Tại Whistler, tọa lạc trên dãy núi ven biển, các nhà chức trách đã ghi nhận 200 trường hợp trong tổng số 877 ca dương tính với virus biến chủng P1 trên toàn tỉnh bang British Columbia, biến nơi này trở thành ổ dịch biến chủng P1 lớn nhất thế giới bên ngoài Brazil.
Khi phát hiện ổ dịch lớn ở khu Whistler, nhiều chuyên gia đã “sốc” vì không giải thích được vì sao loại biến chủng này xuất hiện ở đây. Thậm chí không ai trong số 84 người nhiễm đầu tiên ở khu Whistler từng đi ra khỏi Canada.
Biến chủng P1 được cho là dạng đột biến có khả năng lây nhiễm cao, có khả năng tái nhiễm và gây tử vong thậm chí ở những người trẻ tuổi.
Một nhân viên khách sạn giấu tên, 22 tuổi, ở Whistler cho biết căn bệnh do biến chủng mới này gây ra khiến cô rơi vào tình trạng đau đớn “đến tận xương tủy” và mệt mỏi, buộc cô phải nằm liệt giường nhiều ngày.
Những lao động trẻ như trên chiếm phần lớn các ca nhiễm mới. Các quan chức y tế đã bất lực trong việc ngăn chặn 3 đợt bùng phát dịch kể từ tháng 1/2021, mặc dù họ đã tăng cường tiêm vaccine ngừa Covid-19.
Một nhân viên bảo trì khu nghỉ dưỡng cho biết: “Tất cả đều cảm thấy mình có thể bị mắc bệnh vì những người khách đến khu nghỉ dưỡng này từ khắp mọi nơi”.
Tình trạng thiếu chỗ ở tại Whistler cũng được cho là nguyên nhân. “Vì tiền thuê nhà quá cao nên nhiều người phải chen chúc trong những căn phòng chật hẹp. Tất cả 8 người bạn chung phòng của tôi đều bị nhiễm bệnh, trong đó có người đã được tiêm một liều vaccine”, một người dân địa phương chia sẻ.
Trong khi nhiều nơi ở Canada ghi nhận số ca nhiễm mới kỷ lục, các chuyên gia nước này ngày càng gặp khó khăn vì không thực hiện tốt việc sàng lọc các biến chủng virus.
Ông Jean-Paul Soucy – nghiên cứu sinh tiến sĩ dịch tễ học và là đồng sáng lập Nhóm cung cấp dữ liệu mở về Covid-19 – cho biết tỉnh bang British Columbia đi sau các địa phương khác về khả năng theo dõi tỷ lệ ca nhiễm có liên quan đến các biến chủng mới của virus corona.
Đầu tuần này, các nhà chức trách British Columbia thông báo sẽ không sàng lọc các ca dương tính theo biến chủng nữa.
Tiến sĩ Bonnie Henry, quan chức y tế British Columbia, giải thích: “Mặt tích cực của việc không sàng lọc biến chủng, đó là bất kỳ ai nhiễm bệnh cần được điều trị như thể đó là loại virus có nguy cơ lây nhiễm cao”.
Tuy nhiên, các chuyên gia lại phản đối và cho rằng việc sàng lọc biến chủng cung cấp cho nhà chức trách bức tranh toàn vẹn chứa đựng thông tin giá trị về các loại biến chủng đang lây lan ở Canada.
Ông Eric Feigl-Ding – nhà dịch tễ học và là thành viên cấp cao thuộc Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ – cho biết: “Nếu bạn biết một biến chủng dễ lây lan hơn gây ra dịch bệnh trong cộng đồng, bạn không muốn mình hoàn toàn mù tịt về nó”.
Ở Brazil, nơi triển khai hàng loạt chính sách phòng ngừa dịch bệnh không hiệu quả, biến chủng P1 đã khiến hệ thống y tế nước này trong tình trạng “sụp đổ hoàn toàn”. Loại virus này thậm chí đã lây lan sang các nước láng giềng Nam Mỹ.
Nguồn: Zingnews