Truyền thông nhà nước cho thấy các học sinh mặc trang phục truyền thống Trung Quốc xuất hiện trong lớp học của một trường tiểu học ở Nội Mông, nhưng người dân địa phương cho rằng đó là một màn dàn dựng. (Ảnh chụp màn hình)
Theo The Epoch Times, sự giận dữ lan rộng bắt đầu bùng lên tại khu vực Nội Mông, phía bắc Trung Quốc vào tuần trước sau khi chính quyền thông báo rằng họ sẽ chỉ dạy duy nhất tiếng Quan Thoại tại các trường địa phương và thay thế sách giáo khoa tiếng Mông Cổ bằng sách giáo khoa tiếng Trung tiêu chuẩn cho các môn học chính từ lịch sử, chính trị, cho đến văn học.
Quan Thoại vừa là thổ ngữ và vừa là ngôn ngữ chính thức mà phần lớn người Hán tại Trung Quốc sử dụng. Chính sách mới khiến người dân tộc thiểu số Mông Cổ trong khu vực sợ rằng nó sẽ dần dần xóa sổ nền văn hóa và bản sắc dân tộc của họ.
Các video lan truyền trên mạng cho thấy trong tuần qua, rất đông học sinh, giáo viên và phụ huynh tập trung tại các sân trường địa phương, hát và hô khẩu hiệu bằng tiếng mẹ đẻ của mình và từ chối quay trở lại lớp học.
Theo nhóm vận động ở New York thuộc Trung tâm thông tin nhân quyền Nam Mông Cổ (SMHRIC), chỉ riêng tại thủ phủ Hohhot (Hô Hoà Hạo Đặc) của Nội Mông, đã có khoảng 20.000 người ký vào bản kiến nghị chống lại các hướng dẫn giáo dục mới. Các video do nhóm này phát hành cho thấy nhiều xấp dày các bản kiến nghị đã được ký cùng với dấu vân tay màu đỏ, một phương pháp nhận dạng phổ biến ở Trung Quốc.
Ông Enghebatu Togochog, giám đốc SMHRIC, ước tính có hàng trăm ngàn người dân tộc Mông Cổ đã ký bản kiến nghị, lưu ý rằng chỉ riêng “một cộng đồng nông thôn nhỏ vùng sâu vùng xa” đã có 2.700 người ký. Ông cho biết số lượng học sinh tham gia đình công ở trường học có thể lên đến 300.000 người.
Ông nói với The Epoch Times rằng: “Xem xét việc tổng động viên của toàn bộ xã hội Nam Mông Cổ lần này, có thể nói rằng gần như toàn bộ dân chúng Nam Mông Cổ đã tham gia vào phong trào bất tuân dân sự bất bạo động quy mô lớn dưới nhiều hình thức.” Dữ liệu mới nhất của chính phủ từ năm 2010 đến 2015 cho thấy có khoảng 4,2 – 4,3 triệu người dân tộc Mông Cổ sống tại khu vực này, chiếm khoảng 17,1% dân số.
Trong số những người ký tên có 300 nhân viên của đài truyền hình nhà nước Nội Mông, Đài truyền hình và phát thanh Nội Mông đặt tại Hohhot. Một đoạn video đang lan truyền nhanh chóng cho thấy từng người một đã ký tên và in dấu vân tay dọc theo đường viền một vòng tròn trong phòng hội nghị được trang trí bằng bức tranh thư pháp có nội dung “Truyền thông Đảng phải mang họ của Đảng.”
Khoảng 2.600 sinh viên đại học ở Nội Mông đã ký một lá thư chung gửi chính phủ Trung Quốc để phản đối chính sách ngôn ngữ mới. (Ảnh chụp màn hình / Trung tâm Thông tin Nhân quyền Miền Nam Mông Cổ)
Đàn áp thẳng tay
Chính quyền cộng sản Trung Quốc đã phản ứng nhanh chóng đối với các cuộc đình công bằng cách huy động cảnh sát địa phương và bắt giữ các nhà hoạt động.
Chỉ riêng tại một quận của thành phố Tongliao, gần 140 người dân tộc Mông Cổ đã bị buộc tội “gây rối và kích động gây rối”, một tội danh thường dùng cho những người bất đồng chính kiến.
Thông báo của chính quyền và trường học yêu cầu các nhân viên chính quyền người dân tộc Mông Cổ tại nhiều khu vực phải đưa con cái của họ trở lại trường học và đe dọa sẽ kỷ luật nghiêm khắc nếu họ không tuân theo.
Từ ngày 29/8 đến 2/9, Bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc Triệu Khắc Chí đã công du một vòng các văn phòng cảnh sát tại Nội Mông. Phát biểu sau đó, ông nói với cảnh sát địa phương “phải tuân theo sự lãnh đạo của ĐCSTQ trong bất kể tình huống nào” và “thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn khủng bố”. Ông nói họ phải chiến đấu “một cuộc chiến gay go” trước mắt với “một bàn tay sắt”.
Theo tờ Bitter Winter, một tạp chí trực tuyến về tự do tôn giáo và nhân quyền tại Trung Quốc, hai phụ huynh, một cô giáo và chồng cô được cho là đã tự tử. Ông Togochog đưa số người chết hiện tại lên bốn.
Ông Togochog nói “Một cuộc săn lùng và bắt giữ người quy mô lớn đang diễn ra, nhưng những người dân Nam Mông Cổ quyết tâm liều mạng để đối mặt với mọi thách thức phía trước.”
Tuyên truyền giả dối
Các cơ quan tin tức nhà nước đăng những bức ảnh cho thấy trẻ em trong trang phục truyền thống Mông Cổ hoặc đồng phục học sinh đang đọc sách và chơi trong các trường tiểu học khác nhau ở Hohhot, được cho là ngày đầu tiên trở lại trường sau kỳ nghỉ hè.
Tuy nhiên, người dân địa phương gọi đó là những cảnh dàn dựng. Họ cho biết chính quyền đã “mượn” những học sinh người Hán làm diễn viên. Bà Suwdaa (bí danh) ở địa khu Xilingol (Tích Lâm Quách Lặc) phía đông của khu vực Nội Mông nói với The Epoch Times rằng “Những đứa trẻ này sẽ “trình diễn” từ nơi này sang nơi khác.” Bà cũng lưu ý một số đứa trẻ mặc quần áo trình diễn thay vì quần áo hàng ngày.
Bà nói thêm “Nhiều trường học Mông Cổ ở Nội Mông trống vắng bởi vì học sinh chưa quay trở lại.” Bà Suwdaa cho biết mặc dù các quan chức Trung Quốc nói rằng chính sách mới sẽ không ảnh hưởng việc dạy tiếng Mông Cổ, nhưng những “thay đổi lớn” trong sách giáo khoa mới cho thấy những lời hứa này là sáo rỗng.
Bà cho biết một bài thơ dân gian phổ biến thể hiện niềm tự hào về văn hóa và ngôn ngữ của họ mà nhiều thanh niên dân tộc Mông Cổ có thể đọc thuộc lòng đã bị bỏ ra khỏi sách giáo khoa. Các bài hát ca ngợi các anh hùng lịch sử cũng bị thay thế bởi các bản nhạc ballad Trung Quốc.
Các giáo viên được yêu cầu nói chuyện với từng phụ huynh để đưa con cái họ quay trở lại trường. Bà cho biết “Có vô số cuộc gọi và tin nhắn. Phụ huynh sẽ không chấp nhận điều này.”
Một giáo viên giấu tên ở địa khu Xilingol cho biết một cảnh sát địa phương người dân tộc Mông Cổ đã bị đình chỉ công tác vì phản đối chính sách này. Các quan chức phụ trách kỷ luật cũng tìm từng giáo viên để “nói chuyện”. Một số giáo viên đã chuẩn bị cho khả năng bị sa thải.
“Bây giờ chúng tôi, phụ huynh, học sinh, giáo viên và người dân Mông Cổ, đều chung một lòng trong mọi lĩnh vực xã hội. Chúng tôi chưa bao giờ đoàn kết như thế.”
Theo The Epoch Times
Gia Huy dịch và biên tập