vụ liên tiếp dài nhất lịch sử nước này.
4 ứng viên thay ông Abe
1. Fumio Kishida
Sinh ngày: 29-7-1957
Vị trí hiện tại: Thành viên Hạ viện của Đảng Dân chủ tự do (LDP)
2. Shigeru Ishiba
Sinh ngày: 4-2-1957
Vị trí hiện tại: Thành viên Hạ viện của Đảng Dân chủ tự do (LDP)
3. Yoshihide Suga
Sinh ngày: 6-12-1948
Vị trí hiện tại: Chánh văn phòng nội các và truyền thông, thành viên Hạ viện của Đảng Dân chủ tự do (LDP)
4. Tar Kno
Sinh ngày: 10-1-1963
Vị trí hiện tại: Bộ trưởng quốc phòng, thành viên Hạ viện của Đảng Dân chủ tự do (LDP)
(Theo nguồn thạo tin của Tuổi Trẻ ở Nhật Bản)
Tình cảm đặc biệt với Việt Nam
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Shinzo Abe khánh thành không gian văn hóa Việt Nam - Nhật Bản ở phố cổ Hội An tối 11-11-2017 - Ảnh: TTXVN
Tôi nhớ trong cuộc gặp gỡ đầu tiên của Thủ tướng Shinzo Abe với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông có kể trong nhiệm kỳ đầu làm thủ tướng năm 2006, ông đã thăm Việt Nam và sau khi ông không làm thủ tướng nữa từ 2007, ông vẫn đi thăm Việt Nam và được các lãnh đạo Việt Nam vẫn đón tiếp rất thân tình như những người bạn.
Ông Abe kể những lãnh đạo Việt Nam sang thăm Nhật Bản đều dành thời gian bận rộn tiếp ông, từ đó ông rút ra một điều là người Việt Nam rất chân tình và thủy chung với bạn bè. Đó chính là lý do mà ông ngay sau khi được bầu lại làm thủ tướng lần thứ hai vào tháng 12-2012, ông đã chọn ngay Việt Nam là nước ngoài đầu tiên ông đi thăm vào tháng 1-2013.
Ông Abe cũng nhiều lần nói với lãnh đạo Việt Nam rằng cá nhân ông rất coi trọng Việt Nam và có tình cảm đặc biệt với Việt Nam. Nhật Bản dưới thời Thủ tướng Abe rất coi trọng vai trò và vị thế Việt Nam ở khu vực và trên trường quốc tế. Bằng chứng là Nhật đã mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lần đầu tiên tham dự Hội nghị cấp cao G7 mở rộng vào tháng 5-2016, qua đó cũng giúp Việt Nam có tiếng nói chung vào những công việc không chỉ mang tầm khu vực mà cả tầm toàn cầu.
Mặc dù rất bận rộn nhưng ông luôn dành cho các lãnh đạo Việt Nam sự đón tiếp ân cần và nhiều khi vượt ra ngoài khuôn khổ lễ tân của Nhật Bản. Ông cũng luôn cố gắng đáp ứng tích cực hầu như tất cả các đề nghị của lãnh đạo Việt Nam trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực.
Lãnh đạo hai nước đều khẳng định quan hệ Việt - Nhật đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, trong đó phải ghi nhận sự đóng góp rất quan trọng của cá nhân Thủ tướng Shinzo Abe.
Chúng ta quan tâm tới sức khỏe của ông Abe, luôn mong muốn mọi điều tốt đẹp và ông sẽ sớm bình phục. Còn về triển vọng quan hệ hai nước, tôi có thể khẳng định chắc chắn một điều rằng cho dù ai lên làm thủ tướng thay ông Abe, quan hệ Việt - Nhật vẫn sẽ giữ vững đà phát triển ổn định như hiện nay và Nhật Bản vẫn luôn coi trọng vai trò và vị trí của Việt Nam ở cả khu vực và quốc tế.
Ở Nhật Bản có nhiều đảng phái khác nhau: đảng cầm quyền và các đảng đối lập. Họ có lập trường khác nhau trên nhiều vấn đề đối nội và cả đối ngoại, nhưng điều đặc biệt là tất cả các đảng phái khác nhau đó ở Nhật Bản lại đều ủng hộ việc phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước chúng ta.
NGUYỄN QUỐC CƯỜNG (đại sứ tại Nhật Bản nhiệm kỳ 2015 - 2018) - KHOA THƯ ghi
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online