Ảnh camera sân bay Kuala Lumpur:
Một số chuyên gia phân tích được đài truyền hình Mỹ CNN trích dẫn đã tỏ ý tiếc rằng, một lần nữa, một hành vi sát nhân rõ ràng với nhiều dấu hiệu cho thấy chế độ Bình Nhưỡng là chủ mưu, lại không bị trừng phạt.
Vụ ám sát Kim Jong Nam vào tháng 2 năm 2017 tại phi trường quốc tế Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, đã gây sốc do tính chất táo bạo, liều lĩnh và tàn nhẫn, được thực hiện giữa thanh thiên bạch nhật, trước mắt đám đông cũng như camera giám sát rất nhiều trong sân bay.
Hai nữ nghi phạm - Đoàn Thị Hương, người Việt Nam, và Siti Aisyah, quốc tịch Indonesia – cùng với 4 người đàn ông Bắc Triều Tiên đã bị buộc tội bôi chất độc thần kinh VX lên mặt Kim Jong Nam khi ông này đi vào sân bay thủ đô Malaysia, khiến nạn nhân bị chết sau vỏn vẹn vài phút.
Bốn người Bắc Triều Tiên đã trốn thoát, chỉ có hai nữ nghi phạm bị bắt và đưa ra xét xử. Trước tòa, hai người nhất mực cho rằng họ đã bị đặc vụ Bắc Triều Tiên đánh lừa bằng cách nói là họ chỉ tham gia một chương trình truyền hình thực tế.
Bình Nhưỡng đã phủ nhận hoàn toàn trách nhiệm, bất chấp việc nhà chức trách Mỹ, Hàn Quốc và Malaysia đều cho rằng Bắc Triều Tiên có trách nhiệm trong vụ ám sát Kim Jong Nam.
Theo CNN, với việc bà Đoàn Thị Hương ra khỏi nhà tù Malaysia và trở về Việt Nam ngày 03/05/2019, sẽ không còn ai bị xét xử trong một vụ ám sát táo bạo, công khai giữa ban ngày bằng loại vũ khí hóa học thuộc loại kinh khủng nhất hiện nay.
Thế mà kẻ tình nghi chủ mưu là Bắc Triều Tiên lại lọt lưới.
Ồng Evans Revere, nguyên là quyền trợ lý ngoại trưởng Mỹ về châu Á và Thái Bình Dương, hiện là cố vấn cho nhóm Albright-Stonebridge, đã cho rằng « các nhà hoạch định kế hoạch, tổ chức và giám sát vụ ám sát Kim Jong Nam thực sự đã thoát tội… Không một ai phải chịu trách nhiệm về cuộc tấn công khủng khiếp này, trong đó vũ khí hủy diệt hàng loạt đã được sử dụng để giết chết một con người tại một sân bay quốc tế.»
Đối với các nhà phân tích, trong vụ này, Bắc Triều Tiên đã thành công trong việc đẩy vụ việc xuống hàng thứ yếu, tránh bị lên án.
CNN nêu bật là vụ ám sát Kim Jong Nam xẩy ra trong bối cảnh các vụ thử tên lửa đạn đạo năm 2017 của Bắc Triều Tiên đã khiến nước này bị cộng đồng quốc tế cô lập. Tuy nhiên, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un đã biết mở một cuộc phản công ngoại giao vào năm sau, và thu hút được sự chú ý của quốc tế.
Euan Graham, giám đốc điều hành chương trình châu Á của Đại Học La Trobe tại Úc, đánh giá là Bắc Triều Tiên đã rất thành công trong một loạt các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới – từ Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, đến Singapore, Việt Nam và Nga – lái dư luận quốc tế rời xa vụ Kim Jong Nam.
Trả lời CNN bằng e-mail, chuyên gia người Úc này khá chán ngán khi cho rằng « giờ đây, có vẻ như là quốc tế không còn muốn điều tra xa hơn về vụ Kim Jong Nam ». Theo ông, « Bắc Triều Tiên không chỉ thoát tội, mà các nước Đông Nam Á đã xếp hàng để đón tiếp Kim Jong Un, trong đó có Việt Nam ».
Đối với giáo sư Andrei Lankov, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại Học Kookmin ở Seoul, vụ ám sát Kim Jong Nam sẽ dần dần phai nhạt trong trí nhớ mọi người, tương tự như các vụ khủng bố hay giết người ở nước ngoài trước đây mà chế độ Bình Nhưỡng bị cho là thủ phạm.
Bình Nhưỡng đã bị cáo buộc bắt cóc các công dân Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên Xô, ám sát các chính trị gia Hàn Quốc và thậm chí phá nổ một chiếc phi cơ chở hành khách của hãng máy bay Hàn Quốc Korean Air nhằm phá hoại Thế Vận Hội mùa hè 1988 ở Seoul. Đã có 115 người chết trong vụ nổ này.
Những sự cố trên đây hiếm khi được các nước khác, ngoại trừ Nhật Bản, nêu lại trong những cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Khi nhắc lại vụ phá nổ phi cơ của hãng Korean Air, ông Lankov nhận định : « Một vụ khủng bố mù quáng, với hàng loạt nạn nhân vô tội bị chết mà còn bị lãng quên, thì nói chi đến một vụ ám sát chính trị, mà về cơ bản không có ai bị vạ lây ».
Nguồn: Trọng Nghĩa/ RFI