Sau 3 tháng phong tỏa nhằm khống chế sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, ngày 3/6, người dân Italy đã được phép đi lại tự do trở lại giữa các vùng trên phạm vi toàn quốc mà không cần phải khai báo lý do, đồng thời chính quyền nước này cũng đã cho phép mở cửa trở lại đối với công dân, khách du lịch đến từ các nước thuộc châu Âu.

42 1 Italy Cho Phep Nguoi Dan Tu Do Di Lai Mo Cua Doi Voi Du Khach Chau Au 

Khách du lịch thăm quan Đấu trường La Mã ở Rome, Italy trong bối cảnh lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 1/6/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cụ thể, khách du lịch châu Âu đến Italy hiện không còn phải bị cách ly trừ khi họ vừa đến thăm một châu lục khác gần đây. Các chuyến bay quốc tế dự kiến sẽ được phép nối lại ở 3 thành phố chính của Italy là Rome, Milan và Naples.

Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số lo ngại rằng du khách châu Âu có thể sẽ chưa đến thăm Italy – vốn đang tiếp tục hứng chịu những tổn thất về người do dịch COVID-19 dù số ca nhiễm mới đang có chiều hướng giảm dần. Thụy Sĩ cảnh báo các công dân của mình rằng nếu đến Italy, họ sẽ phải trải qua các biện pháp kiểm tra y tế khi trở về.

Mặc dù tuyên bố dỡ bỏ việc kiểm tra nhập cảnh tại toàn bộ các cửa khẩu biên giới trên bộ từ ngày 4/6, song Áo vẫn coi Italy là một “điểm nóng” dịch bệnh COVID-19 và vẫn sẽ giữ nguyên các biện pháp hạn chế đối với nước này.

Các quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Anh vẫn đang cấm hoặc khuyến cáo công dân của họ ra nước ngoài. Cho đến nay, Italy đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp phong tỏa được áp đặt kể từ ngày 9/3 do dịch Covid-19.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế được áp dụng, chẳng hạn như các nhà hát, rạp chiếu phim vẫn chưa được phép mở cửa trở lại cho đến giữa tháng Sáu. Trường học vẫn tiếp tục bị đóng cửa cho đến tháng Chín.

Ngoài những tổn thất lớn về người, dịch COVID-19 đã khiến nền kinh tế Italy lao đao. Thống kê cho thấy trong quý 1/2020, nền kinh tế này đã sụt giảm tới 5,3% – mức giảm mạnh nhất kể từ giữa những năm 1990. Giới chuyên gia kinh tế cho rằng đà sụt giảm sẽ vẫn tiếp tục trong quý 2/2020 và Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong cả năm nay có thể sụt giảm tới 10%.

Trong khi đó, Tây Ban Nha – một trong những quốc gia khác ở châu Âu cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, hiện cũng đang nỗ lực để dần bắt đầu đón lại du khách từ ngày 22/6 tới. Theo giới chức Tây Ban Nha, các du khách đến từ những nước được cho là an toàn hơn trong cuộc chiến chống COVID-19 có thể đến nước này.

Trước đó, Madrid dự định sẽ mở lại biên giới để đón khách du lịch vào ngày 1/7.

Bỉ cũng thông báo sẽ mở lại các quán bar, nhà hàng và các lĩnh vực phục vụ đời sống văn hóa và xã hội từ ngày 8/6 tới.

Tuy nhiên, các hộp đêm vẫn phải đóng cửa. Bên cạnh đó, người dân Bỉ cũng được phép gặp gỡ nhiều người hơn, khi chính phủ hủy bỏ quy định tụ tập không quá 4 người. Đầu tháng Năm vừa qua, Bỉ đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa, và quyết định mở lại biên giới với các nước châu Âu từ ngày 15/6.

Tại Anh, giới chức sân bay thành phố London cho biết sẽ mở lại sân bay này vào cuối tháng Sáu. Các chuyến bay nội địa sẽ được khôi phục trước tiên, sau đó các chuyến bay quốc tế sẽ được nối lại vào đầu tháng Bảy. Để đảm bảo an toàn, những người đi và đến sân bay sẽ phải đo nhiệt độ, trong khi nhân viên phải đeo khẩu trang.

Các hành khách cũng sẽ phải tuân thủ các quy định giãn cách xã hội. Sân bay thành phố London đã ngừng hoạt động vào ngày 25/3, hai ngày sau khi Anh áp đặt các biện pháp phong tỏa./.

Ngự Bình-Ngọc Hà

VNA+

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC