Mười hai ngày đêm trên biển trên một tàu chiến của Pháp đã cho tôi một cơ hội để suy ngẫm về những gì đang nằm phía trước ở vùng biển tranh chấp.
Vào đầu tháng 6, tôi đi bằng đường biển từ thành phố Darwin, Úc đến Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Tôi là quan sát viên trên hai tàu chiến Pháp đi qua vùng biển tranh chấp và quần đảo Trường Sa thuộc Biển Đông. Ngoài những cuộc chạm trán khuấy động với hải quân Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa, thì mười hai ngày trên biển đã cho tôi thật nhiều thời gian để suy ngẫm về tương lai Biển Đông.
Hãy bắt đầu với những điều cơ bản. Đầu tiên là cách gọi tên. Trong tiếng Anh, vùng biển này được gọi là Biển Nam Trung Hoa (South China Sea).
Theo nghĩa nào đó, cách gọi tên như vậy dường như củng cố thêm yêu sách của Trung Quốc nhưng nhiều người lại không để ý rằng phần phía nam của Biển Đông nằm cách xa bờ biển của Trung Quốc những hơn 1000 dặm. Trong tiếng Trung Quốc, vùng biển này được gọi là Nam Hải (Nanhai). Mặt khác, ở Việt Nam và Philippines, khu vực này lần lượt được gọi là Biển Đông và Biển Tây Philippines. Từ vị trí địa lí của vùng biển đối với hai quốc gia này, thì cách gọi tên như vậy hoàn toàn có lý.
Trước khi các quốc gia-dân tộc hiện đại được hình thành ở Châu Á, các nhà sử học chia sẻ quan điểm rằng, Biển Đông đã từng là một vùng giao lưu quan trọng cho những ngư dân bám biển, thương nhân và hải tặc.
Thế nhưng hiện nay, mỗi quốc gia láng giềng đều cố xoá nhoà lịch sử và nêu những yêu sách về chủ quyền lịch sử lâu dài của mình. Riêng Trung Quốc ưu tiên thúc đẩy yêu sách đường chín đoạn, còn gọi là đường lưỡi bò, kéo dài gần 1000 dặm từ bờ biển Trung Quốc đến sát các bờ biển của Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Bill Hayton, một học giả tại Chatham House, đã chứng minh cách thức Trung Quốc nhận thức về quyền lợi của mình là nguồn gốc của xung đột tiềm tàng trên biển, và cách thức Đảng Cộng sản Trung Quốc đã gắn các tuyên bố chủ quyền của họ với các hoạt động tuyên truyền về tự hào dân tộc. Thậm chí, chính phủ Bắc Kinh còn in hình bản đồ có đường chín đoạn trên hộ chiếu Trung Quốc. Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam cố khiêu khích bằng cách mặc áo có hình “đường lưỡi bò”.
Trên thực tế, đường chín đoạn xuất phát từ bản đồ không chính xác do Chính phủ Quốc dân Đảng vẽ ra từ những năm 1940.
Khi Chính phủ Quốc dân Đảng rút sang Đài Loan, họ tiếp tục duy trì tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – và chính phủ đó vẫn giữ lập trường đó cho tới nay.
Chính tên của các hòn đảo thể hiện phần lịch sử được viết ra muộn.
Rất nhiều rạn san hô trong vùng tranh chấp có tên bằng tiếng Anh do các thuỷ thủ đã đi qua khu vực này đặt cho. Richard Spratly là tên một người Anh săn cá voi. Đá Vành Khăn, một thực thể mà chúng tôi đã đi qua trên hành trình của mình, có thể đã được đặt tên theo tên một con tàu đi qua, còn bằng tiếng Trung Quốc được gọi là Mĩ Tế (Meij), là tên phiên âm từ tiếng Anh. Người Trung Quốc đã sử dụng bản đồ tiếng Anh để làm cơ sở cho những tuyên bố hiện nay của họ. Vậy một câu hỏi rất lớn được đặt ra là những yêu sách về quyền sở hữu từ thời cổ đại của Trung Quốc có cơ sở không? Nhóm các nhà khoa học quốc tế cần phải nghiên cứu kỹ những kho lưu trữ ở Đài Loan mà trong đó có chứa các tài liệu vô giá về lịch sử này, để loại bỏ những lẫn lộn từ các luận điểm quốc gia của các nước.
Tuy nhiên, ngay cả khi nắm rõ được lịch sử, Biển Đông vẫn sẽ là một điểm xung đột thực sự.
Đây là một trường hợp để kiểm định lại tính toàn vẹn của luật biển quốc tế và cách giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao. Đây cũng là một trường hợp để kiểm định đối với sự “trỗi dậy hoà bình” của Trung Quốc và để thấy rằng sự trỗi dậy đó có xung khắc gì với các nước láng giềng hoặc Hoa Kỳ. Tôi đã chứng kiến tận mắt lực lượng hải quân rất ấn tượng của Trung Quốc với các tàu khu trục bảo vệ Đá Vành Khăn, Đá Xu Bi và Đá Chữ Thập.
Một chỉ huy hải quân người Pháp có nói với tôi rằng Trung Quốc đã chế tạo số lượng tàu chiến mới tương đương với toàn bộ tàu hải quân Pháp trong bốn năm qua. Ngoài ra, điều này ảnh hưởng tất cả chúng ta bởi phần lớn thương mại quốc tế và nhập khẩu năng lượng đi qua vùng này và nút thắt eo biển Malacca. Xung đột ở Biển Đông sẽ ngăn cản tất cả những hoạt động này.
Khu vực đường “lưỡi bò” mà Trung Quốc đang tuyên bố là thuộc chủ quyền của họ.
Lập trường của Hoa Kỳ không phải là chọn đứng về bất cứ bên nào trong những vấn đề chủ quyền hoặc quyền sở hữu đối với các bãi ngầm tranh chấp, mà là để duy trì tự do hàng hải cho các tàu quân sự của Hoa Kỳ. Nước Pháp cũng có quan điểm tương tự, tôi thấy điều này rất rõ trong chuyển đi của tôi.
Ngoài ra, Hoa Kỳ quan tâm sâu sắc đến việc Trung Quốc quân sự hoá các đảo, điều mà Bộ trưởng Quốc phòng Mattis phê phán tại hội nghị quốc tế Shangri-la vào đầu tháng 6. Như một phản ứng ban đầu, Hoa Kỳ đã rút lời mời Trung Quốc tập trận RIMPAC. Điều này dường như không có bất kỳ tác động nào đối với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình còn đáp trả một cách thẳng thừng với Bộ trưởng Quốc phòng Mattis tại Bắc Kinh vào ngày 27 tháng 6 rằng, Trung Quốc sẽ không từ bỏ dù chỉ là một tấc đất lãnh thổ của họ ở Biển Đông.
Số lượng các chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs) dưới chính quyền Trump ngày càng tăng nhưng nhận được ít sự chú ý từ cấp cao.
Vào thứ 7 mùng 2 tháng 6, Tổng thống Trump đã đăng lên Twitter cá nhân của mình rằng “Thật ngạc nhiên khi Trung Quốc làm điều này”, như một phản ứng đối với nhận định của ông Mattis về “sức ép” của Trung Quốc ở Biển Đông. Câu này cho thấy sự không chắc chắn trong chính sách.
Mặc dù vậy, qua các trao đổi của mình, các quan chức ở Hội đồng An ninh Quốc gia nói với tôi rằng, nên hiểu lời của Trump là ông bất ngờ một cách tiêu cực về hành động của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này dường như nhằm khẳng định chính sách hiện tại. Có thể kết luận rằng, có vẻ như Tổng thống Trump chưa để ý nhiều tới Biển Đông và tự do hàng hải.
Điều này cũng có nghĩa là không nên loại trừ cách tiếp cận mang tính giao dịch của Trump trong quan hệ quốc tế sẽ bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Nó có thể trở thành một miếng bánh trong cuộc đàm phán lớn hơn với Trung Quốc, nơi ưu tiên dành cho thương mại và Bắc Triều Tiên.
Có lẽ sự không chắc chắn về các cam kết dài hạn của Hoa Kỳ sẽ khiến các nước như Philippines dưới chính quyền Duterte ngày càng ngả về phía tìm kiếm hợp tác về kinh tế với Trung Quốc về quyền tiếp cận nguồn tài nguyên Biển Đông bất chấp thực tế là như vậy sẽ làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của Philippines.
Câu hỏi lớn về chính sách là nếu muốn ngăn chặn việc Trung Quốc âm thầm quân sự hoá các đảo, Hoa Kỳ cần phải có đồng minh.
Liên minh tự do hàng hải ngày càng mở rộng. Tôi đã tận mắt nhìn thấy điều này khi chúng tôi đến Trường Sa và thấy các tàu của Anh, Úc và Hoa Kỳ đi qua khu vực này. Bước đi tiếp theo để cho Trung Quốc thấy rằng không chỉ có Hoa Kỳ muốn duy trì tự do hàng hải là việc thực hiện các cuộc tuần tra biển với đồng minh.
Các biện pháp cấm vận đối với các công ty tham gia bồi đắp, cải tạo cũng là một trong số các công cụ có thể được tính đến.
Về phương diện luật pháp quốc tế, việc thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) sẽ không làm Hoa Kỳ thiệt hại, nhưng điều này dường như càng khó xảy ra. Khuyến khích các quốc gia yêu sách theo bước chân của Philippines và đưa vấn đề này lên Toà án Trọng tài quốc tế có thể là bước hữu ích buộc Trung Quốc và các quốc gia yêu sách phải làm rõ những đòi hỏi của họ và cả những cơ sở pháp lý của các đòi hỏi đó dựa theo luật pháp quốc tế.
Nước Pháp đang tìm cách thúc ép các nước châu Âu có lập trường rõ ràng hơn về tự do hàng hải.
Những cuộc tuần tra của quân đội Pháp đang thúc đẩy các tuyên bố của EU về việc duy trì tự do hàng hải và luật quốc tế đi vào thực tiễn.
Các nước châu Âu khác có thể sẽ tham gia vào các cuộc tuần tra biển trong tương lai. Và tất nhiên, Liên minh châu Âu còn cần phải đóng một vai trò lớn hơn nữa ngoài chức năng an ninh cứng là bảo đảm tự do hàng hải.
Khi tôi đi qua Biển Đông, tôi có thấy rằng vấn đề ô nhiễm và đánh bắt cá quá mức là những thách thức gần hơn là những vấn đề về chủ quyền hoặc trò chơi cạnh tranh quyền lực nước lớn giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Ở đây, Liên minh Châu Âu có thể phát huy vai trò đặc biệt trong thúc đấy chủ nghĩa đa phương hàng hải vì tổ chức này đã có những thành công tuyệt vời trong việc quản lý các quyền đánh cá và bảo vệ môi trường ở những vùng nước giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, ở Biển Đông, với mức độ tin cậy giữa các đối tác rất thấp, những việc đó sẽ vô cùng nhạy cảm và khó khăn, mặc dù chúng có thể là tiền đề để giúp từng bước tạo ra được lòng tin. Nếu không hành động sớm, Biển Đông chắc sẽ thực sự trở thành một cái ao của Trung Quốc, vừa ô nhiễm vừa dần cạn kiệt nguồn cá.
Tác giả Jonas Parello-Plesner là nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Hudson. Bài viết được đăng trên Viện Hudson
Biên dịch: nghiencuubiendong.vn
Nguồn: Tri thức Việt Nam