Dù là cơ quan dẫn dắt thế giới trong cuộc chiến chống COVID-19, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đang bị chỉ trích không theo sát các kết quả nghiên cứu thay đổi nhanh chóng và truyền đạt thông tin một cách rõ ràng.

Trong cuộc họp báo ngày 8/6, một quan chức WHO khẳng định rằng tình trạng lây lan từ những người mắc COVID-19 không có triệu chứng là “rất hiếm”. Nhưng sau khi các nhà nghiên cứu phản hồi, các quan chức WHO hôm 9/6 lại nói đó chỉ là “hiểu nhầm”.

 Đây không phải lần đầu tiên đánh giá của WHO có vẻ không theo kịp các kết quả nghiên cứu khoa học.

 WHO trì hoãn khuyến cáo cộng đồng đe khẩu trang cho đến tận ngày 5/6, cho rằng có ít bằng chứng khẳng định biện pháp này giúp ngăn ngừa COVID-19 lây lan. Nhưng gần như tất cả các nhà khoa học và chính phủ đã khuyến cáo và yêu cầu người dân đeo khẩu trang từ nhiều tháng trước.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro hôm qua, 5/6, đe dọa nước này sẽ rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nếu WHO không bỏ thái độ thiên vị chính trị.

 WHO nhiều lần nói rằng những giọt nước dạng bụi khí không đóng vai trò đáng kể trong sự lây lan của COVID-19, nhưng càng ngày càng có nhiều bằng chứng khẳng định điều này có thể xảy ra.

“WHO lạc bước với thế giới trong các vấn đề giọt bắn và bụi nước trong không khí”, báo New York Times dẫn lời TS Michael Osterholm, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại ĐH Minnesota.

42 1 Khuyen Cao Cua Who Bi Hang Loat Nha Khoa Hoc Chi Trich

Những bất đồng khoa học đó mang hàm ý chính sách rất rộng.

Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ, áp dụng các biện pháp phong tỏa vì nhận ra rằng chỉ cô lập những người ốm có thể không đủ để khống chế đại dịch.

Nếu virus có thể lây qua những giọt nước nhỏ đến mức có thể lơ lửng trong không khí thì người dân phải tránh tập trung ở những nơi lưu thông không khí kém, bất kể việc họ giữ vệ sinh tay tốt.

WHO thường có cách tiếp cận thận trọng khi đánh giá bằng chứng khoa học. Nhưng tốc độ nghiên cứu đã thay đổi. Giờ đây, các nhà khoa học đang hối hả công bố hàng loạt kết quả nghiên cứu, thậm chí trước khi được các nhà nghiên cứu khác đánh giá ngang hàng.

Số lượng nghiên cứu ồ ạt có thể mang lại đột phá, như vắc-xin, nhưng cũng có thể gây nhầm lẫn nếu các kết luận không thống nhất.

“Một mặt, tôi không muốn đánh giá WHO nghiêm trọng vì họ cũng có khó khăn khi làm việc với đại dịch vẫn đang thay đổi này. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải phụ thuộc vào WHO trong việc cung cấp bằng chứng và số liệu khoa học ”, TS Ashish Jha, giám đốc Viện Y tế Harvard, nói.

Đánh giá của WHO về khả năng lây lan của những người mắc COVID-19 không triệu chứng có vẻ không thay đổi nhiều từ tháng 2, khi đoàn công tác của WHO và Trung Quốc báo cáo rằng “không rõ tỷ lệ lây nhiễm từ những người không có triệu chứng là bao nhiêu, nhưng có vẻ hiếm và có vẻ không phải con đường lây nhiễm chính”.

Một nghiên cứu sau đó ước tính số người bị lây qua con đường này có thể lên đến 40%. Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ ước tính tỷ lệ này là 35%. Những con số đó khiến nhiều nước, trong đó có Mỹ, ra quy định bắt buộc người dân phải đeo khẩu trang.

Nhưng hôm 8/6, TS Maria Van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật của WHO về phản ứng với COVID-19, nói rằng “dường như vẫn hiếm trường hợp người không có triệu chứng có thể thực sự truyền bệnh cho người khác”.

Phát biểu này vấp phải phản ứng mạnh từ các nhà khoa học. Họ nhấn mạnh rằng nhiều nghiên cứu đã chứng minh có những người lây cho người khác trước khi họ có triệu chứng.

Phản ứng này dẫn đến việc WHO tổ chức một phiên họp trực tuyến trên Facebook và Twitter. Trong đó, TS Van Kerhove nói rằng phát biểu của bà chỉ dựa trên 2 hoặc 3 nghiên cứu.

“Tôi chỉ trả lời một câu hỏi. Tôi không tuyên bố chính sách nào của WHO hay bất kỳ thứ gì tương tự”, bà nói.

TS Van Kerkhove nói thêm rằng phát biểu của bà dựa trên bằng chứng chưa được công bố mà một số nước chia sẻ với WHO. Nhưng những người chỉ trích, trong đó có cả những người làm việc cho WHO, nói rằng tổ chức này nên minh bạch về các nguồn thông tin mà họ dựa vào.

“Trách nhiệm đầu tiên và trước hết của WHO phải là người lãnh đạo trên lĩnh vực khoa học”, TS Lawrence Gostin, giám đốc Trung tâm điều phối về luật y tế quốc gia và toàn cầu của WHO, nói.

“Và khi đưa ra những điều rõ ràng đối ngược với cơ sở khoa học mà không có giải thích hay nghiên cứu nào thì rõ ràng uy tín của họ bị giảm sút đáng kể”, TS Gostin đánh giá.

Điểm gây nhẫm lẫn lớn nhất là sự khác nhau giữa nhóm chưa biểu hiện triệu chứng nhưng sẽ biểu hiện triệu sau đó với nhóm không bao giờ có biểu hiện nào, dù trong người có mầm bệnh.

Một bài nghiên cứu được trích dẫn rộng rãi hồi tháng 4 nói rằng người mắc COVID-19 dễ lây cho người khác nhất trong 2 ngày trước khi có triệu chứng, và ước tính 44% ca mắc mới là do lây từ người chưa biểu hiện triệu chứng.

TS Van Kerkhove nói rằng bằng cách phân biệt hai khai niệm này, WHO đang cố gắng tách bạch nhóm người mà họ muốn nói tới.

“Không may đó không phải là cách mọi người sử dụng. Tôi không định khiến mọi thứ phức tạp hơn”, bà nói.

WHO vẫn khẳng định rằng những giọt bắn được tạo ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi mới là con đường lây nhiễm chủ yếu. WHO hạ thấp khả năng lây nhiễm qua bụi nước, nghĩa là những hạt nước nhỏ li ti có thể lơ lửng trong không khí. Nhưng nhiều bằng chứng khẳng định bụi nước đó có thể là một con đường lây lan quan trọng.

“Điều họ không thừa nhận là những hành động như ho và nói chuyện, thậm chí cả thở, đều tạo ra bụi nước”, TS Linsey Marr, người nghiên cứu về lây nhiễm virus qua không khí ở ĐH Công nghệ Virgina, nói.

Các quan chức WHO nói rằng họ biết việc thở và nói chuyện có thể tạo ra bụi nước, nhưng nghi ngờ con đường này có thể phát tán virus.

“Cho đến nay, chưa có sự thể hiện nào về khả năng lây nhiễm qua bụi nước”, TS Benedetta Allegranzi, giám đốc kỹ thuật của WHO về virus corona, nói.

42 2 Khuyen Cao Cua Who Bi Hang Loat Nha Khoa Hoc Chi Trich

TS Maria Van Kerkhove, giám đốc kỹ thuật của WHO về COVID-19. (Ảnh: NYT)

Nhưng một số nhà khoa học cho rằng WHO định nghĩa về lây nhiễm qua không khí quá hẹp. Lây nhiễm qua không khí bao gồm cả khả năng virus bay qua khoảng cách ngắn sau đó được hít vào người.

“Họ giữ quan điểm từ đầu thế kỷ 20 về bụi nước và lây nhiễm qua không khí”, TS Do Milton, một chuyên gia về sinh học tại ĐH Maryland, đánh giá.

TS Milton nói rằng cho đến những năm 1950 bệnh viêm phổi vẫn được nghĩ là chỉ lây nhiễm qua tiếp xúc gần. “Nhưng giờ chúng ta biết nó lây nhiễm qua bụi nước”, ông nói.

Một số nhà khoa học hoài nghi rằng quan điểm của WHO về khẩu trang và bụi nước chủ yếu xuất phát từ quan ngại về tình trạng thiếu đồ bảo hộ y tế cho nhân viên y tế hơn là nghiên cứu khoa học.

WHO hiện chỉ khuyến cáo sử dụng loại khẩu trang chuyên dụng, có thể ngăn bụi nước cho các các nhân viên y tế. TS Van Kerkhove khẳng định hướng dẫn của WHO dựa trên cơ sở khoa học chứ không phải tình trạng thiếu khẩu trang.

Các chuyên gia nói rằng WHO không sai hẳn, nhưng vì những tuyên bố của họ đều mang hàm ý chính sách nên tổ chức này cần cẩn trọng khi kết luận rằng tình trạng lây nhiễm qua không khí hoặc từ những người không có triệu chứng là vấn đề không đáng kể.

Nguồn: tienphong.vn

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC