Khoảng 1 tuần sau khi nhà chức trách Iran xác nhận ca nhiễm virus corona đầu tiên ở nước này, số người mắc bệnh đã nhanh chóng tăng lên 388, trong đó 34 người đã tử vong, theo công bố của Bộ Y tế Iran.
Mặc dù vậy, việc các quan chức cấp cao của Iran có kết quả dương tính với virus corona đã làm dấy lên những câu hỏi đối với số liệu thống kê chính thức.
Một số nhà nghiên cứu hoài nghi và cho rằng con số nhiễm bệnh thực sự tại Iran cao hơn nhiều lần.
Chuyên gia hoài nghi về số ca nhiễm bệnh thực tế
Trong khi Iran đang vật lộn ngăn chặn sự lây lan của virus corona, các chính phủ lân cận, trong đó có Iraq và Saudi Arabia đã đóng cửa những địa điểm tôn giáo lớn nhất thế giới và hủy bỏ các buổi cầu nguyện.
"Thế giới nay thấy rõ tình trạng bệnh tật ở Iran là rất tồi tệ", Isaac Bogoch, chuyên gia bệnh truyền nhiễm từ Đại học Toronto, đồng chủ biên một báo cáo về tình hình dịch bệnh ở Iran, nhận định. Chuyên gia này cho rằng dịch bệnh đã hoành hành ở Iran từ khoảng 1 tháng trước.
Ông Bogoch cùng các cộng sự tại Đại học Toronto và Đại học Y tế công cộng Dalla Lana ước tính số ca nhiễm virus corona ở Iran có thể rơi vào khoảng 23.000 người. Nếu sử dụng mô hình tình toán của dịch cúm lợn năm 2009, các nhà khoa học ước tính số người nhiễm bệnh có thể lên tới 41.280 ca. Độ tin cậy của mô hình này là 95%.
Nhân viên y tế khử trùng một cơ sở tôn giáo ở Iran. Ảnh: AP.
Trong một cuộc tranh luận trên truyền hình hôm 27/2, Thứ trưởng Y tế Iran Qassem Janbabaei khẳng định Tehran không che giấu số liệu về virus corona.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới WHO chưa ước tính tỷ lệ tử vong tại Iran. Mike Ryan, giám đốc điều hành phụ trách chương trình y tế khẩn cấp, hôm 27/2 dự đoán số ca được phát hiện ở Iran sẽ tiếp tục tăng, khi nước này tăng cường các biện pháp kiểm tra y tế.
Ít nhất 10 quốc gia đã phát hiện những ca lây nhiễm có liên quan đến việc đi tới Iran, chủ yếu là người hành hương tới thăm thánh địa Qom. Canada hôm 28/2 cho biết ca nhiễm thứ 4 tại nước này, một nam công dân ngoài 50 tuổi, đã có chuyến đi ra nước ngoài gần đây, trong đó Iran là một điểm dừng chân.
Quan chức Iran lần lượt nhiễm bệnh
Các quan chức Iran đang trở thành nạn nhân của virus corona. Người đầu tiên được xác nhận dương tính với virus là một quận trưởng ở thủ đô Tehran.
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Iran Iraj Harirchi, người đứng đầu nhóm công tác ngăn ngừa dịch bệnh, được xác nhận nhiễm virus corona. Trước đó, ông này đã có biểu hiện sốt và toát mồ hôi liên lục khi tham gia một cuộc họp báo trực tiếp trên truyền hình.
Hôm 28/2, Phó tổng thống Masoumeh Ebtekar phụ trách các vấn đề phụ nữ được thông báo nhiễm virus corona. Bà Ebtekar là quan chức cấp cao nhất của Iran đến nay được xác nhận nhiễm bệnh.
Một loạt các quan chức khác của Quốc hội Iran cũng đã xác nhận nhiễm virus corona, trong đó có chủ tịch ủy ban an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Mojtaba Zonnouri. Tới nay, ít nhất 4 thành viên Quốc hội Iran đã có kết quả dương tính với virus.
Trong một nỗ lực ngăn chặn sự bùng phát của virus, Iran hôm 28/2 đã hủy bỏ buổi cầu nguyện tại thủ phủ của 23 trong tổng số 31 tỉnh của nước này. Bộ Y tế Iran cảnh báo sẽ có thêm nhiều ca nhiễm mới được xác nhận trong những ngày tới.
Phó tổng thống Iran Masoumeh Ebtekar đã nhiễm virus corona. Ảnh: AFP.
Các trường học đã được lệnh đóng cửa từ nay cho tới ít nhất là ngày 2/3. Iran cũng quyết định trả tự do cho các tù nhân ít nghiêm trọng và tù nhân bị bệnh, nhân dịp năm mới của người Ba Tư trong tháng 3 để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Tuy nhiên, một số giáo sĩ và tín đồ đã chống lại mệnh lệnh tránh xa các di chỉ tôn giáo và đền thời. "Chúng tôi có một tuần khó khăn ở phía trước. Tôi cầu xin người dân hợp tác nhiều hơn với chính phủ và giúp giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm", Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki phát biểu trên truyền hình.
Người dân từ chối xét nghiệm
Các quan chức Iran đã xác định thành phố Qom, một thánh địa đối với người Hồi giáo Shiite, là nguồn cơn của sự bùng phát virus corona. Thành phố Qom không có sân bay quốc tế, vì vậy nhiều khả năng virus đã xâm nhập vào Iran thông qua sân bay quốc tế sở thủ đô Tehran, trước khi lan truyền tới Qom.
Theo số liệu của WHO, tỷ lệ tử vong của bệnh nhân nhiễm virus corona là khoảng 2,9%. Tuy nhiên, theo số liệu mới nhất Iran công bố, tỷ lệ tử vong vì virus corona ở nước này cao hơn khoảng 3 lần so với trung bình của toàn thế giới.
"Dựa trên số ca tử vong đã được thông báo, dường như chắc chắn là số ca nhiễm bệnh thực tế cao hơn nhiều lần so với những gì được phát hiện và được báo cáo", Malik Peiris, chuyên gia cao cấp về virus học của Đại học Hong Kong, nhận định. Ông Peiris là người đã nghiên cứu về cách thức virus phán tán.
Sự hoài nghi về tính chính xác trong thông tin mà Tehran công bố đang tăng lên, trong bối cảnh niềm tin của công chúng vào chính quyền trung ương suy giảm. Trước đó, chính quyền Iran đã mất mặt khi nỗ lực che giấu thông tin về việc bắn rơi một máy bay của hãng hàng không Ukrainian International khiến 176 người thiệt mạng bị đổ bể.
Tỷ lệ tử vong chênh lệch bất thường giữa Iran và các quốc gia khác là một cơ sở để giới chuyên gia hoài nghi về quy mô lây nhiễm ở Iran. Hiện chưa rõ sự khác biệt này là do chính phủ Iran phong tỏa số liệu, hay chỉ đơn giản là bởi Tehran không có đủ khả năng chẩn đoán chính xác tất cả những cả nhiễm virus. Hôm 28/2, Trung Quốc đã vận chuyển 20.000 bộ dung cụ xét nghiệm virus corona tới Iran.
"Yếu tố nhiều khả năng xảy ra nhất là dịch bệnh này không được chú ý và không bị phát hiện khi xâm nhập Iran, vì vậy quy mô lây nhiễn có thể rộng hơn nhiều so với những gì chúng ta tìm ra", ông Ryan của WHO nhận định.
Tình trạng thiếu thốn thiết bị y tế dẫn tới các cuộc biểu tình của y bác sĩ bên ngoài một bệnh viện ở thành phố Amol hôm 27/2, hãng thông tấn ILNA do chính phủ kiểm soát cho biết.
Iran xác nhận 388 người nhiễm virus corona, trong đó 34 người đã tử vong. Ảnh: Getty.
Trong khi đó, một số công dân Iran đã phản đối việc tiến hành xét nghiệm. Một phụ nữ ở Tehran cho biết con gái 20 tuổi của bà có các biểu hiện giống như nhiễm virus corona, tuy nhiên gia đình đã cách ly cô gái và từ chối tiến hành xét nghiệm, do lo ngại cô gái có thể nhiễm virus từ bệnh viện.
Khi gia đình này tìm kiếm lời khuyên từ một người bạn là bác sĩ, họ phát hiện vị bác sĩ và vợ đang ốm nặng với các vấn đề về hô hấp. Gia đình bác sĩ nói trên cũng đang tự cách ly mà không tiến hành xét nghiệm.
Iran từ chối trợ giúp của Mỹ
Theo một số phóng viên từ Iran, nhà chức trách đang mạnh tay giới hạn các hãng thông tấn tư nhân đưa tin về tình trạng viurs corona bùng phát.
Một biên tập của hãng Qom News cho biết đã bị công kích dữ dội trên Twitter bởi các tài khoản cả từ Iran cũng như nước ngoài vì đưa tin về virus corona.
Trong khi đó, nhà chức trách đã bắt giữ hàng chục người với cáo buộc lan truyền tin đồn về virus. Trong số những vụ bắt giữ có một người bị cáo buộc làm giả đoạn ghi âm Thứ trưởng Bộ Y tế Harirchi cho biết số ca nhiễm virus corona cao hơn nhiều so với công bố chính thức. Ông Harichi hiện đã nhập viện vì nhiễm virus corona.
Chính phủ Mỹ hôm 28/2 đã chính thức gửi lời đề nghị trợ giúp Iran ứng phó với sự bùng phát của virus corona. Thông điệp được Ngoại trưởng Mike Pompeo gửi tới Tehran thông qua Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ. Ông Pompeo đề nghị Iran phối hợp toàn diện và minh bạch với các tổ chức cứu trợ và y tế thế giới.
Ngoại trưởng Pompeo không nêu cụ thể hình thức hỗ trợ nào được Mỹ đề xuất, tuy nhiên nhấn mạnh các biện pháp trừng phạt đơn phương của Iran không nhắm vào hình thức viện trợ y tế và nhân đạo. Ông Pompeo cũng cho biết các kênh trao đổi nhân đạo đã được thiết lập với Thụy Sĩ để cung cấp hàng hóa và nhu yếu phẩm cần thiết tới Iran.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Iran đã bác bỏ đề xuất của Mỹ, cho rằng việc Washington đề nghị hỗ trợ chống lại virus corona là điều "nực cười", trong bối cảnh Mỹ đang duy trì nhiều lệnh trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với chương trình hạt nhân của Iran.
Theo Zing