Bắc Kinh vừa cho công bố mức tăng trưởng kinh tế năm 2018, từ dữ liệu thống kê qua các năm thì thấy rằng mức tăng trưởng năm nay của Trung Quốc là thấp nhất kể từ năm 1990.
Nhà báo John Stepek nhận định, nhiều người tin rằng số liệu kinh tế mà Trung Quốc cho công bố thường thiếu độ tin cậy. Nhưng với việc thừa nhận GDP suy giảm cho thấy Bắc Kinh nhận thức được rất rõ ràng rằng nền kinh tế Trung Quốc không còn mạnh như trước đây.
Tuy thế, điều này lại khiến các thị trường lạc quan với ý tưởng cho rằng, Trung Quốc sẽ kích thích nền kinh tế của mình bằng các chính sách tài chính và tiền tệ lỏng lẻo hơn. Nhưng sẽ ra sao nếu chính sách tài chính này của Trung Quốc không mang lại hiệu quả, ký giả Stepek đặt câu hỏi.
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là sự khởi đầu
Tăng trưởng GDP trong quý 4/2018 của Trung Quốc là 6,4%, mức tăng trưởng chậm nhất trong gần 30 năm qua, đã làm cho mức tăng trưởng GDP của cả năm 2018 chỉ đạt 6,6%, một con số tăng trưởng thấp hơn nhiều so với thời kỳ ‘hoàng kim’. Mặc dù vậy, theo Stepeck, nhiều người vẫn đặt ra nghi ngờ con số thống kê này đã được giới chức Bắc Kinh ‘hư cấu’ (hoặc ít nhất là nó đã được “làm mượt mà” hơn), tức nó không cao đến thế.
Công ty tư vấn nghiên cứu kinh tế Pantheon Macro (Mỹ) cho rằng, trên thực tế, GDP của Trung Quốc chỉ ở mức 5,8%. Trong khi đó tổ chức Capital Economics (Anh) cho rằng GDP của Trung Quốc thậm chí còn thấp hơn nữa, với mức tăng thực sự là 5,3%.
Thêm vào đó, công ty nghiên cứu tư vấn Enodo Economics (Anh) chỉ ra rằng doanh số của các thương hiệu điện thoại thông minh trên thế giới như Apple và Samsung đã giảm ở thị trường lớn nhất thế giới. Nhập khẩu quặng sắt của nước này giảm lần đầu tiên vào năm 2018, kể từ năm 2010. Doanh số bán ô tô ở Trung Quốc cũng lần đầu tiên giảm sau gần 30 năm. Những số liệu này phản ánh nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó.
Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc đang nghe Donald Trump phát biểu tại diễn đàn G-20 ở Buenos Aires, Argentina ngày 1/12/2018. (Ảnh: AP)
Chính phủ Trung Quốc chắc chắn biết rõ những điều này.
Vì thế chính sách miễn giảm thuế đã được thông qua, và chính sách tiền tệ đã được nới lỏng. Và đó là lý do mà cả Pantheon và Capital đều cho rằng sự tăng trưởng sẽ lại bắt đầu sau khi có sự kích thích của chính sách này.
Nhưng theo nhà báo kinh tế Stepeck, những vẫn đề của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở đó, quốc gia đông dân nhất thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề lớn hơn, gay gắt hơn. Thứ nhất là cuộc xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc. Thứ hai là phương pháp tiếp cận tổng thể và quan điểm của chính phủ Trung Quốc đối với tự do và sự phát triển kinh tế đã thay đổi.
Với vấn đề thứ nhất, theo yêu cầu của các thị trường thì nhiều khả năng Mỹ-Trung sẽ đạt được những thỏa thuận tốt. Hiện tại, thông thường các thị trường sẽ tin vào những gì họ muốn tin, và họ đang ở chế độ hồi phục, do vậy các thị trường có xu hướng mong đợi những điều tốt nhất trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo Stepeck, Tổng thống Donald Trump, dựa trên tình hình, có thể sẽ thay đổi quyết định của mình rất nhanh. Tuy nhiên, có vẻ như ông Trump muốn đạt được một thỏa thuận để công bố một chiến thắng, và rõ ràng người Trung Quốc cũng muốn làm như vậy.
Vấn đề là, như Diana Choyleva của Enodo Econom chỉ ra, thỏa thuận này chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, tức những xung đột căn bản giữa hai bên chưa được giải quyết.
Choyleva nhận xét, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là điểm khởi đầu, với ý tứ rằng còn nhiều khó khăn đang chờ đợi Trung Quốc phía trước. Sự căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc hiện có xu hướng mở rộng. Rõ ràng, họ là đối thủ trong lĩnh vực công nghệ, là đối thủ về quân sự; và họ là đối thủ trong việc gây ảnh hưởng tài chính, Stepeck bình luận.
Theo Choyleva, ông Trump đang diễn đạt một thực tế là phương Tây và đặc biệt là Hoa Kỳ, đã “chán ngấy” với “mô hình phát triển kinh tế đặc sắc” của Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
Quyết định biến mình thành một công xưởng thế giới bằng cách trả mức lương thấp cho người lao động và yêu cầu chuyển giao tài sản trí tuệ có giá trị từ các đối thủ nước ngoài nhờ vào thị trường lao động giá rẻ đã mang lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc trong một thời gian dài. Nhưng một cuộc khủng hoảng tài chính sẽ là điểm khởi đầu để kết thúc mô hình này, nhà báo của tờ Money Week nhận định.
Trung Quốc không còn tự do kinh tế
Có lẽ điều nguy hiểm hơn là, trên thực tế, ông Tập Cận Bình không phải là người thực sự thích ý tưởng “mở cửa kinh tế”. Ông Tập khá bảo thủ đối với vấn đề kinh tế và tầng lớp trung lưu, những người mà ông lo ngại rằng họ có khả năng gây rối, nhà báo Stepeck đánh giá.
Như Rana Foroohar đã chỉ ra trên tờ Thời báo Tài chính, mặc dù bài phát biểu năm 2017 của ông Tập tại Davos bảo vệ toàn cầu hóa, nhưng dưới thời của ông, Trung Quốc đã “quay lưng với đổi mới, không khuyến khích sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân trong nước cũng như sự cạnh tranh, và làm trầm trọng thêm sự suy giảm của nền kinh tế”.
Ông Tập đã gây ra nhiều áp lực đối với lĩnh vực công nghệ, đòi hỏi cả các công ty trong và ngoài nước phải chịu kiểm duyệt nhiều hơn và hợp tác với các cơ quan an ninh của quốc gia, theo Stepeck.
Những điều này cho thấy, rõ ràng Trung Quốc không phải là môi trường khuyến khích đầu tư, cũng không khuyến khích kinh tế tư nhân. Điều đó cũng có nghĩa rằng rằng bất kỳ thị trường nào cũng không được đảm bảo lợi ích một cách lâu dài nhờ các thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, Stepeck viết.
Nguồn: Chiêu Tiếp
DKN.tv