Bệnh nhân mắc Covid-19 ở Hà Lan được chuyển sang bệnh viện ở Đức bằng trực thăng vào ngày 23-10 Ảnh: Reuters
Dữ liệu cho thấy trong đỉnh dịch mới ở châu Âu, số ca tử vong thấp hơn đợt đầu song sẽ dai dẳng ở mức này trong nhiều tuần, thậm chí vài tháng. Dự báo đưa ra ngày 28/10, do Nhóm Cố vấn Khoa học cho Tình huống Khẩn cấp (SAGE) thực hiện.
"Lần lây nhiễm này sẽ tệ hơn với nhiều ca tử vong hơn. Viễn cảnh đang xảy đến trước mắt Thủ tướng Boris Johnson. Ông ấy chịu áp lực phải tiến hành phong tỏa một lần nữa", nguồn tin từ chính phủ Anh cho biết.
SAGE đã cảnh báo Anh cần tuân theo các lệnh hạn chế ngay cả dịp Giáng sinh, trong bối cảnh các nước châu Âu vật lộn để kiểm soát số ca nhiễm mới tăng nhanh, chuẩn bị đưa ra biện pháp mới.
Hôm 27/10, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết số ca tử vong do Covid-19 tại châu Âu đã tăng gần 40% trong một tuần. Tiến sĩ Margaret Harris, người phát ngôn của WHO, thông báo Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hà Lan và Nga ghi nhận số ca nhiễm leo thang nhanh chóng.
Mô hình dịch bệnh trong làn sóng Covid-19 thứ hai ở châu Âu. Đồ họa: Telegraph.
Thiếu vaccine
Tình hình thêm căng thẳng khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết vaccine Covid-19 (nếu có) sẽ chỉ đủ tiêm chủng cho một phần dân số trong khu vực trước năm 2022. Kể từ tháng 7, khối 27 quốc gia đã mua gom một tỷ liều tiêm phòng nCoV tiềm năng từ ba hãng dược lớn, đồng thời đàm phán đặt hàng tỷ liều với ba công ty khác.
Khi cuộc cạnh tranh toàn cầu nhằm đảm bảo đủ vaccine đang nóng lên, giới chuyên gia cảnh báo không phải tất cả "ứng viên" tiềm năng đều sẽ được chứng minh là có hiệu quả. Điều này càng khiến làn sóng thứ hai của Covid-19 trở nên đáng lo ngại.
Một bệnh nhân mắc Covid-19 điều trị trong khu hồi sức tích cực tại Praha, Cộng hòa Séc. Ảnh: NY Times
Trước đó, Ủy ban châu Âu cho biết vaccine sẽ có số lượng giới hạn trong "giai đoạn phát triển ban đầu". Song cơ quan chưa làm rõ giai đoạn này sẽ kéo dài bao lâu.
Do nguồn cung hạn chế, nhiều tháng liền, Ủy ban đã hối thúc chính phủ EU xây dựng kế hoạch tiêm chủng ưu tiên cho các nhóm dễ bị tổn thương bởi dịch bệnh, như nhân viên y tế, người già hoặc người mắc bệnh mạn tính. Tuy nhiên, ngoài sự nhất trí về việc tiêm chủng cho y bác sĩ, hiện nhà chức trách chưa "thu được tiếng nói chung đối với các nhóm dân số khác".
Tái áp đặt phong tỏa
Ngày 28/10, Pháp công bố lệnh đóng cửa toàn quốc kéo dài một tháng. Đức cũng áp đặt các quy định hạn chế mới, có hiệu lực từ ngày 2/11 và kéo dài đến cuối tháng sau.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết virus đang lan truyền với tốc độ mà ngay cả những dự báo bi quan nhất cũng không thể lường trước.
"Giống như các nước trong khu vực, chúng ta bị nhấn chìm bởi sự tăng tốc đột ngột của dịch bệnh. Tất cả đều ở cùng một vị trí: làn sóng thứ hai quét qua, chết chóc hơn đợt bùng phát đầu tiên. Tôi đã quyết định chúng ta cần quay lại tình trạng phong tỏa để ngăn chặn virus", Tổng thống Macron nói.
Theo quy định mới, người dân được yêu cầu ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi cần mua sắm nhu yếu phẩm, đi khám hoặc tập thể dục tối đa một giờ mỗi ngày. Họ được phép đi làm nếu công việc đặc thù, không thể hoàn thành từ xa. Trường học vẫn tiếp tục hoạt động.
Đức sẽ đóng cửa quán bar, nhà hàng và rạp hát từ ngày 2-30/11. Các trường học được phép mở cửa, song phải tuân thủ giới hạn nghiêm ngặt. Thủ tướng Angela Merkel nói: "Chúng ta cần hành động ngay bây giờ. Hệ thống y tế đến nay vẫn có thể đương đầu với thách thức, nhưng với tốc độ lây nhiễm này, nó sẽ đạt đến giới hạn chỉ trong vài tuần".
Thục Linh (Theo Telegraph, Reuters)
Nguồn: vnexpress.net