Một người nhiễm nCoV không triệu chứng đi thang máy một mình. Cô đã tuân thủ mọi chỉ dẫn, tự cách ly sau khi ở nước ngoài về dù không có dấu hiệu nhiễm virus. Cô ở yên trong nhà và chỉ gọi đồ ăn giao tận nơi, nhưng lại trở thành nguồn lây nhiễm cho cụm dịch với 71 ca dương tính nCoV.
Nỗ lực truy dấu tiếp xúc không chỉ giúp ngăn cản đà lây truyền Covid-19, mà còn cho thấy đại dịch này dễ lây nhiễm như thế nào. Nghiên cứu được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) công bố tuần trước cho thấy ảnh hưởng của một người không triệu chứng với cộng đồng, cũng như hiểm họa ở những vùng có mật độ dân số cao.
Các nhà khoa học thống nhất rằng nCoV chủ yếu lây qua giọt bắn hô hấp từ người bệnh và bề mặt bị nhiễm virus. Tuy nhiên, vũ khí nguy hiểm nhất của Covid-19 là những người nhiễm nCoV không có triệu chứng.
Điều này đã xảy ra nhiều lần. Một thanh niên làm bùng phát cụm dịch ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc sau khi đến nhiều hộp đêm.
Một người ở bang California, Mỹ, lây cho hàng chục người thân và bạn bè trước khi được phát hiện. Nhiều bằng chứng giờ đây cho thấy ngay cả những người cẩn trọng, tuân thủ chỉ dẫn của giới chức cũng có thể trở thành nguồn lây nghiêm trọng.
Báo cáo của CDC tập trung vào nỗ lực truy dấu tiếp xúc ở tỉnh Hắc Long Giang, đông bắc Trung Quốc, hồi giữa tháng 4. Địa phương này thời điểm đó chưa ghi nhận ca nhiễm mới nào trong gần một tháng.
Ngày 2/4, một người đàn ông bị đột quỵ, một trong những dấu hiệu tiềm tàng của Covid-19, nhưng chưa được xét nghiệm. Ông được ba người con đưa vào bệnh viện, họ thay nhau chăm sóc bố và vô tình lây nhiễm nCoV cho 28 người, trong đó có một bác sĩ và 5 y tá.
Bệnh nhân đột quỵ được đưa sang viện khác để hồi phục sức khỏe và tiếp tục lây nCoV cho 20 người. Chỉ đến lúc này giới chức mới phát hiện tình hình thông qua người đàn ông có triệu chứng Covid-19 được gọi là "Bệnh nhân B". Toàn bộ những người tiếp xúc với bệnh nhân đều được xét nghiệm, tất cả đều dương tính nCoV, trong đó có bệnh nhân đột quỵ.
Những người tiếp xúc trực tiếp hoặc xuất hiện gần "Bệnh nhân B" đều được xét nghiệm, trong khi bệnh viện bị phong tỏa. Tuy nhiên, nhiều người trong số này đã lây truyền nCoV. Các chuyên gia truy dấu phải chạy đua với thời gian để tìm nguồn lây, ngăn chặn bệnh dịch lây lan.
"Bệnh nhân B" gặp người đột quỵ và các con trong một bữa tiệc hôm 29/3, nhưng không ai khác tại sự kiện này có kết quả dương tính. Giới chức chưa thể xác định nguồn lây, thành phố vẫn chưa bị phong tỏa, người dân được tụ tập theo nhóm nhỏ và nhiều doanh nghiệp đang mở cửa trở lại.
Họ xét nghiệm bạn gái của "Bệnh nhân B", cùng với con gái của người bạn gái.
Cả hai đều dương tính nCoV. "Bệnh nhân B" gặp họ ngày 26/3, đây là thời điểm các chuyên gia truy dấu gặp trở ngại. Không ai trong số này từng rời địa phương, họ không tiếp xúc với những người từng rời thành phố. Không có bệnh nhân Covid-19 nào liên quan tới hai người này.
Nhóm truy dấu xét nghiệm bộ gen của virus, xác định rằng nó khác với chủng nCoV đang lây lan ở Hắc Long Giang. Điều này đồng nghĩa với nguồn lây cho hai mẹ con đến từ nước ngoài, nhưng mọi liên hệ đều không mang lại kết quả. Không ai từng đi nước ngoài hay tiếp xúc với người đã đi nước ngoài.
Đến ngày 9/4, các chuyên gia gần như tuyệt vọng và quyết định thu thập dữ liệu của toàn bộ những người sống cùng khu chung cư với các bệnh nhân. Một trong số đó mới trở về từ Mỹ và sống ở tầng trên căn hộ của hai mẹ con liên quan đến "Bệnh nhân B".
Đánh giá sức khỏe cho thấy người này khỏe mạnh, không có triệu chứng nhiễm nCoV và tuân thủ chặt chẽ quy định tự cách ly. Dù vậy, xét nghiệm cho thấy cô mang kháng thể chống nCoV. Phỏng vấn và truy dấu đi lại cho thấy người phụ nữ không tiếp xúc trực tiếp với ai, chỉ còn một khả năng lây nhiễm là qua thang máy trong khu chung cư.
"Chúng tôi tin rằng A0, người trở về từ Mỹ, là bệnh nhân không có triệu chứng và B1.1, con gái của bạn gái "Bệnh nhân B", đã bị lây nhiễm khi tiếp xúc với bề mặt trong thang máy chung cư", nhóm nghiên cứu cho hay.
Nghiên cứu cho thấy mức độ nguy hiểm của Covid-19, cũng như tầm quan trọng của truy dấu tiếp xúc.
"Kết quả điều tra cho thấy chỉ một ca nhiễm không triệu chứng cũng có thể gây lây nhiễm rộng trong cộng đồng. Phong tỏa đơn thuần là không đủ", nhóm tác giả viết trong báo cáo.
Một số nghiên cứu trước đây cho thấy nCoV có thể tồn tại suốt nhiều ngày trên các bề mặt như thép và nhựa, đặc biệt là khi chúng ở trong không gian kín.
"Bệnh nhân A0" đi thang máy một mình trong 60 giây và không tiếp xúc trực tiếp với ai. Nhóm nghiên cứu của CDC cho rằng "Bệnh nhân B1.1" đã chạm vào các nút bấm và bề mặt trong thang máy, sau đó sờ lên mặt, mắt và mũi.
Covid-19 đã được kiểm soát tại Hắc Long Giang vào thời điểm đó, nhiều người đã trở nên mất cảnh giác. Họ ít rửa tay hơn và không còn coi trọng những biện pháp cách biệt cộng đồng. Điều đó giúp nCoV lây truyền dễ hơn.
"Duy trì các biện pháp sàng lọc, bảo vệ và cách ly người nhiễm nCoV là yếu tố sống còn nhằm kiểm soát đại dịch Covid-19", nghiên cứu của CDC có đoạn viết
Vũ Anh (Theo NZ Herald)
Nguồn: VnExpress.net