Tưởng rằng sẽ có chuyến đi ý nghĩa trên con tàu hạng sang nhưng một cặp đôi ở Mỹ đã có một trải nghiệm không mấy vui vẻ vì virus Covid-19.

 

Kent Frasure (42 tuổi) và Rebecca (35 tuổi) đến từ bang Oregon, Mỹ, là hai hành khách trên con tàu Diamond Princess chở 3.700 người trong chuyến du lịch vòng quanh Đông Nam Á. Tuy nhiên, vào ngày 4/2, con tàu hạng sang này đã bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản, khi có một người có kết quả dương tính với virus Covid-19 (virus corona).

Tính đến ngày 13/2, có 218 người trên tàu bị nhiễm virus Covid-19, đã khiến hơn 1.000 người tử vong trong một tháng qua. Cặp đôi này cùng với những hành khách khác chấp nhận ở trên tàu và bị cách ly 14 ngày.

Vừa điểm tâm, Kent vừa chỉ cho vợ chiếc xe cứu thương đang đến gần. "Chắc lại có thêm ai đó bị nhiễm rồi", người đàn ông nói. Bởi lẽ anh đã hai lần nhìn thấy xe cứu thương lên tàu và đưa người bị nhiễm virus rời đi đến bệnh viện điều trị. Điều cặp đôi không ngờ nhất là một trong hai người họ lại trở thành bệnh nhân phải lên chiếc xe cứu thương ấy.

42 1 Khong Mang Bat Ky Trieu Chung Nao Cap Doi Chet Lang Khi Co Tieng Go Cua Thong Bao Ban Da Bi Nhiem Virus Covid 19 Pha Tan Chuyen Du Lich Hang Sang

Vợ chồng Kent Frasure.

Nhân viên y tế Nhật Bản xuất hiện trước cửa cabin rộng 45 m2 của nhà Frasure cùng nhiệt kế. Cả hai phải điền vào một bảng hỏi. Họ cho biết mình không có triệu chứng của virus corona. Tuy nhiên có một điều gì đó khiến các bác sĩ trở lại vào hôm sau. Kent và Rebecca được đưa đến một phòng riêng để lấy mẫu dịch họng.

Vào sáng ngày 9/2, nhân viên y tế đến gõ cửa lần thứ ba. Họ thông báo rằng Rebecca có kết quả dương tính với corona trong khi ông Kent không bị nhiễm.

"Tôi choáng váng. Ai cũng sẽ chết lặng khi biết mình trở thành người mang virus", Rebecca kể trong một cuộc phỏng vấn qua video từ giường bệnh tại Tokyo. Cô được xe cứu thương đưa từ tàu đến bệnh viện ở Tokyo để cách ly điều trị.

42 2 Khong Mang Bat Ky Trieu Chung Nao Cap Doi Chet Lang Khi Co Tieng Go Cua Thong Bao Ban Da Bi Nhiem Virus Covid 19 Pha Tan Chuyen Du Lich Hang Sang

Chiếc xe cứu thương mang người bệnh rời khỏi tàu.

Chuyến đi trên du thuyền 5 sao của cặp vợ chồng người Mỹ ấy đã kết thúc bằng việc người vợ phải điều trị ở khu cách ly và còn người chồng kẹt lại một mình trên tàu. "Họ nói với tôi 'Cô dương tính. Anh ấy phải ở lại tàu'. Tôi có một giờ để đóng gói hành lý", Rebecca kể lại. 

Cùng rời khỏi con tàu hạng sang ấy để lên xe cứu thương với cô có một nữ hành khách nữa. Cả hai đợi trong xe khoảng 90 phút. Đèn hiệu vẫn nhấp nháy nhưng không có còi. Tại bệnh viện, Rebecca phải đi qua một buồng áp suất âm cho người mắc bệnh truyền nhiễm để tới khu vực cách ly. 

Bên cạnh đó, người phụ nữ cũng được thực hiện các xét nghiệm sâu hơn như chụp X-quang, thử máu và được bác sĩ kiểm tra tổng thể. Điều đáng nói là Rebecca không có các dấu hiệu thường thấy như sốt hoặc ho, nhiệt độ cơ thể ổn định ở 36,6 độ C. Cô cho biết các bác sĩ không điều trị bằng biện pháp đặc hiệu nào.

Dù mọi thứ đều ổn, người phụ nữ 35 tuổi thừa nhận "cách ly là khoảng thời gian buồn bã nhất". Các y bác sĩ Nhật Bản hầu hết không biết tiếng Anh và phải nói chuyện với cô qua thiết bị thông dịch bỏ túi. Khẩu phần ăn cho người bệnh là cơm trắng và đậu phụ.

Theo luật dịch tễ tại Nhật Bản và Mỹ, Rebecca phải cách ly trong ít nhất 14 ngày. Người phụ nữ này thường xuyên lo lắng khi nào mình mới được xuất viện và sợ rằng công việc của bản thân sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, ông Kent vẫn cách ly trong cabin riêng trên con tàu hạng sang. Các nhân viên tiếp tục mang tới khẩu phần ăn cho hai người.

"Tôi ở đây không thiếu thốn thức ăn. Nhưng khi ngồi xuống và nhìn sang, cô ấy chẳng còn ở đây nữa", Kent buồn bã nói.

 

Theo Trí Thức Trẻ




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC