41 nhân viên y tế Italy đã tử vong từ khi Covid-19 bùng phát, buộc họ phải làm việc không ngừng nghỉ để chống chọi dịch bệnh.

"Nó giống như một cơn bão tấn công chúng tôi", Roberto Stellini, một bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại bệnh viện Poliambulanza ở thành phố Brescia, vùng Lombardy, miền bắc Italy, nói.

Hơn 5.000 bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, nhân viên cứu thương và các nhân viên chăm sóc sức khoẻ khác của Italy đã bị nhiễm nCoV. Phần lớn họ làm việc ở tuyến đầu tại những khu vực phía bắc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của Covid-19 và bị nhiễm virus từ khi dịch mới bùng phát do thiếu thiết bị bảo hộ.

"Vấn đề là khi cơn bão này tấn công, chúng tôi chưa có sự chuẩn bị, có thể đã phớt lờ hậu quả của nó. Một số bác sĩ tử vong khi tình trạng nguy cấp bắt đầu diễn ra, khi chúng tôi còn chưa biết gì về cơn bão này. Tôi có quen một số người trong đó. Bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng hơn và tiếp tục chiến đấu", Stellini cho biết.

42 1 Hon 40 Y Bac Si Italy Chet Vi Ncov

Một y tá động viên đồng nghiệp khi họ thay ca hôm 13/3 tại bệnh viện Cremona, thành phố Milan. Ảnh: AFP.

Các phòng cách ly áp lực âm rất quan trọng trong việc điều trị bệnh nhân Covid-19, giúp bảo vệ các y bác sĩ khỏi bị nhiễm virus từ bệnh nhân. Tuy nhiên, các bác sĩ cho hay rất ít bệnh nhân ở Italy được điều trị ở phòng áp lực âm, khiến virus rất dễ lây lan.

"Đây là cuộc chiến đang tiếp diễn", Giovanna, bác sĩ gây mê tại một bệnh viện ở Milan, nói. "Không có thời gian để suy nghĩ về sự mệt mỏi, vì khi bạn chứng kiến các bệnh nhân Covid-19 đang chịu đựng căn bệnh như thế nào trong sự cô độc, bạn nhận ra cha mẹ hay ông bà mình cũng có thể nằm trên chiếc giường ấy".

Anna, một bác sĩ ở vùng Lombardy, cho hay sự đau đớn về tinh thần dày vò cô nhiều hơn là mệt mỏi về thể xác.

"Chúng tôi đang làm việc trong một hoàn cảnh mà tôi chưa bao giờ tưởng tượng nổi trên vai trò là một bác sĩ", cô nói. "Nhưng khi bạn nhìn các bệnh nhân Covid-19, trên tất cả là khi bạn nhìn họ qua đời, hoàn toàn trong cô độc, bạn sẽ quên hết sự mệt mỏi của bản thân. Mỗi bác sĩ cũng có những vấn đề cá nhân. Như tôi, tôi đã không gặp các con của mình 5 tuần nay rồi".

Một nghiên cứu do các bác sĩ Trung Quốc thực hiện và được tạp chí y khoa Lancet đăng tải cho thấy 70% nhân viên y tế ở tuyến đầu tại tỉnh Hồ Bắc bị căng thẳng cực độ, 50% có những biểu hiện trầm cảm, 44% lo lắng và 34% mất ngủ.

"Chúng tôi chưa có nghiên cứu về vấn đề này tại Italy, nhưng dữ liệu mà chúng tôi đang thu thập cho thấy tình hình khá tương đồng với Trung Quốc", David Lazzari, chủ tịch hội các nhà tâm lý học Italy, cho hay.

Trong số những nhân viên y tế tử vong gần đây nhất có hai nha sĩ ở Brescia, vùng Lombardy, và Daniela Trezzi, một y tá 34 tuổi ở Monza, cũng tại Lombardy, người đã tự kết liễu đời mình.

Trezzi đã cách ly từ hôm 10/3 sau khi nhiễm nCoV. Không rõ tại sao cô lại tự tử, nhưng Liên đoàn Y tá Quốc gia Italy cho hay trong một thông cáo rằng các đồng nghiệp nghĩ cô bị căng thẳng quá độ, do lo sợ mình đã lây virus cho người khác.

Một y tá 49 tuổi ở Jesolo, gần Venice, tuần trước cũng tự tử. Cô đã hỗ trợ cho các bệnh nhân Covid-19 ở bệnh viện Jesola cho đến khi bị sốt. Nữ y tá đã xét nghiệm nhưng chưa nhận được kết quả trước khi chết.

42 2 Hon 40 Y Bac Si Italy Chet Vi Ncov

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện Casal Palocco gần thủ đô Rome hôm 24/3. Ảnh: AFP

Italy hiện ghi nhận hơn 8.000 ca tử vong vì nCoV trong số hơn 80.000 ca nhiễm, tỷ lệ tử vong lên tới 10,1%, cao nhất thế giới. Ở Lombardy, hơn 4.800 người đã chết kể từ khi Covid-19 bùng phát tại đây hôm 21/2.

"Vào ngày thứ ba của dịch, chúng tôi nhận được 2.300 cuộc gọi cấp cứu, ngày thứ tư chúng tôi nhận khoảng 800 cuộc", Fabrizio Canevari, nhân viên của Soreu della Pianura, dịch vụ cứu trợ quản lý các cuộc gọi đến đường dây khẩn cấp ở một số tỉnh của Lombardy, cho biết. "Số cuộc gọi đang giảm dần, cho thấy biện pháp cách ly đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, ở một số khu vực, tình hình vẫn nghiêm trọng".

Paulo Baldini, một y tá trả lời đường dây nóng ở vùng Pavia, cho hay anh rất xúc động trước sự tử tế của những người có triệu chứng Covid-19 hoặc gọi đến để bày tỏ nỗi lo lắng về người thân, dù họ đôi khi phải chờ hàng giờ mới được hồi đáp.

"Họ nói 'xin lỗi đã làm phiền anh' và 'cảm ơn anh'", Baldini kể. "Điều đó thường không xảy ra ở đường dây khẩn cấp, nơi các nhân viên thường bị đối xử tệ. Nhưng mọi người đã hành xử rất nhân văn khi đối diện với vấn đề mà không quát tháo gì. Chúng tôi là con người và như mọi người, chúng tôi mang theo những nỗi đau đớn về nhà, nhưng sự tử tế đó giúp chúng tôi tiếp tục làm việc".

Nguồn: Anh Ngọc 

Theo Guardian, VnExpress

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC