Khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ dần tăng nhiệt, nhiều nước cũng tranh luận nhiều hơn về khả năng trở lại của cựu tổng thống Donald Trump, người cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy phong trào "Nước Mỹ trên hết" nếu tái đắc cử.
Tại Nhật Bản, nỗi lo về nhiệm kỳ hai của ông Trump được gói gọn trong cụm từ "moshi-tora" (nếu Trump), hay điều gì sẽ xảy ra nếu cựu tổng thống Mỹ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11. Cụm từ này trở nên phổ biến tới mức liên tục xuất hiện trên các trang báo, bản tin truyền hình ở Nhật.
"Moshi-tora" càng trở nên phổ biến khi ông Trump nắm chắc tấm vé trở thành ứng viên đề cử của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử tổng thống năm nay. Công chúng Nhật cũng bắt đầu nghĩ nhiều hơn về màn tái đấu giữa ông Trump và Tổng thống Mỹ đương nhiệm Joe Biden.
Giới quan sát cho rằng không có gì ngạc nhiên khi Nhật Bản lo lắng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới. Tokyo là đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở châu Á và vốn phụ thuộc vào Washington để đảm bảo an ninh quốc gia. Tuy nhiên, dưới thời ông Trump, mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh rất khó lường.
Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Grand Rapids, bang Michigan ngày 2/4. Ảnh: AFP
Trump, người tự nhận mình là "chuyên gia đánh thuế", đã nhắm mục tiêu vào các nhà sản xuất ôtô của Nhật Bản và đưa ra kế hoạch áp thuế mới nếu tái đắc cử. Hồi tháng 8/2023, ông đề xuất tự động áp thuế với mọi loại hàng hóa nhập khẩu nhằm bảo vệ hàng nội địa.
"Phải quàng chiếc tròng vào cổ các công ty nước ngoài", ông nói với Fox Business. "Khi họ vào Mỹ và bán phá giá sản phẩm, họ phải nộp thuế. Có thể là mức 10%. Số tiền đó sẽ dùng để thanh toán các khoản nợ".
Và cách tiếp cận khó đoán của ông Trump với một số lo ngại an ninh cấp bách nhất của Nhật Bản, trong đó có Trung Quốc và Triều Tiên, khiến dư luận nước này lo lắng về tương lai 4 năm tới.
"Nó làm chúng tôi thực sự lo lắng", Mieko Nakabayashi, cựu nghị sĩ Nhật Bản và hiện là giáo sư Đại học Waseda ở Tokyo, nói. "Chúng tôi không thể đoán định mọi thứ, nên giờ phải bắt đầu suy nghĩ. Đó là mục đích thực sự của moshi-tora, nhắc nhở bản thân suy nghĩ về những điều không thể tưởng tượng được".
Nhật Bản hiện tại không còn ông Shinzo Abe, cố thủ tướng bị ám sát năm 2022, để lèo lái quan hệ với lãnh đạo Mỹ. Khi còn là thủ tướng, ông Abe đã tạo dựng quan hệ thân thiết với ông Trump, dành cho lãnh đạo Mỹ những lời khen ngợi và thậm chí từng đề cử ông Trump cho giải Nobel Hòa bình.
Vài ngày sau khi ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ và khiến giới chính trị Nhật Bản choáng váng, ông Abe đã bay hơn 10.000 km tới Washington để tái khẳng định mối quan hệ song phương Mỹ - Nhật với tân tổng thống tại Tháp Trump và tặng ông chiếc gậy golf mạ vàng.
Chuyến thăm sớm đó đã đặt nền móng cho chính sách ngoại giao dựa trên quan hệ cá nhân của ông Abe. Dù không phải lúc nào chính sách ngoại giao quyến rũ như vậy cũng hiệu quả, cách tiếp cận của ông Abe đã giúp xua tan những lo ngại về việc đối phó với lãnh đạo Mỹ khó đoán như Trump, theo Tobias Harris, chuyên gia về chính trị Nhật Bản và từng là người viết tiểu sử cho cố thủ tướng.
"Ông Abe đã hành động quá nhanh vào năm 2016. Ông ấy tin rằng dù mọi người có ủng hộ nó hay không, ít nhất sẽ giúp trấn an nhiều người", Harris nói.
Giới quan sát cho biết hiện chưa rõ chính trị gia Nhật Bản nào có thể làm được như ông Abe nếu Trump tái đắc cử. Thủ tướng Fumio Kishida, cựu nhà ngoại giao hàng đầu của Nhật Bản, được cho là không có được phong cách lãnh đạo lôi cuốn như ông Abe, theo truyền thông địa phương.
Taro Aso, cựu phó thủ tướng và hiện là thành viên Hạ viện Nhật Bản, đã đến New York vào tháng 1 và đề nghị gặp ông Trump, song không thành công, theo truyền thông Nhật Bản.
"Trump chưa phải là tổng thống, nhưng có thể ảnh hưởng tới những hoạch định chính sách của Mỹ", Nakabayashi nói. "Đối với Trump, ông ấy sẽ vui nếu biết người Nhật đang suy nghĩ nghiêm túc về khả năng chiến thắng của ông và cố gắng chuẩn bị cho kịch bản đó".
Trên truyền hình, báo chí và mạng xã hội, các nhà phân tích Nhật Bản đang thảo luận về những mối lo ngại hàng đầu của họ nếu ông Trump trở lại. Một số trong đó là liệu Trump có xem xét lại các hiệp ước và thỏa thuận quốc tế, cũng như yêu cầu đồng minh như Nhật Bản phải đóng góp nhiều hơn để duy trì hiện diện của quân Mỹ ở đất nước của họ hay không.
Khi đảng Cộng hòa ở quốc hội Mỹ công khai phản đối viện trợ Mỹ dành cho Ukraine, một câu hỏi được đặt ra là nếu đắc cử, liệu ông Trump có tiếp tục hỗ trợ cho Kiev hay không. Và nếu Mỹ ngừng ủng hộ Ukraine, điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với các nước G7 như Nhật Bản.
Ông Trump (phải) tiếp đón ông Abe tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago, hạt Palm Beach, bang Florida năm 2018. Ảnh: AFP
Danh sách lo lắng còn rất nhiều. Điều gì sẽ xảy ra nếu ông Trump tìm cách đạt thỏa thuận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và loại Nhật Bản ra khỏi các cuộc đàm phán?
Giới phân tích và quan chức Nhật Bản cũng lo lắng về nguy cơ ông Trump áp thuế cao hơn với hàng hóa Nhật, thay đổi mạnh mẽ chính sách kinh tế ở châu Á như rút khỏi các thỏa thuận hợp tác đa phương.
Kenichiro Sasae, cựu đại sứ Nhật Bản tại Mỹ, cho biết "moshi-tora" nhấn mạnh nỗi lo lắng ngày càng lớn từ Nhật Bản và nhiều đồng minh khác của Mỹ, trong bối cảnh chia rẽ chính trị gia tăng ở Washington và khiến quốc gia này xa rời vai trò bảo vệ các đồng minh. Ông nhận định kết quả cuộc bầu cử tới sẽ có thể xác định hướng đi chính sách của Mỹ.
Tuy nhiên, ông Sasae cho rằng liên minh kéo dài 7 thập kỷ giữa Nhật Bản và Mỹ vẫn kiên cường trước những thay đổi lãnh đạo ở cả hai nước. Điều quan trọng là "phải đánh giá cẩn thận những gì ông ấy nói trước công chúng và những gì ông ấy thực sự sẵn sàng làm".
"Hãy để chúng tôi xem tất cả những điều này có thể giải quyết như thế nào. Mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Nhật Bản cần được duy trì và có thể giữ vững", ông Sasae nói.
Thanh Tâm (Theo Washington Post, Foreign Policy, Reuters)
Nguồn: VNEXPRESS.NET