Tính đến sáng sớm ngày 20/3, đại dịch Covid-19 đã tấn công 178 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lây nhiễm cho ít nhất 244.364 trường hợp và cướp đi sinh mạng của 10.007 người khắp toàn cầu. Song, thế giới cũng chứng kiến hơn 87.000 bệnh nhân Covid-19 đã hồi phục sau điều trị.
Italia vượt Trung Quốc về số ca tử vong vì Covid-19
Italia vừa trải qua một thời khắc vô cùng đen tối khi có thêm 427 ca tử vong vì Covid-19 trong vòng 24 giờ, nâng tổng số trường hợp thiệt mạng ở nước này tính đến hết ngày 19/3 lên 3.405 người, vượt cả Trung Quốc, nơi khởi phát dịch và hiện ghi nhận 3.245 trường hợp đã tử vong. Trong khi đó, tổng số ca dương tính với virus nguy hiểm ở quốc gia Nam Âu hiện là 41.035 người, chỉ hơn một nửa của đại lục (80.928 ca).
Theo BBC, gần 2/3 số trường hợp tử vong vì virus corona chủng mới tại Italia tập trung ở vùng Lombardy, phía bắc nước này. Thêm 5 bác sĩ ở Lombardy qua đời sau khi nhiễm virus, bao gồm cả một bác sĩ ở Bergamo, một chuyên gia về phổi ở Como và cựu giám đốc bệnh viện Crema, nâng tổng số nhân viên y tế thiệt mạng vì dịch lên 13 người.
Stephano Fagiuoli, một bác sĩ ở bệnh viện Bergamo viết trên trang cá nhân bằng tiếng Anh: "Chúng tôi đang rất cần cả bác sĩ và y tá cùng với các máy trợ thở và đồ bảo hộ".
Thủ tướng Giuseppe Conte kêu gọi người dân Italia "cần phải đoàn kết hơn bao giờ hết" trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh Covid-19. Chính phủ của ông Conte đã thông qua gói hỗ trợ 25 tỷ Euro nhằm giảm bớt các thiệt hại cho nền kinh tế và các cộng đồng nước này trước sự hoành hành của virus quái ác.
Một nhân viên y tế đang thăm khám cho bệnh nhân dương tính với Covid-19 ở Italia. Ảnh: EPA
Châu Âu oằn mình chống đỡ sự tấn công của Covid-19
Tại Tây Ban Nha, một "điểm nóng" về dịch Covid-19 ở châu Âu chỉ sau Italia, tổng số ca nhiễm virus corona chủng mới tăng vọt lên mức 18.077 người với 831 trường hợp đã tử vong chỉ trong vòng 24 giờ tính đến sáng sớm ngày 20/3.
Trong bài phát biểu thứ hai trước toàn thể người dân hôm 19/3 (lần phát biểu đầu tiên như vậy là sau cuộc trưng cầu ý dân về độc lập của vùng Catalonia), Vua Tây Ban Nha Felipe VI tuyên bố nước này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng mới, chưa có tiền lệ.
Nhà vua bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ với những bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng như những gia đình đã mất đi người thân vì mầm bệnh nguy hiểm. Ông cảm ơn các y, bác sĩ ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống dịch và kêu gọi người dân cùng đồng lòng, chung tay ngăn chặn virus lây lan.
Trong cùng thời gian, Anh ghi nhận thêm 643 ca nhiễm mới và 40 trường hợp tử vong vì Covid-19, nâng tổng số trường hợp dương tính với virus corona chủng mới tính đến sáng sớm ngày 20/3 lên ít nhất 3.269 người và tổng số người thiệt mạng là 144 người. Trước diễn biến dịch phức tạp, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố đóng cửa mọi trường phổ thông và cao đẳng, đại học trên toàn quốc kể từ ngày 20/3.
Tại buổi họp báo ngày 19/3, ông Johnson bày tỏ lạc quan rằng, nước Anh có thể "xoay chuyển tình thế" trong vòng 12 tuần tới nếu người dân tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ về phòng chống Covid-19. Theo ông Johnson, chính phủ Anh có thể cân nhắc xúc tiến thêm các biện pháp mạnh mẽ hơn nữa nhằm ngăn ngừa dịch lây lan ở thủ đô London, nhưng sẽ không tạm ngưng hoạt động của hệ thống giao thông công cộng.
Lãnh đạo đảo quốc sương mù cũng tiết lộ việc bệnh nhân Covid-19 đầu tiên bắt đầu tham gia thử nghiệm các loại thuốc có thể giúp điều trị được bệnh. Ngoài ra, London đang đàm phán để mua các bộ xét nghiệm kháng thể nhằm xem liệu ai đó đã nhiễm virus corona chủng mới hay chưa.
Tại Đức, nhà chức trách cũng ghi nhận gần 3.000 ca nhiễm mới Covid-19 và 16 trường hợp tử vong vì nhiễm virus trong ngày 19/3. Đến thời điểm hiện tại, ít nhất 15.320 người đã dương tính với virus corona chủng mới với 44 trường hợp tử vong ở quốc gia này.
Hôm 19/3, lần đầu tiên trong khoảng 15 năm lãnh đạo nước Đức, Thủ tướng Angela Merkel đã xuất hiện trên truyền hình để truyền đi một thông điệp mạnh mẽ tới người dân, gọi dịch Covid-19 là thách thức lớn nhất của nước Đức kể từ Thế chiến hai. Bà Merkel kêu gọi người dân đoàn kết, hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của sự bùng phát bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona và cùng chính phủ nỗ lực ngăn chặn đại dịch.
Cùng ngày, Michel Barnier, trưởng đoàn đàm phán của Liên minh châu Âu (EU) về vấn đề Anh rời EU (Brexit) thông báo, ông có kết quả xét nghiệm dương tính với virus corona chủng mới. Tuy nhiên, ông Barnier khẳng định trên Twitter rằng bản thân "hiện vẫn ổn và tinh thần tốt". Ông cũng cho biết đang tuân thủ tất cả các hướng dẫn cần thiết của đội ngũ chuyên gia y tế.
Châu Á đối mặt làn sóng "nhập khẩu" Covid-19
Các quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á đang phải đối mặt với làn sóng bùng phát virus corona chủng mới lần thứ hai, bắt nguồn từ những ca bệnh "nhập khẩu" từ bên ngoài vào các nước này.
Kể từ khi dịch bùng phát, Trung Quốc hôm 19/3 lần đầu tiên xác nhận không có bất kỳ ca lây nhiễm Covid-19 nội địa mới nào trong vòng 24 giờ. Tuy nhiên, nhà chức trách y tế địa phương thông báo có thêm 34 ca dương tính với virus corona chủng mới ở những người từ nước ngoài trở về đại lục gần đây. Tính đến sáng sớm 20/3, đại lục có tổng cộng 80.928 trường hợp nhiễm Covid-19 với 3.245 ca tử vong.
Để đề phòng dịch tái bùng phát mạnh trở lại, nhà chức trách ở nhiều nơi tại Trung Quốc vẫn tiếp tục cho đóng cửa các trường học, duy trì kiểm tra thân nhiệt nghiêm ngặt tại các công sở. Các nhà hàng vẫn chưa phục vụ thực khách tại chỗ mà chỉ cung cấp dịch vụ bán đồ mang đi.
Tại Hong Kong (Trung Quốc), đặc khu này ngày 19/3 cũng ghi nhận thêm 14 ca nhiễm mới Covid-19, mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát. Đáng nói, 13/14 ca trong số ca bệnh mới là người đi từ nước ngoài. Nhằm đối phó với diễn biến phức tạp này, chính quyền Hong Kong đã áp lệnh cách ly bắt buộc 14 ngày đối với bất kỳ ai đến đặc khu kể từ ngày 19/3. Quy định mới có hiệu lực trong 3 tháng và bất kỳ ai vi phạm có thể phải ngồi tù 6 tháng cũng như nộp phạt tới 25.000 HKD (gần 75 triệu đồng).
Theo BBC, Singapore cũng ghi nhận thêm 47 ca nhiễm mới Covid-19, bao gồm cả 33 trường hợp "nhập khẩu" là các công dân hồi hương. Để giải quyết vấn đề, kể từ ngày 16/3, tất cả khách được phép nhập cảnh vào Singapore đều phải cách ly kiểm dịch tại nơi cư trú ở nước này. Họ cũng phải cung cấp chứng nhận nơi cư trú trong thời gian cách ly ở Singapore và có thể bị yêu cầu xét nghiệm Covid-19 nếu cần thiết.
LHQ cảnh báo khẩn
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 19/3 khẩn thiết kêu gọi các lãnh đạo thế giới cùng nhau hành động để ngăn chặn sự lây lan của virus corona chủng mới.
"Nếu chúng ta để mặc virus lây lan như cháy rừng, đặc biệt tại những khu vực dễ bị tổn thương của thế giới, nó sẽ giết chết hàng triệu người. Sự đoàn kết toàn cầu không chỉ là một mệnh lệnh đạo đức mà còn vì lợi ích của tất cả mọi người", ông Guterres nhấn mạnh.
Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh cũng kêu gọi các chính phủ, các cơ quan, tổ chức quốc tế hãy hỗ trợ tốt hơn cho những đối tượng dễ bị tổn hại nhất về kinh tế như các lao động thu nhập thấp hay các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông Guterres cho biết thêm, một cuộc suy thoái toàn cầu hiện "gần như chắc chắn" xảy ra.
Nguồn: Tuấn Anh/ Vietnamnet.vn