Y tá ở TP El Paso, bang Texas đang lấy mẫu xét nghiệm cho người dân. Ảnh: GETTY/CNN
Vào ngày 22-7, số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu đã hơn 15 triệu người, theo một thống kê của hãng tin Reuters.
Năm quốc gia đang bị dịch bệnh gây ảnh hưởng nhiều nhất là Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Trong đó, châu Mỹ hiện đang bị ảnh hưởng nhiều nhất, chiếm hơn 1/2 số ca nhiễm và tử vong trên toàn cầu. Tỉ lệ người nhiễm mới trên toàn thế giới cũng chưa có dấu hiệu chậm lại.
Sau khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện ở TP Vũ Hán, Trung Quốc vào đầu tháng 1-2020. Phải tới 15 tuần sau số người nhiễm bệnh mới lên tới con số hai triệu người.
Tuy nhiên, khi số ca nhiễm mới đang ngày một gia tăng khủng khiếp gần đây. Số người nhiễm bệnh trên toàn cầu đã tăng từ 13 triệu lên 15 triệu người chỉ trong vòng tám ngày.
Các chuyên gia y tế nhấn mạnh rằng số ca nhiễm trùng và tử vong thực tế có thể còn cao hơn con số được báo cáo do một số quốc gia có năng lực xét nghiệm hạn chế, nên sẽ không báo cáo chính xác được con số thực nhiễm ở nước họ.
Tính đến nay, đã có ít nhất 15.009.213 người nhiễm bệnh, con số này hiện cao gấp ba lần số ca bệnh cúm mùa nặng được ghi nhận hàng năm, theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Số ca tử vong vì COVID-19 trong bảy tháng nay là 616.000, tương đương với số người tử vong vì cúm mùa hàng năm.
Do tình hình dịch bệnh ở mỗi quốc gia khác nhau, có quốc gia đã vượt qua đỉnh dịch và bắt đầu nới lỏng các biện pháp phong tỏa để bắt đầu khôi phục nền kinh tế thì một số nước vẫn còn đang vật lộn với dịch bệnh nên vẫn áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt để hạn chế dịch bệnh lây lan.
Ngày 21-7, Mỹ báo cáo hơn 1.000 trường hợp tử vong có liên quan đến COVID-19. Tình hình dịch bệnh ở nước này không có dấu hiệu chậm lại, trong khi quốc gia này đang ngày càng chia rẻ vì chuyện đeo hay không đeo khẩu trang và có nên mở cửa lại trường học hay không.
Sau nhiều lần bị đánh giá thấp trong các cuộc thăm dò ý kiến người dân về cách xử lý dịch, Tổng thống Trump đã bất ngờ thay đổi quan điểm, kêu gọi người dân đeo khẩu trang để phòng ngừa COVID-19.
Khi tình hình dịch bệnh ở Mỹ ngày càng trở nên tồi tệ thì Tổng thống Trump vẫn quyết định tổ chức các cuộc vận động tranh cử quy tụ hàng ngàn người ở Mỹ. Chưa hết, ông còn một mực yêu cầu nhiều trường học và doanh nghiệp mở cửa trở lại dù các chuyên gia y tế một mực ngăn cản, nói rằng điều này chỉ khiến tình hình dịch bệnh trở nên tồi tệ hơn mà thôi.
Brazil ngày 22-7 đã ghi nhận 2.227.514 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có Tổng thống Jair Bolsonaro. Hiện quốc gia này cũng ghi nhận hơn 81.000 ca tử vong vì dịch bệnh. Bộ Y tế Brazil xác nhận trong vòng 24 giờ qua đã ghi nhận thêm 67.860 ca nhiễm mới.
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tiếp tục có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 lần thứ ba kể từ khi được xác nhận mắc bệnh. Theo văn phòng của ông Bolsonaro ngày 22-7, ông sẽ tiếp tục cách ly thêm hai tuần nữa để điều trị.
Các kế hoạch công du của tổng thống từng được thông báo trước đây cũng đã được hủy bỏ.
Dù tiếp tục dương tính, nhưng văn phòng của ông Bolsonaro khẳng định sức khỏe của tổng thống đã được cải thiện. Tổng thống Bolsonaro nổi tiếng với việc xem nhẹ đại dịch COVID-19. Ông từng coi loại virus gây chết người này như bệnh cúm vặt thông thường.
Ấn Độ là quốc gia tiếp theo có số ca nhiễm COVID-19 cao hơn 1 triệu trường hợp. Quốc gia này vừa ghi nhận thêm 40.000 ca nhiễm mới vào ngày 22-7. Mặc dù vậy, quốc gia này đang chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế dù đang phải gồng mình chống dịch COVID-19 và lũ lụt ở khu vực đông bắc đất nước.
Các nước lo ngại làn sóng lây nhiễm thứ hai
Một số các quốc gia khác có tình hình dịch bệnh ổn hơn cũng đang bắt đầu siết lại các hạn chế để ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ hai.
Tây Ban Nha đã hạn chế số người ở các bãi biển Barcelona, sau khi tuần rồi nhiều đám đông đã đổ ra biển dù chính quyền đã khuyến cáo người dân ở nhà.
Ở Úc, TP Melbourne đã buộc người dân đeo khẩu trang nơi công cộng bắt đầu từ ngày 22-7 sau khi nước này ghi nhận thêm 501 ca nhiễm mới.
Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố hành khách trên các chuyến bay nội địa phải cung cấp kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi lên máy bay để hạn chế lây lan COVID-19 trong bối cảnh các ca nhiễm bệnh nhập khẩu đang tăng nhanh ở nước này.
Theo Tú Quyên - VNEXPRESS